Phối hợp tuyên truyền phòng, tránh tai nạn bom, mìn
- Tra cứu sét nghiệm y khoa
- 22:07 - 15/01/2016
Tới dự lễ ký kết có Thượng tướng Nguyễn Chí Vịnh, Ủy viên Trung ương Đảng, Thứ trưởng Bộ Quốc phòng, Trưởng Cơ quan Thường trực Ban chỉ đạo 504; ông Nguyễn Đắc Vinh, Ủy viên Dự khuyết Trung ương Đảng, Bí thư thứ nhất Trung ương Đoàn TNCS Hồ Chí Minh.
Thứ trưởng Bộ Quốc phòng, Trưởng Cơ quan Thường trực Ban chỉ đạo (BCĐ) 504, Thượng tướng Nguyễn Chí Vịnh phát biểu tại buổi lễ
Phát biểu tại Lễ ký kết, Thượng tướng Nguyễn Chí Vịnh nhấn mạnh, thanh niên luôn là lực lượng tiềm năng nhất của mọi quốc gia. Cơ quan Thường trực Ban chỉ đạo 504 đánh giá cao sự nhiệt tình hưởng ứng, hợp tác của Trung ương Đoàn TNCS Hồ Chí Minh khi tổ chức cho lực lượng thanh niên Việt Nam tham gia tuyên truyền nâng cao nhận thức, giáo dục phòng tránh tai nạn bom mìn; đồng thời hy vọng từ sự phối hợp hoạt động này, trong 5 năm tới, những thành quả rõ rệt sẽ được tạo ra, người dân hiểu rõ hơn về hậu quả bom mìn, biết bảo vệ mình khỏi tai nạn bom mìn để giảm thiểu tiến tới không còn xảy ra tai nạn bom mìn trên đất nước Việt Nam.
Đại tá Nguyễn Trọng Cảnh, Chánh Văn phòng Cơ quan Thường trực Ban chỉ đạo 504, Giám đốc Trung tâm Công nghệ xử lý bom, mìn cho biết, Việt nam được xem là một trong những nước bị ô nhiễm bom, mìn, vật nổ nặng nề nhất trên thế giới. Theo kết quả điều tra sơ bộ năm 2002 (chưa thực hiện điều tra trên diện tích vùng biển), toàn quốc có 9.284/10.511 xã bị ô nhiễm bom, mìn, vật nổ với tổng diện tích khoảng 6,6 triệu ha. Tính đến thời điểm này, mới chỉ có khoảng 20 % lượng bom, mìn được rà phá . Ước tính kể từ khi chiến tranh chấm dứt năm 1975 cho đến năm 2000, đã có 42.135 người tử vong và 62.163 người bị thương tật do bom, mìn, vật nổ. Trong đó trẻ em chiếm khoảng hơn 30% tổng số người bị nạn. Nạn nhân bom mìn không mất mạng thì tàn tật suốt đời, tạo gánh nặng rất lớn cho gia đình và xã hội.
Nhờ sự nỗ lực của các bộ, ngành, địa phương và toàn xã hội; sự hợp tác giúp đỡ của bạn bè quốc tế, Việt Nam đã dò tìm, thu gom, xử lý được hàng triệu bom mìn, vật nổ các loại, giải phóng hàng trăm nghìn ha đất, tạo điều kiện an toàn cho người dân lao động, sản xuất, góp phần giảm tai nạn, thương tích do bom mìn. Tuy nhiên tính đến nay vẫn còn khoảng 20% diện tích đất toàn quốc bị ô nhiễm bom mìn, vật nổ, ảnh hưởng lớn đến phát triển kinh tế xã hội, xây dựng cơ sở hạ tầng, gây cảm giác bất an cho người dân khi canh tác trên diện tích đất đai bị ô nhiễm. Chúng ta cũng đã tích cực tuyên truyền, giáo dục về phòng tránh bom mìn trong trường học, cộng đồng dân cư; đồng thời hỗ trợ cho những nạn nhân bị thương tích do bom mìn gây ra.
Trong giai đoạn 2010 -2020, thực hiện công tác rà phá bom, mìn phục vụ phát triển kinh tế, xã hội và bảo đảm an toàn cho nhân dân. Cụ thể tại 6 tỉnh đã điều tra lập xong bản đồ bom, mìn, rà phá bom mìn đạt 200.000 ha; các tỉnh khác rà phá bom, mìn đạt khối lượng diện tích khoảng 300.000 ha. Trong giai đoạn 2016 -2020, phấn đấu dọn sạch ô nhiễm bom, mìn cho khoảng 800.000 ha diện tích đất phục vụ phát triển kinh tế xã hội.
Thượng tướng Nguyễn Chí Vịnh và ông Nguyễn Đắc Vinh ký kết chương trình phối hợp hoạt động.
Theo chương trình phối hợp hoạt động giữa 2 bên, vào dịp Ngày thế giới phòng chống bom mìn (4/4 hằng năm), Tổng cục Chính trị Quân đội nhân dân Việt Nam sẽ chỉ đạo các Quân khu và Bộ Chỉ huy quân sự các tỉnh, phối hợp với các tỉnh đoàn, thành đoàn tổ chức chương trình “Tháng 4 thế giới”, nhằm nâng cao nhận thức cho đoàn viên, thanh niên và nhân dân về phòng tránh tai nạn bom mìn. Hình thức tuyên truyền gồm triển lãm lưu động; tọa đàm, báo cáo chuyên đề; tổ chức các trò chơi tìm hiểu, các cuộc thi viết, thi vẽ tranh, làm phóng sự ngắn, sáng tác tranh ảnh tuyên truyền; thăm hỏi, hỗ trợ các nạn nhân bom mìn trên địa bàn...
Ngoài ra, Đoàn TNCS Hồ Chí Minh sẽ phối hợp chặt chẽ với Ban chỉ đạo 504 tăng cường các hoạt động cộng đồng nhằm nâng cao nhận thức cho đoàn viên, thanh niên và nhân dân về phòng chống tai nạn bom mìn; đồng thời vận động các tổ chức, cá nhân, các nhà tài trợ trong và ngoài nước, các tổ chức phi chính phủ và chính phủ các nước hỗ trợ nguồn lực, chia sẻ thông tin, trao đổi kinh nghiệm giúp Việt Nam đẩy nhanh tiến độ khắc phục hậu quả bom mìn. Hai bên cũng sẽ phối hợp tổ chức các lớp tập huấn, bồi dưỡng nghiệp vụ báo cáo viên, tuyên truyền viên của Đoàn về nội dung, phương pháp, kỹ năng tuyên truyền nâng cao nhận thức, phòng tránh tai nạn bom mìn cho cộng đồng.
Trong các năm từ 2018 đến 2020, hai bên sẽ tổ chức một số cuộc thi trong đoàn viên, thanh thiếu nhi cả nước với chủ đề “Vì một Việt Nam không còn bom mìn sót lại sau chiến tranh”. Cuối năm 2020, Ban tổ chức sẽ tổng kết, tôn vinh các tổ chức, cá nhân và tập thể tiêu biểu tham gia thực hiện chương trình phối hợp này.
Cũng trong khuôn khổ lễ ký kết, Ban tổ chức đã công bố nội dung đợt phát động tuyên truyền giáo dục phòng tránh tai nạn bom mìn sót lại sau chiến tranh thí điểm tại Bình Định vào tuần đầu tháng 3/2016.