Lao động nữ di cư: Gian nan hành trình mưu sinh
- Tra cứu sét nghiệm y khoa
- 21:19 - 19/07/2016
Nhọc nhằn mưu sinh nơi phố thị
Hà Nội hiện có khoảng 1 triệu lao động di cư khu vực phi chính thức. Đa số lao động di cư có độ tuổi từ 19 - 30, sống độc thân, chiếm tới 70% là nữ giới. Lang bạt giữa lòng Hà Nội, nơi đất chật người đông, không nhà, không người thân, họ thuê ở trong các khu nhà trọ nổi tiếng về sự nhếch nhác, tạm bợ, bẩn thỉu như xóm đồng nát trong ngõ 34 Hoàng Cầu (quận Đống Đa); xóm Đồng Bát sau bến xe Mỹ Đình (quận Nam Từ Liêm); xóm chợ Đồng Xa thuộc phường Mai Dịch (quận Cầu Giấy), hay “xóm tạm” phía sau chợ Long Biên, thuộc Khu dân cư số 2, phường Phúc Xá (quận Ba Đình)…
Lên Hà Nội kiếm sống đã gần 5 năm, chị Trần Thị Hoà quê ở Bắc Giang cho biết, cuộc sống ở quê khó khăn nên tôi ra Hà Nội làm nghề bán hoa dạo. Nhà có 3 con, làm ruộng không đủ ăn nên tôi phải ra đây kiếm thêm. Buổi sáng, tôi dậy từ 4 giờ lên chợ đầu mối lấy hoa, sau đó về cắt tỉa lại rồi đem đi bán rong tại các tuyến phố. Vào những ngày lễ, hàng bán chạy, cũng kiếm được khoảng 200 nghìn đồng/ngày công. Còn ngày thường, ít khách, chỉ được khoảng hơn 100 nghìn đồng. “Ngày nào cũng như ngày nào, kể cả nắng, mưa cũng phải đi. Ngày thì rong rẻo khắp các phố phường Hà Nội bán hàng đến tối mịt mới về đến nhà trọ. Về đến nơi là tắm rửa và lên giường đi ngủ để còn kịp thức dậy sớm vào ngày hôm sau, chẳng có lúc nào mà xem ti vi.Vì vậy mặc dù sống giữa Thủ đô nhưng tôi chẳng biết thông tin gì hết” - chị Hoà nói.
Cùng hoàn cảnh với chị Hoà, chị Thanh (Hải Dương) làm cửu vạn ở chợ Long Biên chia sẻ: “Quê tôi vốn thuần nông nhưng do khu công nghiệp lấy đất ruộng sản xuất nên tôi phải lên Hà Nội kiếm việc làm. Đã gần 3 năm nay, tôi làm ở chợ Long Biên, bất kể ngày đêm cứ có ai thuê bốc vác tôi lại làm. Công việc tuy vất vả nhưng nếu làm đều đặn trừ tất mọi chi phí mỗi tháng tôi cũng tiết kiệm gửi về quê được 6 triệu đồng. Số tiền ấy cũng đủ đóng tiền học cho 3 đứa con. Nếu như ở nhà chỉ trông vào mấy sào ruộng thì không thể lấy đâu ra tiền nuôi con ăn học” - chị Thanh tâm tư.
Chị Nguyễn Thị Minh quê ở Lý Nhân (Hà Nam), thuê trọ ở ven hồ Linh Quang (phường Văn Chương) cho hay: “Dù ở đây đã 7 năm nhưng chưa bao giờ nghĩ đến việc khai báo tạm trú, tạm vắng, cũng như không bao giờ nghĩ đến việc mua BHYT. Mỗi khi thấy trong người mệt thì chỉ nghỉ ngơi vài ngày, uống mấy viên thuốc là xong, tôi cũng chưa bao giờ đến bệnh viện khám. Điều kiện ăn, ở khổ hơn ở nhà nhưng dễ kiếm tiền hơn nên chúng tôi vẫn phải chấp nhận”.
Lao động nữ di cư dễ bị tổn thương do khó khăn tiếp cận hệ thống an sinh xã hội.
Dễ bị tổn thương
Phụ nữ di cư mang theo những kỳ vọng cải thiện thu nhập, cải thiện cuộc sống. Nhưng hành trình tìm kiếm cơ hội là một hành trình gian nan. Lao động nữ di cư là đối tượng dễ bị tổn thương tại nơi đến. Lý do là các quyền của họ không được đảm bảo.
Theo báo cáo nghiên cứu việc tiếp cận chính sách ASXH của người lao động nhập cư của Tổ chức ActionAid cho thấy, lao động nữ di cư ở Việt Nam có độ tuổi khá trẻ với hơn 60% phụ nữ lao động di cư có độ tuổi từ 15 đến 29; và 1/3 phụ nữ di cư lần đầu tiên khi còn ở độ tuổi 15 - 19. Mặc dù vậy, hơn một nửa phụ nữ lao động di cư đã có gia đình, chủ yếu là tại nơi xuất cư. Chính vì vậy, có đến 62% phụ nữ lao động di cư đã có con cái và khoảng 40% đang sống cùng với con cái của họ tại điểm đến.
Với đặc thù lao động phổ thông, lao động nữ di cư chủ yếu làm các công việc chân tay, không yêu cầu tay nghề cao hay chuyên môn nghiệp vụ gì đáng kể. Một số lao động nữ di cư được đào tạo tay nghề ngắn hạn tại nơi làm việc nhưng cũng là những hình thức đào tạo rất đơn giản (chỉ dưới 10% được đào tạo ở bậc trung cấp, số còn lại mới chỉ tốt nghiệp phổ thông).
Hợp đồng lao động mới được đảm bảo cho dưới 2/3 lao động nữ, số còn lại hoặc không có hợp đồng, hoặc là hợp đồng ngắn hạn. Trong khi đó, công việc của lao động nữ di cư có cường độ cao, và thường thiếu ổn định. Thời gian làm việc trung bình là 9,6 tiếng/ngày, và hầu như không có ngày nghỉ. Trong khi đó, chế độ đãi ngộ còn nhiều bất cập. Tình trạng chậm trả lương, giữ lại lương, phạt tiền lương khá phổ biến. Đáng lo ngại là gần 1/2 số lao động nữ di cư bị mắng chửi tại nơi làm việc, gần 38% bị buộc làm thêm ngoài giờ.
Gần 80% phụ nữ lao động di cư thuê nhà ở trọ trong nhà tạm, nhà cấp 4 có điều kiện sinh hoạt, vệ sinh tồi tàn. Gần 2/3 số phụ nữ lao động di cư ở trọ nhưng hoàn toàn không có hợp đồng thuê trọ mà chỉ có thỏa thuận miệng. Các chi phí cho sử dụng nước, sử dụng điện đều cao hơn so với mức thông thường. Chất lượng nước sinh hoạt là vấn đề đáng lo ngại. Có đến 90% người lao động nhập cư ở khu vực không chính thức không tiếp cận được các dịch vụ an sinh xã hội như y tế (ngoại trừ BHYT cho trẻ dưới 6 tuổi), giáo dục, thông tin, và các hỗ trợ khác...
Việc chuyển đến một nơi ở mới tạo ra những thách thức cho những người phụ nữ nhập cư trong việc hòa nhập vào môi trường xã hội và cộng đồng xa lạ đối với họ. Nhưng mức độ hòa nhập của phụ nữ với cộng đồng tại nơi cư trú là rất hạn chế. Nữ lao động di cư hầu như không tham gia vào sinh hoạt tổ dân phố, hội phụ nữ, đời sống văn hóa tinh thần nghèo nàn.