Tái hiện thời gian Bác Hồ ở Thái Lan
- Văn hóa - Giải trí
- 21:20 - 27/01/2015
“Thầu chín ở Xiêm” khắc họa chân dung của Bác Hồ trong thời gian hơn 1 năm hoạt động ở Thái Lan cho đến tháng 11/1929 thì sang Trung Quốc, sau đó về Việt Nam hoạt động cách mạng.
Dù khoảng thời gian ở Thái Lan không nhiều, nhưng Bác đã để lại những dấu ấn đậm nét với cộng đồng Việt kiều và người dân bản xứ... Ngày nay, bản Đoông (Thái Lan) - nơi Bác Hồ từng hoạt động - đã trở thành di tích lịch sử.
Diễn viên Mạnh Trường trong vai Thầu Chín.
Trong tương lai, nơi đây sẽ trở thành một địa điểm du lịch. Hầu hết những người dân Việt tại bản Đoông đã chuyển đi vùng khác sinh sống nhưng những cây xoài, cây dừa, giếng nước... mà Bác đã trồng thì vẫn còn được lưu giữ. Hiện, Bảo tàng Hồ Chí Minh đang hợp tác với chính quyền tỉnh Phi-Chịt (Thái Lan) xây dựng khu tưởng niệm.
Bộ phim được xây dựng từ kịch bản cùng tên của tác giả Đinh Thiên Phúc. Kịch bản này được Ban Tuyên giáo Trung ương trao giải Nhất dành cho Tác phẩm Văn học nghệ thuật sáng tác để hưởng ứng cuộc vận động học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh.
Theo đạo diễn Bùi Tuấn Dũng, phim có cốt truyện trung thành gần như tuyệt đối với lịch sử, khi Bác Hồ đã trải qua 17 năm hoạt động ở nhiều quốc gia, về đến Thái Lan và có mật danh là Thầu Chín.
Ở đây, Bác Hồ đã cùng cộng sự xây dựng xưởng cưa, nhà cộng đồng và trường học, chùa chiền. Người cộng tác với chính quyền sở tại làm công tác xã hội, đẩy mạnh tình đoàn kết nhân dân Xiêm và người Xiêm gốc Việt. Người còn dạy chữ quốc ngữ và những kỹ năng quân chính khác cho các đồng đội.
Nhận thấy sự nguy hiểm của các hội kín tại Xiêm, mật thám Pháp tung người dò la, truy sát. Với những kỹ năng tự vệ đã được huấn luyện, Bác Hồ và các đồng chí của Người đã vượt qua để sau đó trở về Việt Nam phát triển phong trào cách mạng, chuẩn bị hợp nhất ba tổ chức cộng sản, tiến tới thành lập Đảng Cộng sản Việt Nam năm 1930.
Để đầu tư cho “Thầu Chín ở Xiêm”, đạo diễn Bùi Tuấn Dũng cho biết, anh và ê-kíp làm phim đã trải qua chuyến đi thực tế hàng tháng trời ở Thái Lan để nghiên cứu sao cho mô phỏng lại đúng hiện thực lịch sử.
Cảnh trong phim “Thầu Chín ở Xiêm”.
Hầu hết các chi tiết trong phim đều là những chi tiết có thật được chắp nối lại. Không chỉ về mặt tư liệu lịch sử, đoàn làm phim còn phải đầu tư cho các cảnh quay, phục dựng lại một cảng biển của Bangkok nay đã biến thành khách sạn và sân bay Udon.
Cũng theo Bùi Tuấn Dũng, bối cảnh trong phim rất đẹp, nhiều cảnh như sân bay Udon, sân bay Băng Cốc hay Bến cảng đều phải phục dựng lại hoàn toàn. Theo đạo diễn, con số kinh phí đầu tư cho những bối cảnh này không nhỏ nhưng điều này rất xứng đáng để có được một tác phẩm chất lượng.
Lần đầu tiên tham gia một vai diễn điện ảnh, lại là vai lãnh tụ Hồ Chí Minh, diễn viên Mạnh Trường khá “run”, anh bảo mỗi khi quay xong một cảnh đều đề nghị đạo diễn cho xem lại cảnh vừa quay để rút kinh nghiệm, trong khi với phim khác thì anh không nhất thiết phải làm thế vì tự tin với vai diễn hơn.
Mạnh Trường cho biết, hiện tại, anh cũng chuẩn bị sẵn tâm lý cho mình để đối phó với sự mổ xẻ của khán giả nhiều hơn là chờ được khen ngợi, vì với vai diễn này, sức ép và so sánh là rất khó tránh khỏi.
Tuần phim chào mừng kỷ niệm 85 năm Ngày Thành lập Đảng Cộng sản Việt Nam (3/2/1930-3/2/2015) và mừng Xuân Ất Mùi do Cục Điện ảnh chủ trì, phối hợp với Hãng phim Hội Điện ảnh, Cty cổ phần phim Truyện I, Cty TNHH MTV Hãng phim Tài liệu và Khoa học Trung ương, Trung tâm Chiếu phim quốc gia tổ chức. Ngoài phim “Thầu Chín ở Xiêm” còn có những bộ phim khác sẽ được chiếu như: Phim “Người tình nguyện” do Cty cổ phần phim Truyện I sản xuất; phim tài liệu “Những người cộng sản” do Cty TNHH MTV Hãng phim Tài liệu và Khoa học Trung ương sản xuất. Lễ khai mạc Tuần phim chính thức được tổ chức tối 30/1 tại Hà Nội và tối 1/2 tại Cao Bằng. |