CHỦ NHẬT, NGÀY 10 THÁNG 11 NĂM 2024 06:19

Phụ nữ đừng tự làm rào cản cho chính mình

“Nặng gánh” việc nước

Nhìn dáng người nhỏ, gầy, giản dị, tôi không nghĩ chị lại là người đang “nặng gánh” việc nước nhiều như vậy. Chị là đại biểu Quốc hội, Tỉnh ủy viên (khóa VIII và IX), Giám đốc Sở LĐ-TB&XH, Phó Chủ tịch Ủy ban Vì sự tiến bộ của phụ nữ tỉnh Kiên Giang. “Việc nước” chị luôn hoàn thành xuất sắc. Việc gia đình chị cũng luôn chu toàn. Cô con gái lớn của chị đã xây dựng gia đình, công tác tại một cơ quan của tỉnh, con gái thứ hai đang theo học Đại học Luật TP Hồ Chí Minh. Chị tâm sự: “Để có được thành công như ngày hôm nay là nhờ sự chia sẻ, cảm thông của ông xã rất nhiều”.

Năm 1993, lúc 31 tuổi, chị đã cầm tấm bằng thạc sỹ ngành tài chính và là Phó Giám đốc Sở Tài chính tỉnh Kiên Giang.

Nhớ lại những ngày đầu chuyển sang làm công tác xã hội, chị kể: Trong chuyến công tác của Bộ trưởng Bộ LĐ-TB&XH Trần Đình Hoan làm việc với Tỉnh ủy Kiên Giang về vấn đề nhân sự của Sở LĐ-TB&XH, lúc anh Ba Dũng (Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng) đang là Bí thư Tỉnh ủy. Trong buổi làm việc, ông Trần Đình Hoan đề nghị, muốn có một lãnh đạo Sở LĐ-TB&XH biết, am hiểu về lĩnh vự tài chính. Đề xuất của Bộ trưởng Trần Đình Hoan đã được anh Ba Dũng hứa đáp ứng. 

Bà Võ Ngọc Thứ, Giám đốc Sở LĐ-TB&XH Kiên Giang.

 3 tháng sau, chị được điều sang nhận chức vụ Phó Giám đốc Sở LĐ-TB&XH Kiên Giang thật. “Khi mới sang Sở LĐ-TB&XH mình bỡ ngỡ lắm. Không  biết thương binh có bao nhiêu hạng, đối tượng như thế nào thì được hưởng chính sách... Thậm chí, những ngày đầu cứ đến Sở là vào phòng đóng cửa, vì sợ, bởi hồi đó thương binh luôn đến Sở để đòi hỏi chính sách, không được đáp ứng là quậy”, chị Thứ tâm sự.

Đây cũng là thời gian chị đi cơ sở nhiều nhất để tìm hiểu, lắng nghe các đối tượng chính sách. Thời gian này, chồng chị gần như thay chị trong việc đưa đón con đi học. “May mắn là mình thương một anh bộ đội, rồi cưới nên anh cũng hiểu và thông cảm cho công việc, lĩnh vực của ngành LĐ-TB&XH. Nếu anh không phải là bộ đội, chắc cũng khó cảm thông”, chị chia sẻ.

Sau hơn 1 năm làm Phó Giám đốc Sở LĐ-TB&XH, năm 1995,  cơ quan BHXH được thành lập. Chị được điều động sang làm Giám đốc BHXH tỉnh Kiên Giang, với biên chế chỉ vài người. Với sự quyết tâm, sáng tạo trong công việc và sự tin tưởng, tạo điều kiện của lãnh đạo BHXH Việt Nam và tỉnh Kiên Giang, chỉ sau 3 tháng sang nhận chức Giám đốc BHXH tỉnh, chị đã lo đủ thủ tục để tiến hành khởi công xây dựng trụ sở làm việc của BHXH tỉnh Kiên Giang như hiện nay.

Năm 2007, chị được điều trở lại Sở LĐ-TB&XH giữ chức Giám đốc cho đến nay.

Khắc phục nhược điểm của lãnh đạo nữ để hoàn thành nhiệm vụ

Nói về việc hiện nay tại sao phụ nữ chưa nắm quyền nhiều trong các cơ quan công quyền, chị Thứ thẳng thắn nói: “Nhiều chị em hiện nay dù đã có đủ tiêu chuẩn theo quy định, nhưng thú thực những tính “nữ nhi thường tình” như hay ghen tỵ của phụ nữ, tính ưa  nịnh, luôn thích mình nổi bật giữa đám đông, thiếu quyết đoán trong công việc... đang là rào cản đối với phụ nữ khi tham chính. Ưa nịnh dễ dẫn đến giải quyết công việc thiếu khách quan. Do vậy, ngoài khả năng chuyên môn, kiến thức của mình, phụ nữ cần giữ mình hơn, trau dồi đạo đức hơn, phải khiêm tốn, không lố lăng... Tôi nói vậy, vì không ít trường hợp chị em tiến thân không bằng năng lực, kiến thức, đạo đức của chính mình mà bằng “con đường khác...”.

Tôi hỏi chị: “Gánh nặng” việc nước như vậy liệu chị có lúc nào dành thời gian để chăm sóc bản thân mình?

Chị cười hiền: Đúng là không có lúc nào để chăm sóc cho bản thân mình. Điều đó cũng dễ hiểu, bởi cũng như bao nhiêu người phụ nữ khác, hết giờ làm việc, rời công sở là phải về lo cơm nước cho chồng con, trừ những hôm đi công tác và có cuộc họp đột xuất hay phải tiếp khách. “Ngày nghỉ cuối tuần mình cũng chỉ giành được một ngày trọn vẹn cho gia đình, vào thứ 7 hoặc Chủ nhật. Vì một ngày còn lại mình phải bố trí đi thăm nom, hỏi han các đối tượng, hoặc bạn bè, đồng nghiệp khi có chuyện ốm đau, gia đình, do trong tuần làm việc bận công việc không thể đi được”.

Chia sẻ về thành công của mình, chị cho biết: “Thành công của người phụ nữ không chỉ là sự chia sẻ, cảm thông tạo điều kiện của chồng con và gia đình, mà đó còn là sự phấn đấu vươn lên không mệt mỏi của chính người phụ nữ. Để làm tốt vai trò của mình trong công việc, ngoài kiến thức, năng lực của mình, phụ nữ cần phải tự tin rằng ta làm tốt công việc đó, thậm chí có lĩnh vực phụ nữ sẽ làm tốt hơn nam giới rất nhiều. Như lĩnh vực về thương binh, xã hội chẳng hạn. Kinh nghiệm từ bản thân chị cho thấy, với tính cách phụ nữ, chị thường giải quyết công theo cách hướng thiện, mềm mỏng, không cứng nhắc theo chính sách, văn bản quá nên dễ thuyết phục, giải quyết cho đối tượng”.

Trong nhiệm kỳ Đại hội khóa X (2015-2020), tỷ lệ phụ nữ tham gia cấp ủy của tỉnh Kiên Giang có 14/56 ủy viên Ban chấp hành Tỉnh ủy là phụ nữ ; trong đó có 3/14 Ủy viên Thường vụ Tỉnh ủy. Đối với cấp xã và cấp huyện cũng đạt tỷ lệ phụ nữ tham gia cấp ủy là từ 20 - 40%.

PV/Lao động và Xã hội

CÙNG CHUYÊN MỤC
Xem theo ngày
Tin nên đọc
Báo dân sinh
Báo dân sinh
Báo dân sinh