THỨ SÁU, NGÀY 08 THÁNG 11 NĂM 2024 09:22

Dộ - Tà Vờng: Ngôi làng trong truyền thuyết

 Ngôi làng trong mây

Bản Tà Vờng một điểm du lịch Quảng Bình độc đáo, nét chấm phá khó quên trong hành trình khám phá mảnh đất miền Trung đầy nắng, cát và gió. Bản Tà Vờng là một trong ba bản thuộc vùng Lòm của xã Trọng Hóa, huyện Minh Hóa, tỉnh Quảng Bình, nằm dọc theo đường biên giới với nước bạn Lào. 

Từ trung tâm TP.Đồng Hới, theo đường mòn Hồ Chí Minh ngược lên Quốc lộ 12A hơn 150km, rẽ vào một cung đường uốn lượn, qua chục ngọn núi đèo dốc quanh co đẹp như tranh vẽ là lên đến đỉnh núi Chà Cáp. Ngay giữa thung lũng dưới chân núi này là bản Tà Vờng, cách UBND xã Trọng Hóa, huyện Minh Hóa gần 30km. 

Dộ - Tà Vờng: Ngôi làng trong truyền thuyết - Ảnh 1.

Dộ - Tà Vờng: Ngôi làng quanh năm mây phủ

Từ trên đồi cao nhìn xuống, bản nhỏ với mấy chục nóc nhà sàn khang trang, vững chãi hiện lên giữa khung cảnh núi rừng Trường Sơn hùng vĩ, mờ ảo trong làn sương sớm nằm dưới chân dãy Giăng Màn trông vô cùng lãng mạn. Lối lên được người dân trong bản xẻ thành bậc thang theo chiều dọc ngọn đồi. Ấn tượng đầu tiên của du khách khi đặt chân đến đây là cảnh quan bản làng ngăn nắp đến lạ. Nóc nhà này nối nhà kia theo từng cụm, từ dưới sàn nhà ra đến lối đi được dân bản quét dọn sạch sẽ. Trước mỗi ngôi nhà đều có một vườn rau tự trồng xanh mướt. Ngồi ở cửa sổ nhà sàn nào cũng nhìn được núi và rừng tạo thành bức tranh sơn cước thanh bình, mộc mạc làm đắm say lòng người.

Núi ở đây không chỉ là núi, mà những con suối tạo thành dòng thác nhỏ, chảy từ trên đỉnh núi xuống, rồi hòa vào con suối chảy ở phía lưng Tà Vờng. Con suối Tà Leng chảy róc rách hàng ngàn năm nay ngoằn ngoèo uốn khúc ôm lấy bản nhỏ cũng là nguồn nước nuôi cư dân bản địa. 

Với rất nhiều bậc thác nhỏ, những bãi đá lổm nhổm, uốn khúc mềm mại, hai bên suối là những vạt cỏ xanh non, những bụi hoa dại… càng làm cho con suối Tà Leng thêm quyến rũ. Chẳng phải tự nhiên mà người ta bảo đây là ngôi làng trên mây bởi quanh năm nơi đây luôn chìm trong làn mây bồng bềnh. Khi hoàng hôn dần buông hoặc bình minh chớm hé, những đám mây trắng nhẹ như sà xuống ngay sát đỉnh núi, rồi len lỏi dưới mái nhà sàn, khiến khung cảnh trở nên thơ mộng.

Dộ - Tà Vờng: Ngôi làng trong truyền thuyết - Ảnh 2.

Dộ - Tà Vờng nhìn từ trên đồi cao xuống

Đến với Dộ-Tà Vờng sau chặng đường đầy gian nan, phần thưởng thích đáng cho du khách là được chứng kiến mây trắng bồng bềnh ôm lấy bản làng, vờn quanh núi rừng, khe suối như chốn bồng lai tiên cảnh. Từ trên cao nhìn xuống, những nếp nhà sàn xinh xắn hệt như những nốt nhạc được viết lên "khung nhạc" của núi rừng. Giữa màu xanh thẫm của rừng già, xanh non của lúa rẫy là lớp sương mù bện chặt, cùng bầu không khí trong lành, Dộ-Tà Vờng trở thành một bức tranh tươi đẹp.  Cư dân của bản Dộ-Tà Vờng là người Mày, thuộc dân tộc Chứt. "Mày" - theo tiếng của tộc người anh em này có nghĩa là đầu nguồn con nước.

Theo truyền thuyết của người Mày: Ngày xưa trời làm lũ lụt, núi non ngập hết, chỉ duy nhất ngọn núi khổng lồ của thần Cu Lôông (người của trời) là không bị ngập. Nước lũ cuốn trôi nhà cửa, cây cối, con người và mọi vật đều chết hết. Trong cơn đại hồng thủy ấy, có hai anh em (một trai, một gái) nhờ lấy cây ó làm bè, trôi dạt đến núi Cu Lôông mà sống sót. Nước rút, hai anh em ở lại núi Cu Lôông làm ăn sinh sống. Có ông bụt hiện lên khuyên hai anh em lấy nhau để nối dõi loài người nhưng họ không chịu.

Một buổi sáng, người em đang quét nhà, người anh ngồi ăn trầu, vô tình vứt bã trầu vào bắp vế em gái. Chỗ bã trầu dính sinh ra một cái trứng, nở ra ba người con: anh cả là người Mày, em kế là người Nguồn và em út là người Kinh ngày nay.  "Người Mày của miềng (mình) tin rằng, sự kỳ diệu của miếng bã trầu là nhờ vào tài ba thần núi Cu Lôông. Thần núi Cu Lôông đã sinh tổ tiên người Mày, người Nguồn và cả người Kinh. Và theo sự phân công của thần Cu Lôông, người Mày là anh cả nên phải sống ở miền biên viễn, đầu nguồn nước để bảo vệ lãnh thổ, cũng như bảo vệ nguồn nước - nơi khởi nguồn của sự sống muôn loài" - ông Hồ Khiên ở bản Dộ - Tà Vờng kể.

Dộ - Tà Vờng: Ngôi làng trong truyền thuyết - Ảnh 3.

ông Hồ Khiên, Chi hội trưởng Nông dân bản Dộ-Tà Vờng đã gieo cấy thử nghiệm thành công mô hình lúa nước trên ruộng bậc thang

Tiềm năng phát triển du lịch

Chủ tịch UBND huyện Minh Hóa Nguyễn Bắc Việt cho biết: "Trước đây có 25 hộ người Mày ở bản Tà Dong ở sâu trong núi, bên kia con suối Tà Leng. Do địa hình dốc, mùa mưa lũ bị xói lở, gây nguy hiểm cho bà con nên năm 2012 chính quyền địa phương và bộ đội biên phòng đã vận động dân bản di chuyển, định cư tại bản mới Tà Vờng. Đến năm 2019, bản Tà Vờng được sáp nhập với bản Dộ trở thành bản Dộ - Tà Vờng. Hiện bản Dộ - Tà Vờng có 71 hộ người Mày sống quần tụ và còn giữ nguyên  nếp sống, phong tục tập quán cổ truyền, chưa bị lai hóa với thế giới hiện đại".

 "Những lễ hội đặc sắc của người Mày như lễ cúng giang sơn, lễ buộc chỉ cổ tay, lễ cúng cơm mới... vẫn được đồng bào duy trì. Cứ đến mùa lễ hội, trai gái trong bản lại ăn mặc đẹp, chuẩn bị chu đáo rượu, thịt để già làng làm lễ tế Giàng, trời đất, thần Cu Lôông, thần rừng. Đồng bào người Mày ở bản Dộ-Tà Vờng hiện vẫn còn sở hữu những món ăn độc đáo, riêng có như: Canh măng nấu cá suối; canh gà nấu củ sắn; cá mát nướng; cơm bồi; nếp rẫy…" - ông Việt cho biết thêm.

Theo ông Nguyễn Bắc Việt, năm 2013, Dự án Bảo tồn thiên nhiên và quản lý bền vững nguồn tài nguyên Vườn quốc gia Phong Nha-Kẻ Bàng đã  có ý định chọn Dộ-Tà Vờng để phát triển mô hình du lịch cộng đồng. Tuy nhiên, do nhiều nguyên nhân khách quan và chủ quan, đến nay, dự án này đã không thực hiện được. Tuy vậy, từ đó đến nay, đồng bào người Mày nơi đây vẫn giữ được tâm thế sẵn sàng để phục vụ khách du lịch khi có điều kiện. 

Dộ - Tà Vờng: Ngôi làng trong truyền thuyết - Ảnh 4.

Phát triển du lịch cộng đồng tại bản Dộ - Tà Vờng

Đặc biệt, từ năm 2019, bản Dộ-Tà Vờng đã được huyện Minh Hóa chọn để xây dựng thành bản nông thôn mới và nay đã được quy hoạch đẹp đẽ, ngăn nắp. Nếp nhà này nối với nhà kia theo từng cụm, khắp lối đi trong bản là những vườn cây, hoa trái với sắc xanh dịu mát. Người dân ở đây luôn tâm niệm, thiên nhiên đã ưu ái ban tặng vẻ đẹp cho bản làng của họ, nếu không ngăn nắp, sạch sẽ thì thật có lỗi với trời đất. Vì thế, cứ hàng tuần, người dân trong bản lại tổ chức làm vệ sinh, nhắc nhở nhau làm sạch đẹp thêm cho bản làng.

Trước đây, người Mày ở bản Dộ-Tà Vờng chỉ biết sống phụ thuộc vào rừng và trồng lúa rẫy theo kiểu nhờ trời. Nay, với sự hỗ trợ của Đảng, Nhà nước, họ đã biết trồng rừng, cây ăn quả, chăn nuôi trâu, bò, dê, lợn, gà…để có cuộc sống ổn định hơn. Đặc biệt, mới đây với sự giúp đỡ, hướng dẫn của cán bộ xã, ông Hồ Khiên, Chi hội trưởng Nông dân bản Dộ-Tà Vờng đã gieo cấy thử nghiệm thành công mô hình lúa nước trên ruộng bậc thang, mở ra một hướng sản xuất mới cho đồng bào nơi đây. Không chỉ giúp bảo đảm nguồn lương thực, xóa đói giảm nghèo nhờ tận dụng được những thửa đất hoang ven suối, trồng lúa nước trên ruộng bậc thang còn tạo ra cảnh quan đẹp để phục vụ phát triển du lịch khi có điều kiện.

Dộ - Tà Vờng: Ngôi làng trong truyền thuyết - Ảnh 5.

Phụ nữ và trẻ nhỏ bản Dộ - Tà Vớng

Vốn trước kia bản Tà Vờng ở cách địa điểm hiện tại hơn 2 km phía sâu trong núi, bên kia con suối Tà Leng. Do địa hình dốc, đến mùa mưa lũ đất bị xói lở, gây nguy hiểm cho bà con. Đặc biệt, năm 2010, cả một mảng núi phía sau bản bị kéo tuột xuống suối, đe dọa nghiêm trọng tính mạng và nhà cửa của mọi người. Nhận thấy những hiểm họa có thể đổ xuống bản bất cứ lúc nào, chính quyền và Bộ đội Biên phòng đã vận động bà con dân bản di chuyển khỏi vùng sạt lở nguy hiểm để về xây dựng bản mới trên một ngọn đồi nhỏ nằm sát bên bản Dộ. 

Cho đến hôm nay Dộ-Tà Vờng vẫn là một bản nghèo, đời sống của người dân còn nhiều khó khăn. Đối với đồng bào người Mày nơi đây, khái niệm làm du lịch cũng vẫn còn rất xa lạ. Du khách đến thăm, họ chỉ biết lấy tấm lòng chân thật và những bản sắc văn hóa riêng có của mình ra để đối đãi. Nhưng tin rằng, với những gì đang có và nếu nhận được sự giúp đỡ, hỗ trợ của những nhà đầu tư du lịch chuyên nghiệp, chắc chắn trong tương lai không xa, Dộ-Tà Vờng thành một điểm du lịch đặc sắc, là nét chấm phá khó quên trong hành trình khám phá Quảng Bình của du khách.

Bản Tà Vờng chủ yếu là thuộc tộc người Mã Liềng và Mày của dân tộc Chứt rất hiền hậu mến khách. Trưởng bản Hồ Khiên cho biết, từ lúc chuyển đến bản mới, trẻ em không còn phải bỏ học trong những ngày mưa lũ nữa. Có một trường tiểu học ở ngay sát chân đồi với sáu lớp, bình quân mỗi lớp có 15 học sinh. Ngay tại bản Tà Vờng cũng có một lớp mẫu giáo cho trẻ con trong bản đến học. Người Mã Liềng và người Mày ở Tà Vờng vẫn giữ được những lễ hội như lễ cúng giang sơn, lễ buộc chỉ cổ tay, lễ cúng cơm mới… 

Già làng Hồ Xếp nói: "Dù là bản mới nhưng các lễ hội truyền thống đã gắn với dân bản không mất đi. Cứ đến mùa lễ hội, trai gái trong bản ăn mặc đẹp, chuẩn bị chu đáo rượu, thịt để già làng làm lễ tế Giàng, trời đất, thần rừng". 

Được một lần đến thăm Bản Tà Vờng, ngoài chìm đắm cảnh sắc và khí hậu trong lành, du khách còn được trải nghiệm cuộc sống bình dị của người dân bản địa. Trực tiếp thực hiện những công việc thường ngày như giăng lưới bắt cá, giã chày, hái rau … Sau khi thu thập được một số "chiến lợi phẩm" đáng kể du khách có thể tận hưởng thành quả này một cách ngon lành bằng các món dân dã thơm lừng như cá khe nướng, cơm Pồi, hoa chuối rừng, rau rừng luộc… đúng chất miền sơn cước".  

Hiện, ngôi nhà của trưởng bản cùng với hai ngôi nhà khác trong bản được chọn làm nơi lưu trú cho du khách theo mô hình du lịch cộng đồng. Chỉ một đêm nương lại ở những ngôi nhà sàn giữa khung cảnh gió núi với mây ngàn, cùng trò chuyện với đồng bào, nhâm nhi ly rượu cay nồng sẽ là những trải nghiệm thú vị đối với du khách. Trong tương lai Dộ - Tà Vờng - ngôi làng tiên cảnh, nơi giao thoa giữa núi trời với những câu chuyện truyền thuyết mang đậm chất sử thi của người Mày sẽ thu hút khách du lịch trong và ngoài nước. Đây sẽ là điểm dừng chân lý tưởng cho những du khách yêu thiên nhiên, yêu văn hoá cộng đồng, và là điểm checkin đẹp, lãng mạn cho các du khách trẻ yêu thích khám phá.

THU HƯƠNG

CÙNG CHUYÊN MỤC
Xem theo ngày
Mất ngủ và thuốc Đông y: Vì sao niềm tin bị lung lay?

Mất ngủ và thuốc Đông y: Vì sao niềm tin bị lung lay?

Trong nhiều thế kỷ, Đông y đã là một phần quan trọng trong y học và văn hóa của nhiều nước châu Á, đặc biệt là Trung Quốc và Việt Nam. Tuy nhiên, trong xã hội hiện đại ngày nay, niềm tin...
4 tháng trước
Tin nên đọc
Báo dân sinh
Báo dân sinh
Báo dân sinh