Đà Nẵng: Kiên trì thực hiện hiệu quả các chương trình an sinh xã hội
- Dược liệu
- 22:21 - 22/10/2020
Trong chính sách phát triển của thành phố Đà Nẵng những năm qua và thời gian tới cần chú trọng sự gắn kết giữa tăng trưởng kinh tế với nhiệm vụ giảm nghèo bền vững. Sau hơn 20 năm kiên trì, với nhiều chủ trương lớn mà tập trung là mục tiêu "5 không, 3 có", số hộ nghèo của thành phố từ chỗ chiếm gần 20% trong tổng số hơn 300.000 hộ dân, nay giảm còn khoảng 3%; từ chỗ mỗi năm có hàng trăm hộ đói chạy ăn từng bữa, đến nay tình trạng đói ăn cơ bản chấm dứt. Từ chỗ hàng ngàn hộ dân sống tạm bợ trong những khu nhà tạm bợ hay lay lắt trong những khu tạm cư, đến nay được ổn định trong những khu đô thị mới.
Đây là kết quả của quá trình nỗ lực bền bỉ, cùng với các chính sách đột phá của đảng bộ Thành phố Đà Nẵng trong các nhiệm kỳ qua. Tuy nhiên, hiện vẫn còn hơn 11.000 hộ nghèo theo chuẩn mới, trong đó hơn 3.000 hộ không còn sức lao động; còn hơn 200.000 người yếu thế và đáng quan tâm là thành phố hiện có khoảng 24.000 người có công với cách mạng; 16.000 người khuyết tật, hơn 2.000 trẻ em có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn. Vì vậy trong các chủ trương của nhiệm kỳ mới, thành phố cần quan tâm hơn nữa những vấn đề thuộc lĩnh vực an sinh xã hội.
Đà Nẵng đang hướng tới tăng trưởng bền vững nhưng xuất hiện những bất cập mới thì việc bảo đảm nâng cao mức sống cho người yếu thế sẽ gặp không ít khó khăn. Vì thế, trong qui hoạch và xây dựng cần có những chính sách cụ thể, thể hiện sự quan tâm đến đối tượng nghèo và yếu thế trong xã hội. Bên cạnh sự huy động nguồn lực xã hội, thành phố cần có các chính sách hỗ trợ phù hợp. Ngành Lao động - Thương binh và Xã hội sẽ rà soát, đánh giá tổng quát các mục tiêu và xuất phát từ tình hình thực tế sớm trình các đề án, chương trình trong việc thực hiện giảm nghèo bền vững. Đồng thời, tiếp tục thực hiện tốt các phong trào đền ơn đáp nghĩa, chế độ, chính sách đối với người có công cách mạng, xem đây là việc ưu tiên hàng đầu.
Khi xây dựng chính sách giảm nghèo trong giai đoạn hiện nay, yêu cầu quan trọng nhất vẫn là tính bền vững, phân tích nguyên nhân để có sự hỗ trợ có tính ổn định tương đối, để các đối tượng thụ hưởng có nguồn thu nhập cơ bản, đồng thời khắc phục sự ỷ lại không muốn thoát nghèo. Riêng đối với số hộ nghèo còn sức lao động, cần chuyển từ hình thức cho không sang hỗ trợ có điều kiện gắn với sự nỗ lực vươn lên. Trong đó, ưu tiên thực hiện chính sách hỗ trợ tín dụng ưu đãi, chính sách về học nghề và giải quyết việc làm.
Mặt khác, cần duy trì một số chính sách đặc thù của thành phố như: Trợ cấp hàng tháng cho người nghèo mắc bệnh ung thư, chạy thận nhân tạo; người khuyết tật, trẻ em mồ côi; hỗ trợ ổn định cho người cao tuổi, trong đó riêng các cụ 90 tuổi trở lên không kể có hay không có thu nhập sẽ được trợ cấp ổn định; hỗ trợ về giáo dục, y tế, bảo trợ xã hội cho người thoát nghèo sau 2 năm. Phương châm không dàn trải, không cào bằng trong thực tế là một động lực tích cực cho công tác bảo trợ xã hội.
Vấn đề lớn trong công tác an sinh xã hội chính là việc làm. Bảo đảm có việc làm không chỉ là thước đo cơ bản phản ánh năng lực kinh tế mà còn là tín hiệu quan trọng nhất bảo đảm sự ổn định xã hội. Hiện nay, tỷ lệ thất nghiệp của thành phố vẫn còn cao, hàng ngàn lao động vẫn đang có nhu cầu tìm kiếm việc làm phù hợp. Để sử dụng hiệu quả số lao động hằng năm, yếu tố quan trọng nhất là môi trường đầu tư.
Doanh nghiệp hoạt động hiệu quả nghĩa là lao động có việc làm, nhưng mặt khác chính chất lượng lao động lại là yếu tố hàng đầu cho quyết định đầu tư. Do đó, cần tiếp tục duy trì chính sách ưu tiên đào tạo nghề miễn phí cho các đối tượng đặc thù; phối hợp với các trường đào tạo những ngành nghề mà xã hội đang và sẽ cần. Kinh nghiệm cho thấy không phải chỉ tập trung những ngành "hot" mà nhiều khi cung cấp những lao động phổ thông với những kỹ năng phù hợp lại là điều xã hội đang rất cần hiện nay. Đồng thời, tập trung phát triển nguồn nhân lực chiến lược cho các ngành kinh tế mũi nhọn của thành phố.
Thành phố Đà Nẵng đã xác định 5-10 năm tới xây dựng thành phố có nền kinh tế hiện đại, cơ cấu hợp lý, phát triển bền vững trên nền tảng 3 trụ cột, 5 lĩnh vực kinh tế mũi nhọn; một yếu tố quyết định đến thành công là nguồn nhân lực chất lượng cao, cơ cấu phù hợp với nhu cầu của xã hội; đòi hỏi phải có những chính sách đầu tư đột phá trong thu hút, đào tạo, bồi dưỡng và sử dụng nguồn nhân lực, nhằm đáp ứng các yêu cầu phát triển các lĩnh vực kinh tế mũi nhọn của thành phố.
Chính những chủ trương, chính sách về an sinh xã hội đầy tính nhân văn trong những năm qua đã tạo nên hình ảnh thành phố đáng sống trong quan niệm của người dân cả nước và là niềm tự hào của người dân Đà Nẵng.
Vì vậy, chính sách an sinh xã hội, trong ý nghĩa sâu xa vừa là mục tiêu, vừa là động lực cho sự phát triển bền vững của thành phố, là sự đền ơn đáp nghĩa cụ thể của thành phố đối với sự hy sinh của bao lớp người đi trước.