Phu chợ đêm
- Bài thuốc hay
- 04:40 - 24/06/2020
"Tôi đi bán tôi"
Chợ đầu mối rộn ràng từ lúc nửa đêm, nhất là với những "cửu vạn", những người nhận khuân vác, vận chuyển hàng hóa bắt đầu một ngày làm việc. Tầm 1h sáng, khi xe chở hàng cập bến chợ cũng là lúc những phu chợ này thức dậy ăn vội gói mì tôm hay miếng bánh để tiếp thêm năng lượng cho buổi làm việc có hiệu quả. Địa điểm làm việc của họ chính là chợ đầu mối Hà Tĩnh đóng tại phường Nam Hà, TP. Hà Tĩnh.
Công việc cửu vạn tại đây chủ yếu vào ban đêm lúc gần sáng, những người lao động tại đây không phân biệt giới tính nam, nữ, miễn là có sức lao động.
Chị Huyền, một lao động quê huyện Lộc Hà cho biết: "Ai làm nghề này phải có một sức khỏe dẻo dai mới bám trụ được. Những phụ nữ làm nghề cửu vạn như tôi không ai bắt buộc cả, chúng tôi tự nguyện tìm nghề để nuôi sống gia đình. Chú nhìn thấy đó mặc dù vất vả tý, nhưng lại có việc làm gần với gia đình, nhiều người chọn nghề bớt nhọc nhằn hơn nhưng lại phải đi xa vào Nam ra Bắc".
Cửu vạn là một tên gọi khác của nghề lao động chân tay hay bốc vác thuê, đây được xem là một nghề nặng nhọc, vất vả và bấp bênh nhất. Những người làm nghề này không chỉ gánh trên mình cơm - áo - gạo - tiền hàng ngày mà còn là người nuôi ước mơ được cho con cái học hành đến nơi đến chốn.
Qua tìm hiểu được biết, Tổ cửu vạn ở chợ đầu mối Hà Tĩnh có đến gần 50 người, dao động từ 30 đến ngoài 50 tuổi. Công việc của họ bắt đầu từ khoảng 0h giờ đến 6 giờ sáng hôm sau. Vì họ lao động nhiều và phần lớn phụ thuộc vào sức lực nên thoạt nhìn bề ngoài ai cũng có một dáng dấp khá khỏe mạnh và nhanh nhẹn.
Ông Nguyễn Văn Thụ quê xã Thạch Hưng "Làm nghề bốc vác này mà không vất vả, trầy xước thì ai gọi là cửu vạn nửa chú. Tôi nhớ, có lần cõng 2 thùng hoa quả lên vai nặng quá khiến chân tôi không đứng vững cố gắng mãi mới bước vài bước khiến tôi ngã quỵ, lúc đó cũng may hàng hóa của họ không bị làm sao, nhưng tay tôi trật khớp nghĩ làm mất một thời gian dài".
Những khung xương rô bốt
Có mặt tại chợ đầu mối Hà Tĩnh lúc nửa đêm mới thấy nỗi vất vả cơ cực của những người lao động. Giữa trời đêm hè tháng 6, mấy chiếc xe tải lớn nối đuôi nhau chở hàng hóa từ miền Nam ra, từ Bắc vào dừng trước chợ. Từng tốp người gọi nhau í ới ngồi dậy choàng vội tấm áo, bao tay... tất bật chạy tới. Xe vừa dừng hẳn, ba người đàn ông khỏe mạnh nhảy lên thùng xe tháo tấm bạt che và đẩy hàng ra phía sau. Bên dưới đã có tốp người ghé vai vác từng bao tải hàng củ quả và những thùng cá, mực… đặt lên xe kéo để vận chuyển đến từng ki-ốt họac ra bến xe phụ gửi về địa phương khác.
Chừng một tiếng đồng hồ sau, chiếc xe tải đã sạch hàng. Những người cửu vạn còn chưa kịp nghỉ ngơi thì chiếc xe khác đã len vào đến chợ. Hỏi về cảnh chợ đêm như thế này anh Trần Hữu Hòa SN 1985 quê ở thị trấn Cày, huyện Thạch Hà Cho biết: "ở đây có trên 20 lượt xe tải lớn nhỏ chở hàng về, mỗi lần dừng bỏ hàng chỉ khoảng 30 phút đến 1 tiếng đồng hồ lại đi, và công việc của những cửu vạn cứ lặp đi lặp lại như thế cho đến tận sáng hôm sau".
Tranh thủ thời gian nghỉ tay chúng tôi với lấy mấy chai nước khoáng có sẵn trong ba lô mời các phu chợ uống cho mát để lắng nghe những câu chuyện trong nghề. Nhìn từ xã xa trong ánh sáng lờ mờ, một người đàn ông dáng vẻ nhỏ thó với mái tóc nhộm 2 màu, chân không đi dép, đang cố lấy đà đưa một bao tải to gấp đôi cơ thể của mình lên vai. Sức nặng của chiếc bao tải khiến ông phải khom lưng, lò dò đi từng bước.
Vội vàng tìm đến hỏi thăm đó chính là ông Nguyễn Bá Chương ở xã Cẩm Vịnh, huyện Cẩm Xuyên hành nghề cửu vạn ở đây đã ngót 10 năm. Ông Chương cho biết, do phải làm việc vào buổi đêm nên không tránh khỏi những cơn buồn ngủ, có người vừa kéo xe vừa ngáp, lại có người ngủ gục trên những chiếc xe kéo trong khi đứng chờ chất hàng. Những lúc như thế, cà phê và thuốc lá là bạn giúp họ chống chọi với cơn buồn ngủ.
Vất vả nặng nhọc, đổ mồ hôi nước mắt vậy mà mỗi đêm, thu nhập của họ nhiều nhất cũng chỉ kiếm được khoảng hơn 200 - 300 nghìn đồng. Những dịp lễ, Tết hay ngày rằm, mùng một, hoa quả về chợ nhiều, nếu cố hết sức cả đêm thì có thể kiếm được từ 300 ngàn -500 ngàn đồng.