Phụ nữ tham chính - Góc nhìn từ nam giới
- Tra cứu sét nghiệm y khoa
- 21:26 - 05/11/2015
Kỳ 4: Cơ cấu nữ trong lựa chọn lãnh đạo
Ông Nguyễn Văn Đạt, thượng tá về hưu cho rằng: “Việc cơ cấu nam nữ là cần thiết đặc biệt trong các cuộc bầu cử bởi vì có nam, có nữ thì mới có được đại diện tốt nhất cho quyền lợi của mọi cử tri. Có phụ nữ thì các vấn đề về bình đẳng nam nữ, quyền của phụ nữ và trẻ em, xây dựng gia đình bền vững mới được xem xét. Tỷ lệ phụ nữ trong cơ cấu đại biểu nên đạt 30%. Cơ cấu nam nữ không phải là bất bình đẳng mà là bình đẳng để tạo cơ hội cho nhóm yếu thế được tham gia chính quyền”.
Ông Nguyễn Văn Đạt.
Anh Nguyễn Trọng Minh, PGĐ công ty TNHH Tiến Bình Minh cũng cho rằng: “Cơ cấu nam nữ trong bố trí cán bộ là cần thiết. Thứ nhất là tao điều kiện cho phụ nữ tham gia chính trị. Thứ hai là phụ nữ nhẹ nhàng mềm dẻo nên có thể đưa ra các quyết định cẩn trọng hợn so với nam giới. Tuy nhiên cơ cấu không phải là máy móc mà phải làm sao để nâng cao nhận thức của người dân về bình đẳng giới, về công việc mà phụ nữ có thể đảm nhận”.
Mặc dù không hoàn toàn đồng ý với các ý kiến trên, nhưng anh Lê Văn Thái, Trưởng phòng nhân sự Công ty cổ phần kết nối đầu tư quốc tế Cửu Long, cũng đưa ra ý kiến: “Đồng ý rằng phụ nữ có thể làm được bất kỳ chức vụ gì theo khả năng. Tuy nhiên vấn đề cơ cấu nằm ở tầm nhận thức xã hội. Nếu không có cơ cấu thì nhiều trường hợp phụ nữ không thể tham gia vào chính trị do Việt Nam vẫn còn ảnh hưởng của Nho giáo trọng nam khinh nữ”.
Anh Trần Đàm Đức lại có ý kiến khá cực đoan về cơ cấu nam nữ: “Ai có tài thì nên lãnh đạo. Đối với phụ nữ được cơ cấu thì chỉ để cho có vẻ bình đẳng. Sau khi được bố trí thì chắng có thực quyền hay tiếng nói gì, kiểu như chỉ để làm cảnh”.
Anh Nguyễn Trọng Minh.
Anh Vũ Trung Dân, lái xe taxi Mai Linh có quan điểm gần như anh Trần Đàm Đức khi cho rằng: “Cơ cấu chỉ là hình thức, quan trọng là người được chọn có năng lực, có hoàn thành công việc không. Tắc đường, kẹt xe, ngập úng, tham nhũng không giải quyết được, hứa mà không làm, làm mà không tới nơi tới chốn thì lãnh đạo nam cũng như nữ có gì khác nhau đâu. Cơ cấu đâu có giải quyết được cái này”.
Không phủ nhận việc ai có tài thì nên lãnh đạo nhưng Nhà báo Thành Dũng, Báo CAND cho rằng: “Nếu không có cơ cấu thì phụ nữ rất khó được lựa chọn vào các chức danh chủ chốt. Do đó trong ngắn hạn thì cũng phải duy trì cơ cấu. Quan trọng là làm sao những người được cơ cấu phải là những người có thực tài, có khả năng làm việc. Từ đó chứng tỏ rằng phụ nữ không chỉ là lãnh đạo tốt mà còn là lãnh đạo có tâm, có tầm. Tạo hiệu ứng xã hội để mở đường cho việc ngày càng nhiều phụ nữ có tài có năng lực nắm giữ các vị trí chủ chốt trong nền chính trị. Hiện nay TP. Hồ Chí Minh đang làm khá tốt điều này khi có nhiều phụ nữ đảm nhận rất tốt các chức vụ như Chủ tịch HĐND, các thành viên UBND”.
Nhà báo Thành Dũng.
Anh Lại Xuân Thanh, cán bộ Sân bay Tân Sơn Nhất đồng tình: “Đành rằng cơ cấu là trong giai đoạn này là hợp lý. Nhưng cơ cấu phải phù hợp với tình hình mỗi cơ quan, không máy móc, không hình thức. Vì nếu cơ cấu mà máy móc, hình thức thì vô hình chung lại có tác dụng ngược đối với xã hội và đối với chính người được cơ cấu. Người phụ nữ có trình độ năng lực trong lĩnh vực này phải làm việc trong lĩnh vực khác. Việc này làm cho người được cơ cấu không thể tự tin và giảm hiệu quả công việc. Trong trường hợp này xã hội sẽ tiếp tục duy trì và ủng hộ cho định kiến về việc phụ nữ không giữ các chức vụ cao, quan trọng, còn người được cơ cấu cũng sẽ bị xoi mói, nhìn nhận một cách thiếu thiện cảm”.
Như vậy phần lớn người được hỏi đều có chung một quan điểm là lãnh đạo thì nên có nam, có nữ. Với thực trạng hiện nay nếu không có cơ cấu nam nữ thì có bao nhiêu phụ nữ có thể nắm giữ các chức vụ lãnh đạo. Câu trả lời có lẽ sẽ là rất ít. Nhưng nếu phải đưa phụ nữ làm lãnh đạo cho đủ cơ cấu thì cơ cấu trở nên hình thức.
Mặc dù xã hội Việt Nam ngày càng phát triển, quyền lợi của phụ nữ ngày càng được bảo đảm. Nhưng dưới góc nhìn của nam giới thì bênh cạnh các quan điểm tương đối cởi mở thì vẫn có những quan điểm hạn chế thậm chí không đồng tình với việc phụ nữ tham chính. Do đó để thực hiện được mục tiêu bình đẳng giới trong chính trị, thì nhà nước và xã hội còn cần phải làm rất nhiều việc, trong đó thay đổi nhận thức của nam giới về vấn đề là một trong những việc quan trọng nhất.
Theo Quyết định số 4249/QĐ-UBND ngày 07/9/2011 của UBND TP. Hồ Chí Minh về ban hành Chương trình thực hiện Chiến lược quốc gia về bình đẳng giới trên địa bàn Thành phố giai đoạn 2011 - 2020”: 1. Mục tiêu 1: Tăng cường sự tham gia của phụ nữ vào các vị trí quản lý, lãnh đạo, từng bước giảm dần khoảng cách giới trong lĩnh vực chính trị: a) Các chỉ tiêu: - Chỉ tiêu 1: + Phấn đấu đạt tỷ lệ nữ tham gia các cấp ủy Đảng nhiệm kỳ 2016 - 2020 từ 30% trở lên; tỷ lệ nữ đại biểu Quốc hội, đại biểu Hội đồng nhân dân các cấp nhiệm kỳ 2016 - 2020 trên 35%. + Phát triển đảng viên nữ đạt tỷ lệ 40% trở lên trên tổng số đảng viên mới kết nạp vào năm 2015. - Chỉ tiêu 2: Phấn đấu đến năm 2015 đạt 85% và đến năm 2020 đạt 100% sở, ban, ngành, Ủy ban nhân dân các cấp có lãnh đạo chủ chốt là nữ. - Chỉ tiêu 3: Phấn đấu đến năm 2015 đạt 85% và đến năm 2020 đạt 100% cơ quan của Đảng, tổ chức chính trị - xã hội có lãnh đạo chủ chốt là nữ nếu ở cơ quan, tổ chức có tỷ lệ 30% trở lên là nữ cán bộ, công chức, viên chức, người lao động. Thành phố đã thực hiện rất nhiều chương trình và kế hoạch cụ thể để đạt được mục tiêu này. Tuy nhiên theo kết quả bầu BCH Đảng bộ Thành phố nhiệm kỳ 2015 - 2020 thì tỷ lệ nữ tham gia BCH mặc dù có tăng vẫn chưa đạt chỉ tiêu (chỉ có 14/69 thành viên BCH là nữ và 3/15 thành viên Ban thường vụ là nữ). Như vậy Công tác về bình đẳng giới của TP, Hồ Chí Minh có lẽ vẫn còn một chặng đường dài để đạt mục tiêu đề ra, điều này cho thấy để thay đổi được định kiến giới không phải là chuyện một sớm một chiều và không phải là một cơ quan, tổ chức nào đó có thể làm được mà cần phải có sự chung tay của toàn xã hội, đặc biệt đòi hỏi người thực hiện công tác này phải kiên định, không từ bỏ và lùi bước trước các khó khăn và kết quả chưa được như mong muốn. |