THỨ BẨY, NGÀY 23 THÁNG 11 NĂM 2024 12:10

Phát động Tuần lễ quốc gia về Nước sạch và vệ sinh môi trường

 

Tuần lễ quốc gia về Nước sạch và vệ sinh môi trường do Thủ tướng Chính phủ phát động diễn ra từ ngày 29/4 – 6/5 hàng năm. Chủ đề của tuần lễ quốc gia nước sạch và vệ sinh môi trường năm nay là: “Nước sạch và vệ sinh môi trường vì sự phát triển toàn diện của trẻ”.

Tại lễ phát động, các đại biểu cùng học sinh trường tiểu học Đông Phương Yên thực hành rửa tay bằng xà phòng.

 

Nước sạch là một trong những yếu tố đảm bảo sự sinh tồn và phát triển của sự sống trên trái đất. Đối với trẻ em, nước sạch là yếu tố quan trọng quyết định đến sự phát triển toàn diện của trẻ, hay nói một cách khác, nước sạch đồng hành với tương lai của nhân loại. Trong những năm qua, thông qua Chương trình mục tiêu quốc gia nước sạch và môi trường nông thôn các giai đoạn từ 2000 - 2015, Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới, các Chương trình, dự án về nước sạch và vệ sinh nông thôn, công tác cấp nước sạch nông thôn trong đó có cấp nước cho trường học và trạm y tế đã đạt được thành quả đáng kể. Tính đến hết năm 2016, tỷ lệ người dân nông thôn được cấp nước sinh hoạt hợp vệ sinh khoảng 91,5%, trong đó gần 49% sử dụng nước đạt Quy chuẩn 02:2009/BYT, 90% hộ gia đình nông thôn có nhà tiêu, trong đó 67% có nhà tiêu hợp vệ sinh; 93% trường học có công trình cấp nước và vệ sinh.

Học sinh trường tiểu học Đông Phương Yên nhảy dân vũ "Rửa tay bằng xà phòng".

 

Phát biểu tại buổi lễ phát động, đại diện Bộ NN&PTNT cho biết, mặc dù đạt được nhiều thành tựu trong công tác cấp nước và vệ sinh nông thôn, song chúng ta cũng gặp phải không ít những khó khăn, thách thức. Hiện nay, nhiều công trình cấp nước được đầu tư xây dựng ở những giai đoạn trước đây bị xuống cấp, hư hỏng, ngừng hoạt động do thảm thực vật suy giảm, tác động của biến đổi khí hậu ảnh hưởng đáng kể đến suy giảm chất lượng và trữ lượng nguồn nước mặt, nước ngầm; công nghệ lạc hậu, không còn phù hợp với điều kiện nguồn nước, tỉ lệ nước thất thoát lớn, nguồn thu không đủ các chi phí...  Việc huy động nguồn lực xã hội hóa, PPP trong đầu tư, quản lý và khai thác công trình cấp nước và vệ sinh còn hạn chế do tư duy và nhận thức; năng lực quản lý điều hành, sự hỗ trợ của các cơ quan quản lý Nhà nước còn hạn chế và ít hiệu quả. Hiệu quả công tác truyền thông chưa cao, vai trò chủ thể của người dân và hệ thống chính trị cơ sở đã vào cuộc nhưng chưa tạo ra sự thay đổi lớn về nhận thức để tác động đến hành vi của người dân trong sử dụng nước sạch,vệ sinh cá nhân và giữ gìn vệ sinh môi trường công cộng.

Sự suy giảm tính bền vững của các công trình cấp nước và vệ sinh đã ảnh hưởng trực tiếp đến cơ hội dùng nước an toàn của người dân nông thôn, đặc biệt là trẻ em, đặt các em trước nguy cơ bị lây nhiễm các loại dịch bệnh chết người như dịch tả và tiêu chảy, tước bỏ những cơ hội được chăm sóc về giáo dục và các quyền lợi khác mà đáng ra các em được hưởng.

Theo đánh giá của Liên Hiệp quốc, trên thế giới mỗi ngày có khoảng 800 trẻ tử vong vì các bệnh liên quan đến sử dụng nước ô nhiễm, vệ sinh cá nhân và vệ sinh môi trường không tốt. Việt Nam có 1,8 triệu trẻ em bị suy dinh dưỡng thể thấp còi và 45% ca tử vong ở trẻ dưới năm tuổi liên quan đến tình trạng suy dinh dưỡng. Đặc biệt trong năm 2016, do hạn hán và xâm nhập mặn nghiêm trọng nhất trong 60 năm qua, đã có tới 2 triệu người trong đó có 520.000 trẻ em và 1 triệu phụ nữ sống trong cảnh thiếu nước trầm trọng và cần được trợ giúp nhân đạo.

Trong bối cảnh đó, Chính phủ Việt Nam đã nhận được sự hỗ trợ kịp thời và có hiệu quả từ các tổ chức quốc tế như: UN, Chính phủ Nhật Bản, ADB, WB…, các nhà hảo tâm trong nước trong việc cung cấp các hóa chất, trang thiết bị trữ và xử lý nước cho người dân, đặc biệt là trẻ em trong các trường học ở những khu vực bị ảnh hưởng được sử dụng nước sạch và công trình vệ sinh hợp vệ sinh.

Đại diện Bộ NN&PTNT kêu gọi mỗi người dân chung tay bảo vệ môi trường, bảo vệ, sử dụng tiết kiệm và hiệu quả nguồn nước. Đồng thời, khuyến khích thực hành vệ sinh cá nhân tốt nhằm giảm thiểu tối đa tác động tiêu cực của biến đổi khí hậu và rủi ro thiên tai đến sức khỏe trẻ em nói riêng và cộng đồng nói chung; đồng thời thực hiện phát triển bền vững nước sạch và vệ sinh môi trường trên toàn quốc. 

VÂN KHÁNH

CÙNG CHUYÊN MỤC
Xem theo ngày
Tin nên đọc
Báo dân sinh
Báo dân sinh
Báo dân sinh