THỨ SÁU, NGÀY 22 THÁNG 11 NĂM 2024 06:55

Phú Giáo đổi thay

*Đi lên từ gian khó

          Ngày 20/8/1999 , huyện Phú Giáo được tái thành lập trên cơ sở 6 xã và  1 thị trấn của huyện Tân Uyên,  2 xã của huyện Bến Cát(Bình Dương) với diện tích 530 km2, dân số 60.000 người, trong đó có 11.000 đồng bào dân tộc thiểu số. Xuất phát điểm thấp, những ngày mới tái lập, cơ sở vật chất, hạ tầng kỹ thuật phục vụ cho việc phát triển của huyện rất nghèo nàn, thiếu thốn. Giao thông đường bộ chủ yếu là đường đất đỏ, xuống cấp nặng nề; các cơ sở phúc lợi xã hội gần như chưa có. Là huyện thuần nông, nhưng kinh tế nông nghiệp phát triển manh mún, tỷ lệ hộ nghèo đói nhiều...Trước thực tế này, Đảng bộ, chính quyền, nhân dân huyện đã đoàn kết một lòng, quyết tâm khắc phục khó khăn, tìm các giải pháp phù hợp phát triển kinh tế-xã hội, đưa Phú Giáo từng bước đi lên.

Trung tâm hành chính huyện Phú Giáo (Bình Dương).

          Ông Trần Bình Sơn-Bí thư Huyện ủy Phú Giáo cho biết: “Sau khi thành lập, Đảng bộ, chính quyền huyện đã triển khai quy hoạch tổng thể  Đề án phát triển kinh tế-xã hội giai đoạn 2000- 2015. Để phát triển kinh tế, Đảng bộ huyện thống nhất phương án ưu tiên những lĩnh vực phục vụ phát triển sản xuất, không đầu tư dàn trải.Từ định hướng đúng, cách chỉ đạo quyết liệt, tốc độ tăng trưởng kinh tế giai đoạn này của huyện đạt 12 -13% GDP/năm, thu bình quân đầu người tăng từ 5 triệu đồng (năm 1999) lên 34.5 triệu đồng/người/năm (năm 2014).

          Trong những năm gần đây, dù gặp không ít khó khăn do ảnh hưởng của suy thoái kinh tế, thiên tai dịch bệnh…nhưng các chỉ tiêu kinh tế-xã hội do Đảng bộ huyện đề ra đều đạt và vượt kế hoạch. Cùng với phát triển kinh tế,trong lĩnh vực đảm bảo an sinh xã hội, huyện Phú Giáo đã chú trọng công tác xóa đói giảm nghèo, chăm lo cho gia đình chính sách, người có công với cách mạng. Qua đó, tạo được sự đồng thuận từ người dân trước các chủ trương, chính sách đầu tư mới.

          *Những thành công nổi bật

          Sau 16 năm tái lập, hiện nay cơ sở hạ tầng trên địa bàn huyện Phú Giáo đã cơ bản đồng bộ với hệ thống điện, đường, trường, trạm, đáp ứng được yêu cầu phát triển trong giai đoạn tới. Điện lưới đã phủ kín với tỷ lệ hộ dân sử dụng điện đạt 99%, toàn bộ các tuyến đường liên xã được thảm nhựa, được nâng cấp, đầu tư mở rộng tạo thuận lợi giao lưu hàng hóa.

Hệ thống y tế, giáo dục được đầu tư theo chuẩn quốc gia, đường giao thông nông thôn, các đường trục chính của huyện đều được đầu tư theo hình thức BOT(xây dựng-vận hành-chuyển giao) thuận tiện cho việc giao lưu hàng hóa. Đến nay, huyện đã có 15 trường mầm non, 15 trường tiểu học, 8 trường trung học cơ sở, 3 trường trung học phổ thông, 1 trung tâm giáo dục thường xuyên, có 27/36 trường được trường đạt chuẩn quốc gia, 100% xã, thị trấn dược công nhận chuẩn phổ cập giáo dục,chất lượng giáo dục ngày càng được nâng cao, tỷ lệ học sinh hoàn thành chương trình tiểu học hàng năm đạt 99,9%, trung học cơ sở đạt 97,8%, trung học phổ thông đạt 99%, đội ngũ cán bộ giáo viên ngày càng được chuẩn hóa đáp ứng được yêu cầu.

Ông Ngưu Ngọt dân tộc Khmer, xã An Bình trước ngôi nhà khang trang của gia đình.

          Công tác đền ơn đáp nghĩa, chăm lo gia đình chính sách, người có công với cách mạng, triển khai các chính sách đảm bảo an sinh xã hội được các ủy đảng, chính quyền quan tâm chỉ đạo. Trong những năm qua, huyện Phú Giáo đã xây dựng  344 căn nhà tình nghĩa, 896 căn nhà đại đoàn kết, nhà tình thương cho gia đình chính sách,hộ khó khăn về nhà ở; trợ cấp thường xuyên cho hàng trăm trường hợp khó khăn ổn định cuộc sống.

          *Nông thôn đổi mới

          Sau gần 4 năm triển khai thực hiện Chương trình Mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới, bộ mặt nông thôn huyện Phú Giáo đã thay đổi rõ nét. Hiện trên địa bàn huyện đã có 2 xã đạt 19/19 tiêu chí nông thôn mới (xã Tân Long và Tân Hiệp), có 7 xã đạt từ 14 - 15 tiêu chí.

          Theo ông Trần Công Quang, Chủ tịch UBND xã An Bình, so với những ngày đầu mới tái lập, hạ tầng, cơ sở vật chất để nông nghiệp nông thôn đã thay đổi rõ rệt. Trước đây hệ thống giao thông chủ yếu là đường đất đỏ, nắng thì bụi mù mịt, mưa thì lầy lội, nay đã sạch đẹp, khang trang, thuận tiện cho việc lưu thông, giao dịch buôn bán.

Người dân đang khai thác mủ cao su.

          Chúng tôi tới ấp Nước Vàng, nơi có đông đồng bào dân tộc Khmer, gặp ông Ngưu Ngọt (78 tuổi), sinh sống từ trước năm 1975 đến nay, ông tâm sự: “ Dân Phú Giáo ngày càng ấm no, nhiều hộ làm ăn giỏi thu nhập bình quân mỗi năm cả trăm triệu đồng, xây nhà khang trang, đầy đủ tiện nghi”.Trong những hộ tiêu biểu đó, có gia đình ông Kim Nhỏ (sinh năm 1964) năm 2014 được bầu chọn dự hội nghị biểu dương nông dân sản xuất giỏi tỉnh Bình Dương. Gia đình ông Nhỏ có 3 ha cao su, 1 ha điều, chăn nuôi heo... thu nhập 150 triệu đồng/năm. Còn gia đình anh Thái Văn Bình trồng 3 ha cao su, 2 ha điều... lại biết thu vén, buôn bán có thu nhập 250 triệu đồng/năm.

          Trò chuyện với anh La Văn Thăng ở xã Tam Lập (dân tộc  Sán Chí) từ  tỉnh Thái Nguyên vào lập nghiệp từ năm 1982, anh cho biết ở xã Tam Lập hầu như nhà nào cũng trồng cao su, điều.. .hộ ít cũng có 3ha cao su, nhiều lên tới vài chục ha. Gia đình anh Thăng cũng  có 10ha cao su, thu nhập 400-500 triệu đồng/năm. “Bà con Sán Chí nay nhiều hộ đã cuộc sống ấm no, nhiều người cất được nhà cao cửa rộng, mua được xe hơi, máy móc phục vụ sản xuất nông nghiệp...”-anh Thăng phấn khởi cho biết.

          Từ phương hướng, cách triển khai đúng, sau 16 năm tái lập huyện Phú Giao đang vươn lên mạnh mẽ bằng chính tiềm năng, thế mạnh của địa phương: phát triển cây công nghiệp, chăn nuôi, đa dạng các loại hình dịch vụ, thương mại...

Ngọc Huỳnh

CÙNG CHUYÊN MỤC
Xem theo ngày
Báo dân sinh
Báo dân sinh
Báo dân sinh