THỨ SÁU, NGÀY 20 THÁNG 09 NĂM 2024 09:38

Phụ nữ nông thôn làm nhiều, nhưng hưởng ít

 

“Nữ làm, nam học”

Kinh tế nông nghiệp chiếm hơn 20% GDP của Việt Nam, 62% tổng số hộ ở nông thôn sống bằng nghề nông. Lao động nữ nông thôn chiếm 58,02% lực lượng lao động trong lĩnh vực nông, lâm, ngư nghiệp (riêng nông nghiệp, lao động nữ chiếm 56,29%) và họ, hiện đang sản xuất ra hơn 60% sản phẩm nông nghiệp. Nhưng với những người phụ nữ sống ở vùng nông thôn, với nền kinh tế tự cung, tự cấp, họ không chỉ tham gia vào công việc sản xuất mà còn cả làm các công việc nội trợ, nuôi con. Vì vậy, vai trò nhân đôi của họ rất nặng nhọc. Một cuộc khảo sát ở đồng bằng sông Cửu Long đã chỉ ra rằng phụ nữ đã đóng góp 72% công việc sản xuất nông nghiệp và 82% cho công việc nội trợ.

 

So với mặt bằng chung của xã hội, phụ nữ nông thôn thường có trình độ học vấn thấp hơn, điều này có nghĩa là một nửa lực lượng lao động của nền kinh tế bị hạn chế về kiến thức, kỹ năng sản xuất hoặc hạn chế khả năng ứng dụng các công nghệ mới vào sản xuất. Mặc dù phụ nữ đảm nhận đa phần các công việc liên quan đến sản xuất nông nghiệp, nhưng họ lại ít có cơ hội tham gia các lớp tập huấn chuyển giao kiến thức khoa học kỹ thuật. Theo số liệu khảo sát chỉ có 20% các lớp tập huấn khuyến nông về chăn nuôi có phụ nữ tham gia. Tương tự, mặc dù có 80% phụ nữ nông thôn làm trong lĩnh vực trồng trọt nhưng chỉ có 10% số người được tập huấn khuyến nông về trồng trọt là nữ. Đa số các cán bộ cung cấp dịch vụ công ở cấp cơ sở là nam giới và họ cũng thường coi các nông dân nam (chủ hộ gia đình) là đối tượng mục tiêu của các hoạt động khuyến nông. Hiện tượng “Nữ làm, nam học” này khá phổ biến ở các vùng nông thôn Việt Nam.

Phụ nữ và nam giới có xu hướng làm việc trong những khu vực khác nhau, tỷ lệ phụ nữ tham gia vào các hoạt động năng suất thấp thường cao hơn nam giới. Phụ nữ cũng chịu nguy cơ phải làm việc gia đình không công hoặc làm việc trong lĩnh vực thuê mướn không chính thức. Trong lĩnh vực nông nghiệp, phụ nữ thường phải làm việc trên những cánh đồng nhỏ và canh tác các giống cây trồng mang lại lợi nhuận thấp. Với vai trò là doanh nhân, phụ nữ có xu hướng quản lý các công ty nhỏ và tập trung hoạt động trong các lĩnh vực mang lại ít lợi nhuận. Còn trong thị trường việc làm chính thức, đa phần phụ nữ làm những công việc và lĩnh vực “dành cho phái nữ”. Phụ nữ nông thôn đặc biệt khó cạnh tranh để kiếm việc làm thêm do họ thiếu kỹ năng lao động cần thiết cũng như thiếu vốn để đa dạng hóa hoạt động sản xuất, kinh doanh.

Bất bình đẳng trong tiếp cận các nguồn lực

Phụ nữ nông thôn thường bị hạn chế hơn nam giới trong tiếp cận đất đai, vốn hay các nguồn lực khác. Điều này ảnh hưởng đến việc đảm bảo và duy trì cuộc sống hàng ngày của họ, làm họ phải lệ thuộc nhiều hơn vào nam giới. Sự bất bình đẳng giới trong tiếp cận đến các nguồn lực và quyền lực ảnh hưởng đến tính tự chủ của phụ nữ trong việc ra quyết định cho sự phát triển của bản thân cũng như gia đình.Tiếng nói kém trọng lượng trong quá trình đưa ra các quyết định gia đình và xã hội.

Chia sẻ kết quả nghiên cứu phụ nữ tiếp cận với đất đai do Chương trình Phát triển của Liên hợp quốc (UNDP) tài trợ, bà Nguyễn Thị Phương Châm, thành viên nhóm nghiên cứu cho biết, hiện nay tỷ lệ phụ nữ đứng tên chủ quyền đất ở và các loại đất khác thấp hơn so với nam giới, ở nông thôn thấp hơn ở đô thị. Tỷ lệ phụ nữ đứng tên trong Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất hoặc đứng tên cùng chồng có xu hướng cao hơn khi đó là đất do cha mẹ đẻ để lại, đất được cấp cho vợ hoặc chồng hoặc đất họ cùng mua sau khi kết hôn.

Thực tế quan niệm con trai thường được thừa kế đất hương hỏa của tổ tiên đã ảnh hưởng không nhỏ đến quyền sở hữu đất đai của người phụ nữ. Và dù nguồn gốc tài sản thường là bên vợ hay bên chồng thì người đứng tên trên giấy tờ thường là người chồng. Đối với những phụ nữ làm ruộng là chính, họ ít quan tâm hiểu về thủ tục đất đai, giấy tờ nên thường “để đàn ông đi” hoặc người chồng “đứng tên vì vợ không biết”. Theo khảo sát của nhóm nghiên cứu, tỷ lệ người đứng tên trên. Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất: 44% là chồng, 22% là hai vợ chồng, 19,7% là vợ, 7,4% là người khác và 6,9% là bố mẹ.

Mặc dù pháp luậtchính sách của Nhà nước đều khẳng định phụ nữ và nam giới phải được bình đẳng trong việc tiếp cận tín dụng, song vẫn có những chênh lệch đáng kể trong việc áp dụng các điều luật và chính sách trong lĩnh vực này. Thêm vào đó, phần lớn phụ nữ khó đáp ứng đầy đủ các điều kiện vay vốn tín dụng chính thức vì họ không phải là chủ hộ và không đứng tên trên giấy chứng nhận quyền sử dụng đất.

Sản xuất nông nghiệp quy mô nhỏ vẫn là cơ sở đảm bảo cả an toàn lương thực lẫn thu nhập ở nông thôn. Hiện nay, phần lớn phụ nữ và nam giới ở nông thôn sản xuất nông nghiệp là chính, trong hoàn cảnh đó, việc các nông hộ do phụ nữ quản lý có thu nhập thấp hơn hẳn nông hộ do nam giới quản lý. So sánh các cơ sở sản xuất phi nông nghiệp ở nông thôn cũng cho thấy doanh thu và lãi suất của các cơ sở do phụ nữ quản lý thường thấp hơn các cơ sở do nam giới quản lý, trừ duy nhất lĩnh vực dịch vụ.

Nguyên nhân chính của những bất bình đẳng giới trong nông nghiệp, nông thôn hiện nay là do nhận thức và quan niệm truyền thống về các vấn đề giới còn hạn chế và chưa đầy đủ như: Cách ứng xử của xã hội vẫn còn ảnh hưởng khá rõ rệt của chế độ phụ hệ; nếp gia trưởng vẫn giữ vai trò chủ đạo trong các quan hệ gia đình, đặc biệt là ở nông thôn. Nói chung, từ lâu đa số phụ nữ giữ một vai trò thứ yếu so với nam giới trong gia đình suốt cuộc đời họ.

Châu Anh

CÙNG CHUYÊN MỤC
Xem theo ngày
Tin nên đọc
Báo dân sinh
Báo dân sinh
Báo dân sinh