THỨ BA, NGÀY 26 THÁNG 11 NĂM 2024 01:04

Phú Thọ: Đẩy mạnh các hoạt động cung ứng dịch vụ việc làm

 

*PV: Tính đến thời điểm hiện nay, công  tác giải quyết việc làm cho người lao động ở Phú Thọ đã có những chuyển biến tích cực, ông có thể cho biết rõ hơn vấn đề này?

 - Giám đốc Sở LĐ-TB&XH Phú Thọ Bùi Đức Nhẫn: Sở LĐ-TB&XH Phú Thọ là cơ quan Thường trực Ban Chỉ đạo giải quyết việc làm và xuất khẩu lao động, Sở đã tham mưu UBND tỉnh ban hành kế hoạch giai đoạn 2016 - 2020 và hàng năm.Mỗi năm, Ngân hàng Chính sách xã hội giải quyết cho vay trung bình từ 75 - 80 tỷ đồng các dự án giải quyết việc làm, vay ưu đãi học sinh sinh viên từ nguồn vốn của Quỹ Quốc gia về việc làm. Các nhóm đối tượng yếu thế (lao động là người khuyết tật, người dân tộc, lao động vùng chuyển đổi mục đích sử dụng đất nông nghiệp...) được tạo cơ hội vay vốn phát triển sản xuất kinh doanh, tạo việc làm cho bản thân và cộng đồng. Tăng cường tuyên truyền, truyền thông, phổ biến chính sách về lao động, việc làm; phân tích xu hướng thị trường lao động để phục vụ cho định hướng đào tạo nghề và chuyển dịch cơ cấu lao động. Đến nay, tỉnh Phú Thọ đã cơ bản hoàn thiện hệ thống cơ sở dữ liệu và tiến hành cập nhật thông tin biến động hàng năm để phục vụ công tác quản lý và sử dụng nguồn lao động, hoạch định các chính sách về lao động việc làm, GDNN của địa phương và cả nước. Các hoạt động cung cấp thông tin thị trường lao động và hoạt động cung ứng các dịch vụ việc làm được đẩy mạnh. Duy trì tổ chức các phiên giao dịch việc làm định kỳ tại Trung tâm Dịch vụ việc làm ngày 15 hàng tháng, mỗi năm tổ chức 3 - 4 sàn giao dịch lưu động tại các huyện, thị xã.

 

Ông Bùi Đức Nhẫn, Giám đốc Sở LĐ-TB&XH tỉnh Phú Thọ.

 

Giải quyết việc làm tăng thêm bình quân mỗi năm khoảng 15.000 lao động, đạt chỉ tiêu kế hoạch; năm 2017 đã tạo việc làm tăng thêm cho 16.100 lao động (đạt 107% kế hoạch năm), góp phần duy trì tỷ lệ thất nghiệp khu vực thành thị mức 3%; tăng tỷ lệ sử dụng thời gian lao động ở khu vực nông thôn năm 2016 lên 85,7%. Tỷ lệ lao động qua đào tạo và truyền nghề đạt 58%, trong đó lao động qua đào tạo có bằng cấp, chứng chỉ đạt 26,5%.           

Xuất khẩu lao động năm 2017 đã đạt kế hoạch năm. Số người xuất khẩu lao động tập trung vào một số thị trường truyền thống, ổn định như: Nhật Bản, Hàn Quốc, Đài Loan, Trung Đông... Các địa phương có số người xuất khẩu lao động đạt khá như: TP. Việt Trì, huyện Lâm Thao, huyện Thanh Ba và huyện Hạ Hòa.

* GDNN trước cuộc cách mạng công nghiệp 4.0 đang gặp nhiều thách thức, Phú Thọ đã có sự chuẩn bị thế nào để đào tạo đáp ứng nhu cầu thực tế, thưa ông?

- Công tác GDNN trước cuộc cách mạng 4.0 đang gặp nhiều thách thức, nếu không có sự thay đổi mạnh mẽ thì công tác GDNN sẽ đứng trước nguy cơ lạc hậu, không đáp ứng được nhu cầu thực tế. Trên địa bàn tỉnh Phú Thọ hiện có 52 cơ sở GDNN và tham gia hoạt động GDNN, trong đó: 2 trường đại học, 10 trường cao đẳng, 7 trường trung cấp, 20 trung tâm và 13 cơ sở khác có tham gia hoạt động GDNN.

Ở Phú Thọ, việc rà soát, xác định nhu cầu học nghề đã được thực hiện từ cơ sở. Kế hoạch đào tạo hàng năm được xác lập trên cơ sở nhu cầu học nghề của người lao động, do vậy cơ cấu ngành nghề đào tạo từng bước được điều chỉnh gắn với nhu cầu sản xuất kinh doanh và nhu cầu của thị trường lao động, việc liên kết giữa cơ sở GDNN với doanh nghiệp có chuyển biến tích cực. Bên cạnh đó, công tác tuyên truyền, hướng nghiệp cho học sinh phổ thông về GDNN được đẩy mạnh đã giúp phân luồng tuyển sinh, giúp các em học sinh chủ động hơn trong việc chọn nghề phù hợp với điều kiện, hoàn cảnh gia đình và có cơ hội việc làm sau đào tạo.

Năm 2017, Phú Thọ đã tuyển mới GDNN 21.300 người, đạt 103,6% kế hoạch năm, số sinh viên tốt nghiệp là 13.041 người. Hàng năm, Sở đã tham mưu UBND tỉnh tổ chức các hội giảng giáo viên, hội thi thiết bị đào tạo, hội thi tay nghề, hội diễn, hội thao học sinh, sinh viên và tham gia các kỳ thi quốc gia đạt kết quả tốt nhằm khuyến khích nâng cao chất lượng dạy và học. Hiện tỉnh Phú Thọ đang xúc tiến thực hiện dự án sắp xếp, nâng cao năng lực đào tạo các cơ sở GDNN đến năm 2020, định hướng đến năm 2030 theo hướng tập trung đầu tư các trường trọng điểm, nghề trọng điểm công nghệ cao, đáp ứng yêu cầu của thị trường lao động, doanh nghiệp và các thành phần kinh tế.

*Số lao động nông thôn (LĐNT) được đào tạo nghề có việc làm mới, tự tạo việc làm và tăng thu nhập ở Phú Thọ thế nào, thưa ông?

- Trong 5 năm (2012 - 2017), các cơ sở GDNN đã tuyển sinh, đào tạo nghề cho 100.233 người, trong đó hỗ trợ đào tạo nghề cho LĐNT theo Đề án 1956 là 23.883 người. Tỷ lệ LĐNT có việc làm mới, tự tạo việc làm, tăng thu nhập sau học nghề đạt trên 80%. UBND tỉnh Phú Thọ cũng đã  ban hành Kế hoạch số 316/KH-UBND ngày 24/1/2017 về đào tạo nghề cho LĐNT giai đoạn 2016 - 2020. Theo đó, trang bị kiến thức, kỹ năng nghề, nâng cao trình độ tay nghề cho  LĐNT, tạo điều kiện thuận lợi cho LĐNT sau học nghề có cơ hội tìm việc làm, tự tạo việc làm, tăng thu nhập, ổn định cuộc sống góp phần phát triển kinh tế - xã hội.

Phấn đấu đến năm 2020, tỷ lệ lao động qua đào tạo nghề và truyền nghề đạt 70%; trong đó, qua đào tạo có bằng cấp, chứng chỉ đạt 28%. Xây dựng đội ngũ cán bộ, công chức chuyên môn cấp xã có phẩm chất chính trị, trình độ, năng lực chuyên môn và kiến thức quản lý nhà nước đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ quản lý hành chính, xây dựng và tổ chức thực hiện các chương trình, kế hoạch, dự án phát triển kinh tế - xã hội của địa phương. Trong đó, xác định mục tiêu cụ thể: Đào tạo nghề cho 75.000 LĐNT; tổ chức đào tạo nghề cho 27.000 LĐNT từ nguồn vốn Chương trình Mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới, trong đó ưu tiên đào tạo nghề cho người lao động thuộc diện hưởng chính sách ưu đãi người có công, người thuộc hộ nghèo, cận nghèo, người dân tộc thiểu số, người khuyết tật, người thuộc hộ bị thu hồi đất nông nghiệp; tổ chức đào tạo cho 48.000 LĐNT từ nguồn vốn xã hội hóa; tỷ lệ có việc làm mới hoặc tự tạo việc làm ngay sau học nghề đạt 80% trở lên; bồi dưỡng cán bộ công chức và các chức danh cấp xã cho khoảng 4.800 lượt người, đáp ứng yêu cầu lãnh đạo, quản lý kinh tế - xã hội thời kỳ công nghiệp hóa, hiện đại hóa nông nghiệp, nông thôn.

 

Nhiều lao động tại Phú Thọ được hỗ trợ học nghề, tạo việc làm thông qua nguồn vốn vay từ Quỹ Quốc gia giải quyết việc làm.

 

* Ông có thể cho biết thời gian tới, Phú Thọ sẽ tập trung vào những vấn đề nào để công tác GDNN trở thành điểm sáng?

- Trong thời gian tới sẽ tiếp tục chỉ đạo đẩy mạnh công tác tuyên truyền, phổ biến về chính sách GDNN, giải quyết việc làm và xuất khẩu lao động. Xây dựng các phóng sự chuyên đề và mở chuyên mục thông tin về công tác giải quyết việc làm và xuất khẩu lao động trên các phương tiện thông tin của tỉnh và ngành. Tăng cường công tác kiểm tra, giám sát hoạt động của các doanh nghiệp, tổ chức, cá nhân có tham gia hoạt động xuất khẩu lao động trên địa bàn. Kiên quyết xử lý các tổ chức, cá nhân không có chức năng xuất khẩu lao động quảng cáo tư vấn, giới thiệu việc làm, đưa đi xuất khẩu lao động, thu tiền môi giới bất hợp pháp.

Xây dựng và thực hiện Đề án rà soát, sắp xếp lại mạng lưới các cơ sở GDNN đến năm 2020, tầm nhìn đến năm 2030 xác định trường trọng điểm, nghề trọng điểm để tích cực đầu tư theo hướng công nghệ cao; tiếp tục tổ chức đào tạo, bồi dưỡng về chuyên môn, nghiệp vụ, kỹ năng nghề cho đội ngũ giáo viên, cán bộ quản lý; xây dựng, ban hành định mức kinh tế - kỹ thuật về đào tạo áp dụng trong lĩnh vực GDNN. Thực tế đang đặt ra yêu cầu cấp bách phải đổi mới và nâng cao chất lượng GDNN theo hướng ứng dụng, thực hành, gắn chặt với nhu cầu của thị trường lao động, việc làm bền vững và an sinh xã hội. Chính vì vậy, cần tăng cường tính tự chủ và khuyến khích cơ chế cạnh tranh về chất lượng giữa các cơ sở đào tạo. Chủ động đề xuất sáp nhập, giải thể những cơ sở đào tạo không đáp ứng yêu cầu đào tạo và thị trường lao động, có cơ chế hợp tác công - tư để đầu tư, khai thác, sử dụng chung cơ sở vật chất, thiết bị, nhà giáo, chương trình, giáo trình... nhằm nâng cao chất lượng nguồn nhân lực.

* Xin cảm ơn ông!

THANH HUYỀN

CÙNG CHUYÊN MỤC
Xem theo ngày
Tin nên đọc
Báo dân sinh
Báo dân sinh
Báo dân sinh