Tết sống chậm, đóng cửa để chăm sóc tâm hồn
- Y học 360
- 20:45 - 13/02/2021
Năm nay, vẫn câu hỏi cũ, tôi nhận được nhiều câu trả lời mới. Như anh Nguyễn Đinh Khoa, một nhà văn trẻ ở Quận 7, TP.HCM chia sẻ: “Tết này, anh ở nhà đọc sách”.
Anh lý giải, những ngày Tết bản thân được “tách rời” hoàn toàn với công việc, có thời gian dành cho mình. Đọc sách là một cách chăm sóc trí và tâm mình tốt nhất, vì ở trong đó có quá nhiều thứ hay ho chờ đón.
Trong khi đó, anh Lê Minh Hạ, một đồng hương Quảng Nam - Đà Nẵng của tôi, lại dành những ngày trước Tết để đi “gieo yêu thương”. Anh kể, cả chục năm nay, vẫn luôn dành thời gian hiếm hoi trước khi bay về quê để đến một trung tâm nuôi dưỡng người tâm thần tặng quà, nấu cho họ một bữa ăn.
Anh cảm nhận mình còn may mắn hơn nhiều, ngay cả khi đã trải qua một năm sóng gió vì dịch Covid-19, đó là giá trị tỉnh thức nhận về từ những chuyến đi như vậy.
Thưởng thức Tết theo một cách khác - anh Trung Long ở An Giang lại dành khoảng thời gian nghỉ ngơi để về ngôi chùa quê từng gắn bó lúc ấu thơ. Phụ công quả ở chùa trong những ngày cuối và đầu năm, nhìn thấy nụ cười người đến chùa trong dịp Tết khiến lòng anh vui. Với Long, chỉ bấy nhiêu đó cũng đủ để góp nhặt năng lượng tích cực để rồi sau đó lại tiếp tục hành trình dài mưu sinh ở thành phố.
Tôi biết, Tết là khoảng thời gian ý nghĩa của hầu hết mọi người, đặc biệt là những người đi xa mong trở về nhà, đón Tết trong mong chờ sum họp. Thế nhưng, đúng vào thời điểm mọi người chuẩn bị về nhà, cao điểm nhất, 26 - 27 Tết, TP.HCM lại bùng dịch.
Tôi về sớm hơn, vào tối 24 tháng Chạp - sau khi cơ quan tất niên vào buổi sáng. Tôi cũng sống, làm việc ở địa điểm không nằm trong khu vực phong tỏa, giãn cách xã hội do có ca Covid- 9 nên chỉ đi khai báo y tế tại trạm xá xã. Ở xóm tôi, nhiều bạn bè, anh chị đã hủy vé, quyết định ăn Tết xa quê vì “quá nguy hiểm”, “làng quê đang bình yên”…
Lựa chọn ở lại giữa lúc đang háo hức về nhà sau một năm dài quả thật là sự đắn đo, cân não. Nhưng rồi những người con xa quê vẫn quyết định theo mệnh lệnh của trái tim: không thể tạo thêm khó khăn cho công tác chống dịch đang cam go lúc này. Khi mà cả nước xác định chống dịch xuyên Tết, mỗi người nếu có thể cũng cần góp một phần nhỏ, “hy sinh” một chút cảm xúc, mong muốn cá nhân.
Tôi hỏi cậu Bảy - người hàng xóm, có buồn không - khi biết con của cậu cùng bốn đứa cháu hủy vé về. Ông nhìn tôi nói, nếu không buồn là nói dối nhưng cũng không nên cưỡng cầu trong những tình huống cấp bách.
“Vui một chút mà khổ dài lâu hơn thì không đáng để mạo hiểm”, người cha người ông gần 70 mùa xuân khẳng định. Tôi cảm phục ông, rõ ràng, người lớn vẫn luôn sáng suốt.
Nghe ông nói, tôi cũng mừng vì ở vùng quê mình, cách TP.HCM gần 1.000km, nhưng người dân đã hiểu được sự nguy hiểm của Covid-19 để sống chung với nó.
Việc thiện, người Việt mình thường làm, bằng nhiều cách. Dễ thấy nhất là đóng góp tài vật vào những quỹ từ thiện, chương trình cứu tế lũ lụt, thiên tai… Nhưng có những việc thiện không cần bỏ tiền, đôi khi hiệu quả còn lớn hơn nhiều.
Đó có thể là một lời nói, một chia sẻ mang lại giá trị chuyển hóa, giúp người vui lên, bớt u ám trong cái nhìn về cuộc sống, tìm thấy ánh sáng. Chẳng hạn như chúng ta không cố chấp để về nhà giữa mùa dịch bệnh lây lan trong cộng đồng; không đến nhiều chỗ, nhiều nơi chứa nguy cơ vì tập trung đông người…
Ở yên và yên với việc đó, tôi gọi là sống thiền. Biết rõ hoàn cảnh thực tế đang là để sống với một cách tốt nhất, tích cực nhất chính là sống có chất thiền. An trú trong hiện tại. Tôi được nghe Thiền sư Thích Nhất Hạnh nói đến phương pháp đó cách đây hơn 15 năm, cũng trong mùa xuân như thế này.
Lời dạy của thiền sư đơn giản, bắt đầu bằng việc “thở vào, biết mình đang thở vào/ thở ra, biết mình đang thở ra”. Thực ra, đó là lời dạy về “biết mình đang là” - sống với hiện tại - đã được Đức Phật chia sẻ nhiều thế kỷ trước.
Khép mình lại đọc sách, về ở nhà với mẹ, dọn dẹp nhà cửa, hủy các cuộc hẹn hò, họp lớp, lên chùa công quả… là một trong những gợi ý trong cái Tết đặc biệt này. Những người bạn của tôi đã làm được, tôi nghĩ ai cũng có thể làm được. Nhất là với nhiều người vẫn hay than thở “không có thời gian cho mình”, thì đây là cơ hội.
Bạn sẽ không cần “miễn cưỡng” tiếp khách khứa, tụ họp, hội hè trong Tết, chính đáng đóng cánh cửa phòng để chăm sóc tâm hồn mình. Đó cũng là lúc ta mở cửa lòng mình để những điều nhẹ nhàng, nhất là khi đã cùng cả thế giới đi qua những ngày đại dịch. Thực ra, chỉ khi nào con người chấp nhận mọi sự bất như ý thì mới có thể vượt qua nó dễ dàng. Nhà thiền gọi đó là “nhận diện sự thật” để sống với nó.
“Be beautiful be yourself” - Ta có là ta, ta mới đẹp - là điều mà Thiền sư Nhất Hạnh nhắc nhở môn sinh Làng Mai. Ai cũng có vẻ đẹp riêng, chỉ cần người ấy nhận ra và sống với. Hoàn cảnh nào cũng có cái hay và giá trị nếu chúng ta thấy cơ trong nguy.
Với người Phật tử, dịp đầu năm luôn là thời điểm đi chùa với nhiều lễ tiết như đàn Dược Sư, cầu an đầu năm. Tuy nhiên, trong bối cảnh dịch bệnh, Trung ương Giáo hội đã có chỉ đạo các chùa không tổ chức lễ cầu an tập trung đông người và tuân thủ nguyên tắc 5K của Bộ Y tế. Đó là chỉ đạo kịp thời, một cách làm mang lại bình an không từ việc “cầu an”.
Tâm bất biến giữa dòng đời vạn biến. Lời dạy này mang ý nghĩa giúp mỗi người giữ tâm an trong mọi hoàn cảnh lên xuống, được mất. Hay nói cách khác, cái an không phụ thuộc hoàn cảnh. Để có được điều đó, giữa dịch bệnh này không gì khác hơn chính là trở về thực tại, tỉnh thức để ứng phó.
Dịch bệnh chắc chắn còn diễn biến phức tạp, còn dài, nên Tết thiền cũng là để tái tạo năng lượng để năm mới tiếp tục gánh gồng, vững chãi vượt qua.