CHỦ NHẬT, NGÀY 19 THÁNG 01 NĂM 2025 10:15

Lao động di cư đối mặt với nhiều tệ nạn xã hội

 

90% người lao động di cư không được tiếp cận dịch vụ an sinh xã hội

Đa số lao động di cư từ các tỉnh về các thành phố làm các công việc lao động đơn giản trong khu vực kinh tế phi chính thức (như gánh hàng, kéo xe, nhặt rác, xe ôm, đánh giầy…). Họ không có hợp đồng lao động, không tham gia bảo hiểm y tế (BHYT) cũng như bảo hiểm xã hội (BHXH) tự nguyện nên các chuyên gia cho rằng, lao động di cư là nhóm lao động yếu thế và hiện chưa có chương trình, chính sách tổng thể nào để dành cho họ.

 

Lao động di cư đối mặt với nhiều tệ nạn xã hội.

 

Theo Tổ chức Lao động Quốc tế (ILO), có tới 90% người lao động di cư không được tiếp cận với các dịch vụ an sinh xã hội và các chính sách công tại nơi đến. Thực tế này làm ảnh hưởng tiêu cực tới chất lượng cuộc sống và quyền của lao động di cư, đặc biệt là phụ nữ, vì có hơn 80% người lao động di cư có đem theo con tới nơi đến và không có chính sách riêng biệt về y tế và giáo dục dành cho các nhóm con của người di cư.

Phần lớn người di cư lên thành phố theo mùa vụ, những lúc nông nhàn lên thành phố tranh thủ kiếm thêm thu nhập. Một bộ phận người di cư lên thành phố lâu năm, thậm chí cả gia đình cùng kéo nhau lên thành phố. Tuy nhiên do thiếu kiến thức, lại ngại khai báo chính quyền nơi đến cũng như nơi đi nên đại đa số người di cư không đăng ký tạm trú. Đây cũng chính là nguyên nhân gốc rễ khiến họ không được hưởng những quyền lợi cơ bản. Bà Phạm Hồng Hạnh, Chủ tịch Hội Liên hiệp phụ nữ phường Chương Dương (TP.Hà Nội) cho biết: “Trên địa bàn phường hiện có khoảng 2.000 lao động di cư, phần lớn trong số họ không có đăng ký tạm trú, tạm vắng. Thậm chí, có những gia đình di cư lên phường làm việc nhiều năm nhưng không làm thủ tục khai báo với cơ quan chức năng. Điều này cản trở họ trong việc tiếp cận các dịch vụ an sinh xã hội, dịch vụ y tế, chăm sóc sức khỏe cũng như tư vấn pháp luật. Thậm chí, nhiều người muốn vay vốn giải quyết việc làm nhưng không được đáp ứng vì thiếu điều kiện yêu cầu”.

Lao động di cư trở thành nạn nhân của tệ nạn xã hội

Các chuyên gia chỉ ra rằng, chính điều kiện sống khó khăn, thiếu thốn, công việc bấp bênh, thiếu kiến thức xã hội và cơ hội tiếp cận với các dịch vụ đã khiến người lao động di cư trở thành nạn nhân của nạn buôn bán người, lừa đảo, chịu ảnh hưởng của các tệ nạn xã hội như ma túy, mại dâm, lây nhiễm HIV/AIDS... Không ít lao động di cư lên thành phố do thiếu kiến thức đã bị các đối tượng lôi kéo và “dính” vào các tệ nạn xã hội.

Theo bà Nguyễn Thu Giang, Phó Giám đốc Viện Phát triển Sức khỏe cộng đồng Ánh Sáng, những lao động di cư tới làm việc tại Hà Nội cũng như những thành phố lớn luôn phải chịu thiệt thòi. Họ luôn thiếu thông tin, không có tiền mua sắm “dụng cụ bảo vệ”, đã vậy lúc cô đơn, buồn chán họ hay bị bạn bè rủ rê nên tự đẩy mình vào chỗ không an toàn, nhiều người bị mắc bệnh, rơi vào tệ nạn lúc nào không hay. Còn ông Phùng Quang Thức, Chi cục trưởng Chi cục Phòng chống tệ nạn xã hội TP Hà Nội cho rằng: “Hà Nội gặp rất nhiều khó khăn trong công tác quản lý người nghiện ma túy vì lượng người di cư lên thành phố rất đông. Tỷ lệ người nghiện trong số người di cư đến cũng rất cao bởi Hà Nội là đô thị sôi động. Bên cạnh đó, trong số những người di cư thông thường cũng sẽ có nhiều người khi hòa nhập vào đời sống xã hội tại TP mới mắc nghiện... Chính vì thế, có thể nói Hà Nội có tất cả những khó khăn, thách thức của công tác quản lý người nghiện”.

Bà Dương Thị Lý Anh cho rằng, hỗ trợ lao động di cư làm việc trong khu vực kinh tế phi chính thức thoát khỏi hoàn cảnh khó khăn, tránh trở thành tội phạm là vấn đề đáng được quan tâm trong công tác đảm bảo chính sách an sinh xã hội. Để tránh tình trạng thất nghiệp dẫn đến phạm tội ở bộ phận này, điều quan trọng là cần tạo sinh kế ổn định, môi trường sống lành mạnh để họ yên tâm làm việc. Bên cạnh đó, việc tuyên truyền chính sách, pháp luật phòng chống nguy cơ đối với cộng đồng lao động di cư nhằm nâng cao nhận thức cho đối tượng này là hết sức cần thiết.

Vân Khánh

CÙNG CHUYÊN MỤC
Xem theo ngày
Tin nên đọc
Báo dân sinh
Báo dân sinh
Báo dân sinh