CHỦ NHẬT, NGÀY 19 THÁNG 01 NĂM 2025 11:42

Ô nhiễm không khí: Nan giải hướng khắc phục

 

70% ô nhiễm không khí từ giao thông

Báo cáo hiện tượng môi trường quốc gia (Bộ Tài nguyên và Môi trường) cho biết, không khí tại các đô thị lớn như Hà Nội, TP Hồ Chí Minh, Đà Nẵng đang có xu hướng tăng đáng kể nồng độ khí ôzôn, loại khí gây ra nhiều bệnh về hô hấp. Hà Nội đang đứng trong danh sách những Thủ đô ô nhiễm không khí nhất khu vực Đông Nam Á và châu Á. Theo số liệu của Trung tâm Quan trắc môi trường (Tổng cục Môi trường), tại các nút giao thông và công trình xây dựng, mức độ ô nhiễm tăng lên gấp 5 - 6 lần tiêu chuẩn cho phép. "Thủ phạm" gây ô nhiễm lớn nhất cũng được "điểm mặt chỉ tên" chính là hoạt động giao thông (chiếm tới hơn 70% tỷ lệ gây ô nhiễm). Tiếp đó, hoạt động sản xuất công nghiệp, khai thác khoáng sản, xây dựng và dân sinh cũng chiếm một tỷ lệ tương đối về khí thải gây ô nhiễm không khí đô thị. Ngay đến TP. Đà Nẵng được coi là tiêu biểu cho “đô thị sạch ở Việt Nam” nhưng 3 năm qua, số ngày có chất lượng không khí kém, không khí xấu ở đô thị biển này tăng lên đáng kể.

Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Môi trường Hoàng Dương Tùng nhận định, ô nhiễm môi trường từ lâu đã trở thành vấn đề nhức nhối, gây ảnh hưởng nặng nề tới sức khỏe con người và sự "phát triển sạch" của đất nước. Theo khảo sát của Sở Y tế Hà Nội, những năm gần đây có đến 72% hộ gia đình có người mắc bệnh do ô nhiễm không khí, trong đó quận Hoàng Mai chiếm tỷ lệ cao nhất  91,4%; thấp nhất là quận Tây Hồ với 55%. Thông tin từ Bộ Y tế cũng khẳng định, các bệnh về đường hô hấp có tỷ lệ mắc cao nhất trên toàn quốc, và một trong các nguyên nhân được xác định là do ô nhiễm không khí. Theo thống kê cứ 100.000 dân thì có đến 419 người mắc các bệnh về viêm phổi; 350 viêm họng và viêm amidan cấp; 273 viêm phế quản và viêm tiểu phế quản.

Khẩu trang - vật bất ly thân của người dân khi ra đường.

Trong bối cảnh ấy, càng đáng quan ngại hơn, khi mà vị trí xếp hạng xu hướng cải thiện năng lực quản lý môi trường của Việt Nam chỉ ở mức khiêm tốn 73/132, thuộc nhóm các quốc gia có những cải thiện nhỏ (mức trung bình) về năng lực quản lý môi trường.

Thiếu các quy định đảm bảo môi trường không khí

Thời gian qua, các bộ, ngành đã đưa ra nhiều giải pháp để giải quyết vấn nạn giao thông, song vấn nạn ô nhiễm môi trường, ô nhiễm không khí chưa được quan tâm đúng mức. Và chiếc khẩu trang từ lâu đã là vật bất ly thân của mỗi người dân khi bước ra đường.

Môi trường không khí ô nhiễm nghiêm trọng do nhiều nguyên nhân, trong đó phải kể đến  bất cập trong công tác quản lý đã tồn tại từ nhiều năm nay nhưng chưa được giải quyết triệt để. Cụ thể, hiện vẫn thiếu các quy định đặc thù cho môi trường không khí; tính hiệu quả, hiệu lực thi hành các chính sách, pháp luật chưa cao và thiếu tính gắn kết. Đặc biệt là chưa thực hiện được việc kiểm soát khí thải tại nguồn, cùng với ý thức tuân thủ các quy định về bảo vệ môi trường của các chủ nguồn thải còn yếu kém...

TS Doãn Ngọc Hải, Viện trưởng Viện Sức khỏe nghề nghiệp và môi trường (Bộ Y tế) nhận định: Thời gian qua, mỗi ngành, mỗi đơn vị mới chỉ có những nghiên cứu về ô nhiễm chỉ như một "lát cắt ngang" ở một thời điểm và trong phạm vi hẹp; chưa có sự phối hợp liên ngành, kết hợp nghiên cứu có hệ thống và áp dụng giải pháp tổng thể với tầm nhìn xa nhằm cải thiện chất lượng không khí nên hiệu quả chưa cao. Theo bà Lê Hoàng Anh, Phó Giám đốc Trung tâm quan trắc môi trường, để kiểm soát không khí, hạn chế ô nhiễm môi trường, từ năm 2007 Luật về không khí sạch đã được đưa ra bàn luận, "mổ xẻ" nhiều, nhưng nhiều quy định, nội dung vẫn bị bỏ trống, thiếu sót. Ngay cả Luật Bảo vệ môi trường 2005 cũng chưa có những quy định cụ thể, rõ ràng. Trong khi hàng năm, Chính phủ và chính quyền các đô thị lớn như Hà Nội, TP.Hồ Chí Minh đã đầu tư hàng ngàn tỷ đồng cho việc phát triển hệ thống giao thông, tuy nhiên, việc chi cho bảo vệ môi trường thì vẫn chưa tương xứng. Do vậy, các chuyên gia cho rằng, cần gấp rút hạn chế tốc độ gia tăng dân số cơ học, đồng thời cần ban hành các cơ chế về bảo vệ môi trường thật nghiêm, kiểm soát các công trình xây dựng, giao thông vô tư gây bụi, ô nhiễm như hiện nay.

Các biện pháp tự bảo vệ trước tình trạng ô nhiễm không khí: Đeo khẩu trang bảo vệ khi ra ngoài. Tránh tập thể dục ngoài trời khi mức độ ô nhiễm không khí cao, bao gồm các hoạt động như đạp xe, đi bộ và chạy bộ. Trẻ em và người bị bệnh hen hoặc các bệnh hô hấp mạn tính sẽ dễ bị tác động của ô nhiễm không khí hơn. Cần đi khám ngay khi thấy những triệu chứng sau: Khó thở, ho, ngứa họng, ngứa mắt. Ô nhiễm không khí thường ở mức cao nhất khi trời nóng, vì thế hãy dời các hoạt động ngoài trời sang lúc sáng sớm hoặc chiều muộn.

THÁI AN/Lao động và Xã hội

CÙNG CHUYÊN MỤC
Xem theo ngày
Tin nên đọc
Báo dân sinh
Báo dân sinh
Báo dân sinh