CHỦ NHẬT, NGÀY 19 THÁNG 01 NĂM 2025 10:32

Chuyện phong bì ngày 20/11

  

 Ảnh minh họa. Nguồn Internet.

Phong bì nói thay tình cảm

Ngày 20/11 vốn là một ngày lễ thể hiện truyền thống tôn sư trọng đạo, tri ân tới những người nhà giáo, ngành nghề cao đẹp nhất. Tuy nhiên, những giá trị tốt đẹp của ngày lễ tri ân đã không còn nhiều ý nghĩa sâu xa như thế. 

Có con học cấp 2 nên sự quan tâm sát sao với con luôn được đặt lên hàng đầu, chị Quỳnh Trang (Cầu Giấy – Hà Nội) cho biết: “Những ngày này tôi rất đau đầu chuyện chọn quà cho cô giáo của con, tặng mỹ phẩm thì sợ không hợp ý cô. Vậy nên sự lựa chọn tốt nhất là phong bì”.

Cùng tâm lý với chị Trang, chị Thu Hà (Thanh Xuân- Hà Nội) chia sẻ: “Cứ đến ngày này là lại phải chuẩn bị quà cáp kèm phong bì. Vì là nếu không chuẩn bị quà cáp thì các bạn tặng quà hết cho cô rồi mà con mình không có thì cũng không được.”

Bố mẹ nào cũng mong con mình được quan tâm, chăm lo tốt hơn nên đều cố gắng "chăm sóc" cô. Chị Nguyễn Hường (Xuân Đỉnh- Hà Nội) cho biết: “Phần lớn thời gian các cô đều dành thời gian cho con mình, có thể nói cô giáo như người mẹ thứ hai của con vậy. Muốn con hay chữ phải yêu lấy thầy mà đồng lương giáo viên hiện giờ khá là ít ỏi, nhất là những trường công lập. Vì vậy tôi nghĩ gửi phong bì để cảm ơn các cô đã vất vả với con mình là thiết thực nhất.”

Phụ huynh đã tự mình làm biến tướng ngày tri ân

Câu chuyện "đi phong bì" cho thầy cô  mỗi dịp lễ, tết cũng không còn là điều nhạy cảm như trước kia, mà đã trở thành “đề tài” bàn luận của phụ huynh như vấn đề hàng ngày. Rốt cuộc văn hóa phong bì có từ khi nào?

 Anh Quốc Thuận (Đông Anh- Hà Nội) cho biết: “Nghề giáo bây giờ đang biến tướng rất nhiều. Thời tôi còn là học sinh, cách đây hơn 20 năm, cứ mỗi dịp 20/11 đều là cả lớp góp tiền vào mua bó hoa rồi đi xe đạp 20 km đến thăm cô giáo chứ không hề biết đến một đồng phong bì nào. Thầy cô giáo thời đó cũng tình cảm hơn bây giờ, học sinh bị phạt, mắng cũng chỉ bởi do nghịch ngợm chứ không phải do bố mẹ không chịu quan tâm tới thầy cô như hiện nay.”

Còn Phụ huynh Hương Liên (Nghĩa Tân, Hà Nội) lại cho rằng : “Tôi rất sợ phải tặng cô giáo phong bì mặc dù nó thật đơn giản đối với tôi. Tôi tìm món quà nào đó thật ý nghĩa, thiết thực tặng thầy, cô giáo của con. Tôi luôn dành cho các thầy, cô giáo sự trân trọng, quý mến và tôi truyền tư tưởng này cho các con mình. Phụ huynh nên gieo cho con trẻ những gì tốt đẹp nhất, trong sáng nhất."

Ngày nhà giáo Việt Nam là ngày để các thế hệ học trò tri ân người thầy, người cô đã dìu dắt mình, đã trang bị cho mình những kiến thức cơ bản để bước vào đời. Thay lời biết ơn và có những món quà nho nhỏ kính tặng thầy cô là điều nên làm. Nhưng nếu lạm dụng để hy vọng thầy cô thiên vị cho con em mình thì phải suy nghĩ lại.

Suy cho cùng, ngày 20/11 vẫn là ngày của tình thầy - trò. Giúp cho con biết được ý nghĩa thiêng liêng của ngày này, là các đấng sinh thành đã dạy con một nét văn hóa đẹp. Đừng để cho thế hệ tương lai học thói quen sử dụng “văn hóa phong bì” như một phương tiện giải quyết tất cả mối quan hệ.

NGUYỄN DUNG

CÙNG CHUYÊN MỤC
Xem theo ngày
Tin nên đọc
Báo dân sinh
Báo dân sinh
Báo dân sinh