THỨ SÁU, NGÀY 22 THÁNG 11 NĂM 2024 08:20

Lao động nữ di cư thường phải gánh chịu bạo lực kép

 

Lao động di cư dễ bị quấy rối, ức hiếp

Người lao động phi chính thức ở Việt Nam thường có thu nhập thấp và không thường xuyên, giờ làm việc dài và ít tiếp cận với các cơ hội phát triển kỹ năng nghề. Do họ không được công nhận, đăng ký hay quản lý, vì vậy họ không được bảo vệ bởi các thể chế của thị trường lao động, người lao động trong khu vực phi chính thức, đặc biệt là phụ nữ, phải đối mặt với nguy cơ trở thành "tầng lớp lao động nghèo”, đối mặt với nhiều tệ nạn xã hội và các hình thức bạo lực. Phần lớn phụ nữ di cư là di cư con lắc theo hình thức “đi-về” với loại hình công việc đa dạng như xây dựng; dịch vụ; buôn bán nhỏ, bán hàng rong; giúp việc gia đình; chăm sóc người bệnh trong bệnh viện; thu gom phế liệu; dịch vụ tình dục…

Ảnh minh họa.

 

Tiền do những người lao động di cư kiếm được phần lớn tiết kiệm, để gửi về quê để sử dụng cho giáo dục và chăm sóc sức khỏe cho các thành viên trong gia đình, sửa chữa, xây mới nhà ở, mua sắm đồ dùng sinh hoạt và đầu tư phát triển kinh tế gia đình... góp phần vào việc thay đổi điều kiện sống cũng như phát triển kinh tế ở địa phương.

Theo TS Khuất Thu Hồng, lao động di cư đóng góp tích cực đối với thị trường lao động ở khu vực đô thị, là nguồn nhân lực chính cho các công việc lao động giản đơn, nặng nhọc, thu nhập thấp và nguy hiểm mà người dân thành phố không làm hoặc không muốn làm. Vì vậy, lao động di cư góp phần điều tiết giá lao động trên thị trường và góp phần tăng trưởng GDP ở nơi đến. Tuy nhiên, lao động di cư, nhất là phụ nữ dễ trở thành đối tượng của bạo lực, trong đó có bạo lực giới. Nguyên nhân là do bản chất công việc của không hoặc ít có hợp đồng lao động, không có bảo hiểm, có khi là không hợp pháp. Họ thường xuyên bị coi thường, được trả công rẻ mạt. Hơn thế nữa họ dễ bị lừa gạt, lợi dụng, chèn ép, bóc lột, lạm dụng, quấy rối, ức hiếp…

... Và nạn nhân của các hình thức bạo lực

TS Khuất Thu Hồng cho hay, phụ nữ di cư hiện đang là nạn nhân của bạo lực kép vì họ là phụ nữ trong một xã hội trọng nam: Phụ nữ Việt Nam nói chung bị bạo hành nhiều hơn nam giới. Bên cạnh đó, vì công việc của họ bị coi là thấp kém, không đáng được tôn trọng, không đáng được bảo vệ, đôi khi còn bị coi là gây mất mỹ quan, mất trật tự an ninh đô thị, phạm pháp. Việc không có tổ chức nào bảo vệ quyền lợi cho họ cũng như bản thân phụ nữ lao động di cư không có nhận thức về quyền của mình và thiếu kiến thức, kỹ năng để tự bảo vệ cũng là nguyên nhân khiến họ chịu các hình thức bạo lực. Những hình thức bạo lực mà phụ nữ di cư thường đối mặt là bạo lực gia đình, bạo lực trong công việc/tại nơi làm việc; bạo lực ở nơi công cộng; bạo lực tình dục; bị lừa gạt, buôn bán…

Nhiều phụ nữ di cư là nạn nhân của bạo lực gia đình vì nghèo đói; thiếu việc làm, thiếu sự quan tâm hỗ trợ của cộng đồng; tính chất công việc bấp bênh, bất ổn. Nhiều phụ nữ vì bị bạo hành gia đình nên trở thành phụ nữ di cư nhưng cũng có phụ nữ di cư trở thành nạn nhân của bạo lực gia đình. Bên cạnh đó, phụ nữ di cư cũng thường đối mặt với các hình thức bạo hành, bạo lực tình dục tại nơi làm việc. “Con trai nhà chủ mấy lần ép cháu vào nhà tắm nhưng cháu thoát được. Có lần bà chủ nhìn thấy chửi cháu không ra gì. Cháu nhục quá nên phải bỏ việc”, một nữ giúp việc gia đình tại Hà Nội chia sẻ. Một nữ giúp việc khác thì bị ám ảnh thường xuyên do “Ông chủ nhà “dê” lắm. Lúc nào em cũng phải đề phòng cả hai bố con nhà ông ấy. Đành phải tự bảo vệ mình”. “Một số bạn em bị các bệnh nhân nam sờ soạng, khi họ phản ứng lại thì bị chửi mắng…Thế là họ đành bỏ việc” (Nữ, chăm sóc bệnh nhân trong bệnh viện).

Một phụ nữ di cư bị lừa bán chia sẻ: “Người quen rủ em ra Hà Nội bán cà phê, nhưng họ lừa bán em vào “động mại dâm". Ông chủ hiếp em rồi bắt em tiếp khách. Em không chịu nên bị đánh tím hết cả người. Không chịu được đau, em đành phải tiếp khách. Tiền khách trả ông ta giữ hết. Vợ ông ta còn ghen nên thỉnh thoảng ông ấy đi vắng, bà ấy lại đánh em trả thù”.

TS Khuất Thu Hồng cho rằng, để giải quyết bạo lực giới và hỗ trợ phụ nữ di cư cần sự tham gia của các tổ chức xã hội dân sự trong nghiên cứu, vận động chính sách, truyền thông về bạo lực giới và cung cấp dịch vụ cho nạn nhân. Các tổ chức cần can thiệp để hỗ trợ phụ nữ di cư xây dựng năng lực, hình thành mạng lưới để tự bảo vệ mình. Bên cạnh đó, vai trò truyền thông cũng vô cùng quan trọng để chỉ ra sự đóng góp của họ cho thành phố nơi họ đến và quê nhà của họ. Nêu lên những khó khăn, rào cản, bạo lực mà họ gặp phải từ đó phân tích các nguyên nhân và đưa ra các giải pháp .

Vân Khánh

CÙNG CHUYÊN MỤC
Xem theo ngày
Tin nên đọc
Báo dân sinh
Báo dân sinh
Báo dân sinh