THỨ SÁU, NGÀY 20 THÁNG 09 NĂM 2024 01:40

Phong tục đón tết của người Cao Lan

Phong tục đón tết của người Cao Lan - Ảnh 1.

Những người phụ nữ chuẩn bị món bánh chim gâu ngày tết.

Tết đến xuân về là dịp trọng đại nhất trong một năm đối với người Cao Lan. Việc dọn dẹp cửa nhà, bỏ đi những vật dụng cũ hỏng, trang trí lại ban 8 ngày Tết do đàn ông chịu trách nhiệm chính, phụ nữ thì nấu ăn, làm bún, bánh.

Ba mươi Tết, đàn ông trong nhà bắt đầu dọn ban thờ ở gian chính giữa, bày lễ vật và sau đó dán giấy đỏ (tiếng Cao Lan là chí dịt) - bùa may mắn an lành cho một năm lên các đồ vật trong nhà, từ cái cuốc, cái xẻng, con dao, cái cày, cái bừa, cây cối quanh nhà, chuồng trại... đều được dán giấy đỏ. Toàn bộ ngôi nhà bỗng nhiên nhuộm sắc đỏ rực rỡ.

Theo quan niệm của người Cao Lan, giấy đỏ biểu trưng cho niềm vui, sự tốt lành. Dán giấy đỏ lên những nơi quan trọng là bắt đầu cho một năm mới với mong muốn an khang thịnh vượng.

Tết Nguyên đán của người Cao Lan ở Thái Nguyên thường bắt đầu từ 25 tháng Chạp đến hết rằm tháng Giêng. Trong những ngày này, mỗi tối trước khi đi ngủ, gia chủ đều thắp một nén hương thơm lên bàn thờ để mời tổ tiên về ăn Tết, đón xuân cùng con cháu.

Sáng sớm ngày mồng 1 Tết, các gia đình cúng tổ tiên tại nhà mình. Sau đó cả nhà cùng ăn cỗ. Con cháu mừng tuổi cho ông bà, trẻ nhỏ. Chủ nhà và các con trai lớn đi chúc Tết các gia đình trong thôn bản. Còn các mẹ, các chị ở nhà làm cơm đón khách và vui Tết.

Đến ngày mồng 2, mồng 3, các bà, các chị lúc này sẽ mặc những bộ quần áo đẹp nhất, mới nhất để đi chúc Tết. Và cũng từ ngày mồng 2 Tết trở đi, các gia đình có bạn hát đến nhà chơi, họ chúc nhau sang năm mới có nhiều điều hạnh phúc, tốt lành. Mọi người cùng ăn cỗ và hát Sình ca Thsăn lèn (mừng năm mới). Cuộc hát được tiếp diễn từ ngày này sang ngày khác, từ gia đình nọ sang gia đình kia.

Phong tục đón tết của người Cao Lan - Ảnh 2.

Người dân chuẩn bị cho các tiết mục nghệ thuật.

Trong dân tộc Cao Lan, chiếc cối xay, cối giã có vị trí rất quan trọng đối với mỗi gia đình. Đó là biểu tượng của âm dương. Người Cao Lan quan niệm, nếu mở cối vào giờ tốt thì quanh năm thóc gạo nhiều. Đó chính là sự sinh sản, sự no đủ. Bởi vậy ngày mồng 2 Tết, các gia đình làm lễ ra đình (lễ gồm một miếng thịt, một chiếc bánh chưng) để xin "thầy" mở cối xay, cối giã. Dân bản lại cử ra một thầy mo có uy tín đại diện cho làng để cúng thổ công, xin âm dương cho cả làng.Bánh vắt vai

Món ăn ngày Tết của người Cao Lan có sự dung hòa bản sắc của các cộng đồng dân tộc cùng chung sống nhưng vẫn êm đềm giữ cho dân tộc mình những nét rất riêng. Mâm cỗ cúng của người Cao Lan thường rất ít rau, các món được chế biến từ thịt lợn, gà, cá. Trên mâm cỗ cúng có giò chả, chân giò rút xương gói lá dong, thịt ướp thính, cá ướp chua… Những món như cá nướng, thịt nướng có cách chế biến gia vị rất riêng, mỗi nhà một cách và thường giữ bí kíp để cho hương vị nhà mình không bị lẫn. Mỗi nhà, mâm cỗ cúng thần linh thường gắn với một món hèm đặc biệt mà chỉ những người đàn ông Cao Lan làm trưởng tộc mới biết. Và cũng chỉ họ mới thuộc tên và thuộc bài cúng đó.

Tuy nhiên, trong dân tộc Cao Lan, tuỳ theo từng họ mà có sự kiêng khem bắt buộc. Do quan niệm từ cổ xưa, người Cao Lan coi những con vật được kiêng khem ấy là thuỷ tổ của dòng họ mình nên người ta không ăn thịt mà chỉ thờ cúng. Ví như: họ La kiêng cá quả, họ Lục, họ Lý, họ Trần kiêng thịt chó, họ Dương kiêng gà…

Người Cao Lan ăn Tết không thể thiếu bánh vắt vai, bánh chim gâu, bánh chưng, bánh gai, bánh mật, bánh chuối… đặc sắc nhất trong các loại bánh của người Cao Lan là bánh vắt vai. Đó là loại bánh được dùng để dâng cúng tổ tiên, biếu tặng người thân và khách đến chơi nhà. Bột bánh làm từ nếp trên đồng ruộng do người Cao Lan trồng cấy, lá ngải cứu luộc sơ với nước vôi trong giã nát trộn lẫn bột nếp, nhân đậu xanh ngào đường, gói bằng lá chuối tây bánh tẻ hơ trên lửa cho mềm dẻo, hấp cách thủy sau 2,3 giờ đồng hồ, bánh có màu sậm và thơm ngon đặc biệt, ăn nóng hay nguội đều có vị rất riêng. Mỗi bánh có hai chiếc gói ở hai đầu mảnh lá và có thể cầm ở giữa nên gọi là bánh vắt vai. Đi chơi Tết ở nhà người Cao Lan còn giữ nếp xưa, bạn sẽ được tặng mấy cặp bánh vắt vai mang về.

Phong tục đón tết của người Cao Lan - Ảnh 4.

Biểu diễn các trò chơi dân gian.

Trang phục truyền thống của người Cao Lan thường ngày ít sử dụng, nhưng ngày Tết, lại được họ trân trọng bộ trang phục của dân tộc mình trong các nghi thức cúng lễ và đi chơi hội du xuân. Đẹp nhất là cô gái Cao Lan trong bộ áo dài nối thân với những gam màu được phối rất dịu; phần eo lưng và ngực màu đỏ tươi hoặc hồng hoa đào, vạt dưới nâu non tươi tắn như màu của đất đai trù phú. Thắt lưng hai màu hồng và xanh lá buông dài ngang thân áo tôn lên vòng eo con kiến. Vòng bạc lóng lánh trên cổ trên tay, xà tích ngang eo rung lên theo từng nhịp bước chân và đung đưa cùng tà áo dài trông thật duyên dáng.

Trong lễ hội đầu năm mới của người Cao Lan, bên cạnh các trò chơi dân gian như kéo co, đẩy gậy, ném còn, trồng cây chuối, vặt rau cải, múa điệu chim gâu, xúc tép, khai xuân, biểu diễn trống sành... thì không thể thiếu làn điệu Sình ca, lối hát đối đáp giữa thanh niên nam nữ, được sáng tác theo thể thơ tứ tuyệt, ghi chép bằng chữ Hán.

Theo truyền thuyết của người Cao Lan, tác giả của bài Sình ca là nàng Lưu Ba, cô gái đẹp đã đặt lời cho các điệu hát và nàng đã hát suốt 13 ngày đêm không ăn không ngủ rồi chết. Tiếng hát ấy chứng tỏ sức sống tiềm tàng và tình yêu trong sáng, bình dị của người Cao Lan. Ngày xuân, nam thanh nữ tú hát Sình giao duyên với nhau để tìm bạn đời, các cụ ông cụ bà say sưa hát những điệu Sình cổ để thể hiện niềm vui cuộc sống.

Những nghi lễ dân gian đặc sắc của người Cao Lan với nhiều nét đẹp mang ý nghĩa nhân văn sâu sắc và những giá trị tinh thần to lớn đã góp tạo nên một nền văn hóa giàu truyền thống, đa sắc màu của dân tộc Việt Nam.

MINH CHÂU

CÙNG CHUYÊN MỤC
Xem theo ngày
Mất ngủ và thuốc Đông y: Vì sao niềm tin bị lung lay?

Mất ngủ và thuốc Đông y: Vì sao niềm tin bị lung lay?

Trong nhiều thế kỷ, Đông y đã là một phần quan trọng trong y học và văn hóa của nhiều nước châu Á, đặc biệt là Trung Quốc và Việt Nam. Tuy nhiên, trong xã hội hiện đại ngày nay, niềm tin...
3 tháng trước
Tin nên đọc
Báo dân sinh
Báo dân sinh
Báo dân sinh