THỨ SÁU, NGÀY 20 THÁNG 09 NĂM 2024 10:38

Phong tục đón Tết Âm lịch của một số nước trên thế giới

Không ồn ào như những ngày Tết Dương lịch, một số quốc gia trên thế giới đã giữ cho mình sự náo nhiệt đặc trưng mang màu sắc cổ truyền trong những ngày Tết Âm lịch. Cùng với Việt Nam, các nước: Trung Quốc, Hàn Quốc, Mông Cổ,... đã có những cách chào đón năm mới theo Âm lịch. Trong đó, Trung Quốc và Việt Nam là 2 quốc gia có truyền thống mừng  Tết Nguyên đán lâu đời nhất và xem Tết Nguyên đán là một lễ hội cực kỳ trọng đại trong năm.

Bánh Nian Gao được làm từ gạo nếp với nhiều ý nghĩa trong ngày Tết của Trung Quốc.

 

Trung Quốc

Tết cổ truyền ở Trung Quốc là những ngày lễ quan trọng nhất trong năm. Bắt đầu từ 8/12 âm lịch mọi người dân Trung Hoa trên khắp thế giới kéo nhau về quê ăn Tết để được đoàn tụ với gia đình.Việc trao phong bao lì xì màu đỏ rất phổ biến vào dịp Tết ở Trung Quốc. Hầu hết trẻ em đang đi học đều được nhận lì xì. Những ai đã đi làm thường không được nhận tiền mừng tuổi, ngay cả khi chưa kết hôn. Trên thực tế, những người độc thân đã đi làm đều trao bao lì xì màu đỏ cho những người bé hơn mình. Vào đêm Giao thừa, mọi người thường đốt pháo hoa. Việc đốt pháo hoa được cho là giúp đẩy lùi những linh hồn xấu xa và đem lại may mắn.Cắt giấy cũng là một trong những việc làm được ưa chuộng trong năm mới. Mọi người thường cắt các chữ như giàu sang, thịnh vượng trên giấy đỏ. Người Trung Quốc tin rằng việc dán giấy cắt màu đỏ trên cửa sẽ đem lại may mắn và hạnh phúc cho cả gia đình.

Thực đơn ngày Tết của người Trung Quốc đa phần là các loại bánh. Trong đó đáng chú ý có bánh tổ (Nian Gao) được làm từ gạo nếp loại tốt, cùng với đường và một chút gừng tươi. Theo tiếng Trung, “Gao” là bánh, “Nian” là chất dính, nghĩa là bánh nếp, bánh dính, mọi người dùng món bánh này với mong ước các thành viên trong gia đình lúc nào cũng luôn kết dính, gắn bó với nhau bền vững. Một điều thú vị là phiên âm Nian Gao còn mang ý nghĩa chỉ sự thịnh vượng, tiến bộ, luôn đi lên. Đó cũng chính là mong ước của mọi người trong năm mới. Trong số các loại bánh ngọt truyền thống của Trung Quốc, Nian Gao có lẽ là loại lớn nhất, đặc biệt phổ biến trong dịp năm mới. Chiếc bánh này không thể thiếu trong mâm cỗ truyền thống của người Trung Quốc. Bánh Nian Gao cũng là món quà tặng phổ biến trong dịp năm mới.

Hanbok - trang phục truyền thống của Hàn Quốc, được mặc vào những dịp quan trọng.

 

Hàn Quốc

Tại Hàn Quốc, một trong những nét đẹp đặc sắc đó là văn hóa Tết, đặc biệt là văn hóa Tết âm lịch cổ truyền. Tết âm lịch được tính từ thời khắc giao thừa của năm cũ, tùy theo từng năm có thể là ngày 29/12 âm lịch (nếu là năm thiếu) hoặc ngày 30/12 (nếu là năm đủ). Buổi tối trước Giao thừa, người Hàn Quốc thường tắm bằng nước nóng để tẩy trần; mặc trang phục truyền thống hanbok hoặc những bộ quần áo đẹp nhất để cử hành nghi lễ thờ cúng tổ tiên. Đêm Giao thừa, người Hàn Quốc đốt các thanh tre trong nhà để xua đuổi tà ma. Người Hàn Quốc quan niệm đêm Giao thừa không ai ngủ vì nếu ngủ thì sáng hôm sau sẽ bị bạc trắng cả lông mi và đầu óc kém minh mẫn khi thức dậy. Mâm cỗ cúng đêm Giao thừa của người Hàn Quốc thường có tới hơn 20 món, trong đó không thể thiếu món ttok-kuk (một loại phở nước được chế từ bò hay gà) và món cay kim chi. Người Hàn cho rằng, ngày Tết ăn ttok-kuk có nghĩa là “ăn” một năm khác. Mâm cỗ ngày Tết của người Hàn Quốc không thể trọn vẹn nếu thiếu món canh bánh gạo (tteokguk) - món canh mang ý nghĩa đem lại nhiều may mắn trong tương lai. Canh được nấu nhiều lát bánh gạo. Ngoài ra còn có các món như cá khô, thịt bò khô, bánh bao hấp, hoa quả, rau, hồng khô và các loại bánh cổ truyền.

Sáng mùng 1 Tết, người Hàn có phong tục tắm rửa vệ sinh sạch sẽ, mặc quần áo cổ truyền, uống gui balli sool -  một loại rượu bổ làm cho thính giác tinh nhạy, sau đó tiến hành nghi lễ cúng tổ tiên gọi là Chesa do trưởng nam trong gia đình đứng ra làm lễ. Đồ cúng cùng với rượu gạo được bày trên mặt bàn giữa nhà. Trên đó cũng đặt các bài vị tổ tiên viết trên giấy sớ sẽ đốt đi sau khi cúng. Chủ gia đình thắp hương, khấn mời tổ tiên, cả nhà cùng bái lạy làm lễ. Sau lễ Chesa là lễ Seba, con cháu bái lạy ông bà, cha mẹ với ý nghĩa chúc mừng năm mới và chúc may mắn. Ông bà, cha mẹ sẽ thưởng tiền hoặc vàng, ngọc hay một món quà quý nào đó tùy thuộc vào tuổi, vị trí của người con cháu trong gia đình cũng như điều kiện, hoàn cảnh của gia đình đó.

Đường phố Singapore tràn ngập đèn lồng trong lễ hội hoa đăng.

 

Singapore

Người Singapore rất coi trọng việc vui đón Tết Nguyên đán cổ truyền. Diễn ra cùng thời điểm với Tết Nguyên đán của người Việt Nam, những ngày Tết ở Singapore thường diễn ra Lễ hội mùa xuân với 3 sự kiện nổi bật: Lễ hội Hoa đăng, Lễ hội Singapore River Hongbao và Lễ hội đường phố Chingay cùng nhiều hoạt động khác. Lễ hội Đường phố Chingay ở Singapore thường bắt đầu diễn ra từ ngày thứ Bảy đầu tiên của năm mới ở khu vực vịnh Marina và kết thúc vào ngày rằm tháng Giêng cũng là kết thúc Tết. Hoạt động này thu hút hàng ngàn du khách và người dân địa phương cùng tham gia diễu hành trên đường phố. Tên gọi Chingay theo tiếng Hoa có nghĩa là "nghệ thuật trang phục và hóa trang". Đây là hoạt động độc đáo để người dân Singapore vừa vui chơi, vừa thắt chặt tình đoàn kết giữa các sắc tộc trong nước và với các cộng đồng dân tộc trên toàn thế giới. Trong suốt 15 ngày từ đêm Giao thừa cho đến hết ngày 15 tháng Giêng, trên đất nước Singapore đâu đâu cũng diễn ra các hoạt động vui xuân, là dịp để người ta đi thăm họ hàng, bạn bè và đãi tiệc nhau. Cha mẹ và những người thân đã lập gia đình sẽ gửi tặng “hong baos” (tiền lì xì đựng trong bao đỏ) cho những người thân chưa lập gia đình là biểu thị một cách cầu chúc may mắn cho họ.

Bánh gạo - món ăn phổ biến trong ngày Tết ở Indonesia.

 

Indonesia

Dù Tết không phải là một lễ hội tôn giáo, song người Indonesia gốc Trung Quốc vẫn đón mừng Tết đến tại chùa, nhà thờ và đền, dựa vào tín ngưỡng. Đừng ngạc nhiên nếu ai chào mừng bạn bằng câu "Selamat Hari Raya" vào dịp Tết âm lịch. Câu này có nghĩa là chúc một lễ hội vui vẻ và nó được dùng trong tất cả những dịp lễ hội lớn.Vào dịp Tết âm lịch, món Lontong Imlek rất phổ biến. Bánh lontong (bánh gạo) thường được ăn cùng với thịt gà nấu với nước dừa, rau nấu với nước dừa, trứng luộc...Tại hầu hết các thành phố lớn như Jakarta, Surabaya, Solo và Semarang đều có Chinatowns, nơi các hoạt động đón Tết diễn ra sống động nhất, nhiều hàng hóa được bán trên đường phố vào những ngày trước Tết và các màn múa rồng, múa sư tử thường diễn ra vào dịp lễ hội này.Tết âm lịch chỉ là lễ hội quốc gia một ngày ở Indonesia. Trên thực tế, Tết trở thành ngày lễ quốc gia vào năm 2000.

Mâm cỗ ngày Tết của người Mông Cổ.

 

Mông Cổ

Tết cổ truyền âm lịch ở Mông Cổ được gọi là tết Tsagaan Sar, hoặc tết Tháng Trắng. Đối với người Mông Cổ, Tsagaan Sar không chỉ là một ngày lễ cổ truyền báo hiệu kết thúc một mùa đông dài và lạnh lẽo để đón chào một mùa xuân mới, mà nó còn là thời điểm cho việc quây quần sum họp gia đình và thắt chặt những mối quan hệ trong xã hội.Vào ngày lễ này, mọi người thường tụ họp lại trong nhà của người già nhất trong vùng, trao đổi các món quà cho nhau, đặc biệt là trẻ em. Sau đó, họ sẽ cùng nhau ăn các món ăn truyền thống, ví dụ như món cơm và sữa đông, cơm với nho khô, thịt cừu nướng, thịt ngựa, bánh buuz, sữa ngựa lên men hoặc rượu vodka trộn sữa. Những người phụ nữ trong gia đình thường chuẩn bị lượng lớn bánh buuz và dự  trữ chúng trong tủ lạnh để dành dùng trong nhiều ngày. 

PHƯƠNG MINH

CÙNG CHUYÊN MỤC
Xem theo ngày
Mất ngủ và thuốc Đông y: Vì sao niềm tin bị lung lay?

Mất ngủ và thuốc Đông y: Vì sao niềm tin bị lung lay?

Trong nhiều thế kỷ, Đông y đã là một phần quan trọng trong y học và văn hóa của nhiều nước châu Á, đặc biệt là Trung Quốc và Việt Nam. Tuy nhiên, trong xã hội hiện đại ngày nay, niềm tin...
3 tháng trước
Tin nên đọc
Báo dân sinh
Báo dân sinh
Báo dân sinh