CHỦ NHẬT, NGÀY 19 THÁNG 01 NĂM 2025 06:04

Phụ nữ di cư - âm thầm chịu đựng bạo hành

Cắn răng chịu chuỗi ngày bị chồng bạo hành 

Vừa quệt nước mắt, bà Triển kể, nhà có 2,7 mẫu ruộng một mình bà lo từ cày bừa cho đến cấy hái, chồng không phải đụng tay. Về nhà còn tăng gia chăn thêm lợn nái, lợn thịt, đàn gà kiếm tiền nuôi 3 người con ăn học. Nghe chồng bảo, đưa tiền chồng giữ để lo việc lớn, việc bé, dành dụm các con ăn học, bà mủi lòng nghe theo. Từ tiền bán đàn lợn đến tiền bán thóc, bán rau đều đưa hết cho chồng giữ.

Đến một ngày chị hàng xóm vỗ vai hỏi: “Bán gánh rau được mấy đồng trong khi chồng ở nhà đang hú hí với “nái sề”? Không tin, bà Triển còn mắng chị hàng xóm vì ăn nói hồ đồ. Người đàn bà kia và chồng bà Triển đáng tuổi mẹ - con làm sao lại có thể xảy ra chuyện động trời thế được. Nhưng khi nghe chị hàng xóm kể tường tận những lần chị sang nhà xin lửa khi bà vắng nhà và bắt gặp “trai trên gái dưới” của chồng với bà hàng xóm (hơn chồng tôi tận 19 tuổi - nhân vật) thì bà bắt đầu nghi ngờ.

Bà kể: “Một ngày, tôi xin phép chồng sang nhà ngoại cách nhà hơn km chơi vài ngày, nhờ chồng ở nhà tự cơm nước và cho lợn gà ăn. Ngày hôm sau tôi lẻn về, nhìn vào phòng, tôi không tin nổi vào mắt. Bắt tại trận chồng ngoại tình, cả 2 người van lạy xin tôi tha thứ. Nhưng mặc quần áo vào, chứng cớ hết, chồng đạp ngửa tôi ra đánh thâm tím mặt mày, gãy cả răng, cấm tôi nói với con cái và xóm làng…”.

Những ngày sau đấy của bà Triển là chuỗi ngày bị chồng dùng đủ mọi cực hình để hành hạ. Chồng dùng gậy đánh không thương tiếc. Thậm chí còn cuộn tóc vợ quấn vào đống phân. Bà uất ức: “Nhiều hôm đang làm dở việc đồng chưa về kịp, chồng vác cả thanh sắt ra đánh tơi bời. Không có hàng xóm can ngăn thì chắc tôi đã chết. Mang chuyện lên kể với bố mẹ chồng, bố chồng khuyên vì con mà ở lại nuôi chúng thành người. Nhưng mẹ chồng lao vào tát, chửi tôi có chồng không biết giữ, không biết bảo ban nhau làm thiên hạ chê cười còn đến đây kêu khổ”.

Những người phụ nữ bị chồng bạo hành, đánh đập luôn bị ám ảnh lâu dài. (ảnh minh hoạ).

Cả hội trường không ai cầm được nước mắt khi nghe bà Triển kể về chuỗi ngày cơ cực bị chồng bạo hành. Một chị ở Hội LHPN TP Hà Nội, hỏi: “Thế bà có báo với chính quyền về chuyện chồng bạo hành không?”.

Bà Triển nức nở: “Chịu không nổi tôi báo lên chính quyền xã, họ cũng có về làm việc. Cán bộ đến, chồng tôi mắng chửi họ, đổ lỗi cho tôi chỉ biết làm đồng không chăm sóc chồng nên bị đánh. Chửi mắng quá nên chính quyền đến vài lần rồi thôi. Tôi cắn răng chịu đựng để lo cho các con ổn định việc làm, lấy Vợ lấy chồng tận TP Hồ Chí Minh. Các con ở xa nên tôi khăn gói lên Hà Nội bán hàng rong mưu sinh qua ngày. Ở đây cuộc sống tuy có vất vả nhưng có đồng ra, đồng vào, có các chị em cùng cảnh từ quê lên bao bọc nhau, chia sẻ với nhau cũng đỡ tủi thân. Chứ quay về sống với người chồng vũ phu kia chắc tôi chết mất…”

Xóm trọ tôi ngày nào cũng có bạo hành…

Câu chuyện bị bạo hành gia đình của bà Triển không phải trường hợp đặc biệt đối với các lao động di cư. Bởi họ đã quá quen chứng kiến cảnh những người chồng thượng cẳng chận, hạ cẳng tay, đánh đập, chửi bới vợ… Chị Đỗ Thị Hiền, quê Nam Định, hiện làm nghề thu mua đồng nát, trú tại phường Chương Dương (quận Hoàn Kiếm) cho biết: “Xóm trọ tôi ngày nào cũng có bạo hành gia đình”.Cũng theo lời chị Hiền, cuộc sống của lao động di cư gặp nhiều khó khăn, trình độ dân trí thấp nên việc chị em bị bạo hành không phải chuyện hiếm. Một cô gái trẻ cùng xóm với chị, cũng làm nghề buôn đồng nát suốt ngày bị chồng đánh.

Nhiều hôm cô ấy hứa với chồng 6 giờ tối về nhưng trên đường về có khách bán cho ít đồng nát thế là hăm hở mua rồi mang đi bán. Khi về nhà đã hơn 7 giờ tối, thế là chồng đánh. Hoặc có hôm gặp may kiếm được 200.000 đồng tiền lãi vì mua được nhiều đồng nát nhưng có hôm không có hàng, chỉ kiếm được 50.000 đồng cũng bị chồng đánh. Lý do đánh là sao hôm nay kiếm được ít, cho thằng nào tiền rồi? Về đến cửa, có ông hàng xóm hỏi đường đứng chỉ cũng bị chồng đánh vì nói chuyện với trai.

Chị Hiền kể: “Tôi chứng kiến những vụ bạo hành gia đình, người chồng hung hãn không ai can ngăn được đi báo tổ trưởng tổ dân phố. Bà tổ trưởng lạnh tanh trả lời “lao động di cư dây vào làm gì. Kệ họ!”. Nhiều trường hợp bất lực nhìn chị em bị chồng hung hãn đánh mà không có cách nào để giúp. Đường cùng chạy lên báo chủ nhà. Chỉ khi nào ông chủ xuống bảo nếu đánh nhau đuổi ra khỏi xóm trọ thì may ra người chồng mới tạm ngừng cơn thịnh nộ”.

Phụ nữ lao động di cư khổ trăm bề. Thương chồng, thương con bỏ quê lên Hà Nội buôn đồng nát, bán hàng rong sống trong khu ổ chuột, tằn tiện từng đồng kiếm tiền gửi về nuôi con. Thế nhưng khi về quê, bị hàng xóm xúi giục có khi lại bị chồng đánh vì lên Hà Nội chắc lại “mèo mả gà đồng” trên đó…

Theo chị Đỗ Thị Hoa, một lao động di cư ở phường Chương Dương cho hay: “Nhiều phụ nữ bị bạo lực nhưng âm thầm chịu đựng. Dù là lao động di cư nghèo khó nhưng họ cũng có lòng tự trọng sợ nói ra người ta chê cười. Thậm chí nếu nói ra lại bị chồng bạo hành nhiều hơn nên họ không nói. Chỉ có những nhóm đồng đẳng đi sinh hoạt, đi làm cùng nhau… thì mới có thể dễ chia sẻ. Văn hóa của Việt Nam khi xảy ra bạo lực gia đình vẫn đổ lỗi cho nạn nhân “chị làm sao thì mới bị chồng đánh”. Đó cũng là lí do người vợ dù bị đánh cũng không muốn chia sẻ”.

VÂN KHÁNH/Lao động và Xã hội

CÙNG CHUYÊN MỤC
Xem theo ngày
Tin nên đọc
Báo dân sinh
Báo dân sinh
Báo dân sinh