Phê duyệt nhiệm vụ lập Quy hoạch hệ thống cơ sở xã hội nuôi dưỡng, điều dưỡng người có công
- Người có công
- 21:17 - 17/04/2020
Quyết định nêu rõ, quan điểm lập quy hoạch nhằm cụ thể hóa chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách pháp luật của Nhà nước về phát triển kinh tế, đảm bảo an sinh xã hội; phù hợp, thống nhất với các nội dung định hướng chiến lược phát triển đất nước thời kỳ 2021-2030; quy hoạch tổng thể quốc gia và các quy hoạch ngành quốc gia khác có liên quan, quy hoạch vùng, quy hoạch tỉnh.
Bên cạnh đó, quy hoạch phù hợp theo đặc điểm từng vùng lãnh thổ, số lượng người có công được nuôi dưỡng tập trung, được hưởng chế độ điều dưỡng của từng địa phương; đáp ứng được nhu cầu, tiêu chí, tiêu chuẩn, chất lượng dịch vụ nuôi dưỡng, điều dưỡng người có công với cách mạng. Đồng thời, quy hoạch hệ thống cơ sở xã hội nuôi dưỡng, điều dưỡng người có công với cách mạng phải bảo đảm phù hợp với khả năng đầu tư của nhà nước; đảm bảo phù hợp và hiệu quả trong phân công xây dựng, quản lý các cơ sở nuôi dưỡng, điều dưỡng người có công với cách mạng giữa các địa phương và vùng lãnh thổ, giữa trung ương và địa phương.
Quy hoạch được lập nhằm hình thành hệ thống cơ sở có đủ quy mô, năng lực đáp ứng yêu cầu nuôi dưỡng, điều dưỡng người có công; đảm bảo người có công được tiếp cận, thụ hưởng các dịch vụ chăm sóc toàn diện cả về thể chất và tinh thần. Đây là công cụ hiệu quả, hiệu lực của nhà nước để phục vụ việc hoạch định chính sách phát triển lĩnh vực chăm sóc người có công; tổ chức không gian, quản lý hệ thống cơ sở xã hội nuôi dưỡng, điều dưỡng người có công với cách mạng của ngành. Đây còn là cơ sở để đưa ra lộ trình và triển khai kế hoạch đầu tư công trung hạn trên địa bàn cả nước thuộc lĩnh vực quản lý nhà nước của bộ, bảo đảm tính khách quan, khoa học, minh bạch và hiệu quả.
Theo đó, việc lập quy hoạch dựa trên nguyên tắc tuân thủ Luật Quy hoạch, các quy định của pháp luật có liên quan bảo đảm tính liên tục, kế thừa, ổn định, thứ bậc trong hệ thống quy hoạch quốc gia. Bên cạnh đó, nhiệm vụ đặt ra cần bảo đảm thống nhất, đồng bộ giữa quy hoạch hệ thống cơ sở xã hội nuôi dưỡng, điều dưỡng người có công với cách mạng thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050 với các quy hoạch kết cấu hạ tầng xã hội khác có liên quan; giữa quy hoạch ngành với quy hoạch địa phương. Đồng thời, việc lập quy hoạch bảo đảm tính kế thừa, phát triển các quy hoạch trước đây và các chương trình, đề án phát triển ngành, lĩnh vực; tính khả thi, phù hợp nguồn lực để triển khai thực hiện quy hoạch sau này; công khai, minh bạch và có sự giám sát của người dân, cộng đồng trong quá trình xây dựng và tổ chức triển khai thực hiện quy hoạch sau khi được phê duyệt.
Quyết định nêu rõ quy trình lập quy hoạch hệ thống cơ sở xã hội nuôi dưỡng, điều dưỡng người có công với cách mạng thực hiện theo quy định tại khoản 2 Điều 16 Luật Quy hoạch. Nội dung sẽ thực hiện theo các quy định tại Điều 25 Luật Quy hoạch và Điều 23 Nghị định số 37/2019/NĐ-CP ngày 7/5/2019 của Chính phủ. Quy hoạch được lập dựa trên phương pháp tiếp cận hệ thống, tổng hợp, đa chiều, đảm bảo các yêu cầu về tính khoa học, tính thực tiễn, ứng dụng công nghệ hiện đại và có độ tin cậy cao. Cụ thể, phương pháp chính được sử dụng trong lập quy hoạch là điều tra, khảo sát, thu thập thông tin, phân loại, thống kê, xử lý thông tin; phương pháp dự báo, xây dựng phương án phát triển; phương pháp tích hợp quy hoạch; phương pháp thông tin địa lý, bản đồ (GIS); phương pháp phân tích hệ thống, phương pháp so sánh, tổng hợp; phương pháp tham vấn; phương pháp chuyên gia, hội nghị, hội thảo, tọa đàm…
Quyết định này có hiệu lực từ ngày 16/4/2020.