CHỦ NHẬT, NGÀY 19 THÁNG 01 NĂM 2025 10:29

Phát triển nguồn nhân lực trong kỷ nguyên công nghệ mới

 

Thực trạng ứng dụng công nghệ của các doanh nghiệp Việt Nam

Chúng ta đang sống trong một thời đại mà sự cạnh tranh giữa các quốc gia, giữa các doanh nghiệp và giữa các sản phẩm đang diễn ra hết sức gay gắt. Đặc biệt, sự cạnh tranh này lại được dựa trên nền tảng của việc ứng dụng các tiến bộ của công nghệ trong cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ tư. Từ tổng kết thực tiễn, Đảng ta đã xác định đổi mới mô hình tăng trưởng, nâng cao chất lượng tăng trưởng và sức cạnh tranh của nền kinh tế Việt Nam là vấn đề có ý nghĩa chiến lược, quyết định thành công của sự nghiệp đổi mới. Để đạt được mục tiêu này, tăng cường đầu tư cho đổi mới và ứng dụng công nghệ trong các doanh nghiệp có ý nghĩa quyết định.Trong những năm qua, mặc dù đã có những tiến bộ nhất định, song trình độ công nghệ trong các doanh nghiệp nước ta nhìn chung chưa được cải thiện nhiều. Phân loại trình độ công nghệ theo tiêu chuẩn của Tổ chức Phát triển công nghiệp Liên hiệp quốc (UNIDO) cho thấy, các doanh nghiệp Việt Nam vẫn chủ yếu thuộc nhóm công nghệ thấp. Năm 2014, tỷ lệ doanh nghiệp hoạt động trong các ngành công nghệ thấp (chế biến thực phẩm, dệt may, gỗ...) chiếm 44,2%, chỉ giảm được 2,7% so với năm 2010 (46,9%). Trong khi đó, các doanh nghiệp hoạt động trong các ngành công nghệ cao vẫn chiếm tỷ lệ thấp, 17,3% năm 2014, tăng 1,5% so với năm 2010.

 

Bà Đào Hồng Lan - Thứ trưởng Bộ LĐ-TB&XH .

 

Trong Báo cáo Chỉ số đổi mới sáng tạo toàn cầu (Global Innovation Index - Gll ) năm 2015, Việt Nam được xếp thứ 52 trên 141 quốc gia, nền kinh tế, mặc dù đã tăng 19 bậc so với năm 2014. Khảo sát về công nghệ của Tổng cục Thống kê năm 2014 cho thấy chỉ có 6,23% số doanh nghiệp khẳng định là có các hoạt động nghiên cứu và phát triển.

Kết quả khảo sát vào tháng 10/2016 do Viện Khoa học Lao động và Xã hội  thuộc Bộ LĐ-TB&XH tiến hành tại 45 doanh nghiệp thuộc 2 ngành may mặc và điện tử  cho thấy, chỉ có 9% số doanh nghiệp được khảo sát (4/45 doanh nghiệp) cho biết họ đang sử dụng công nghệ mới nhất và chủ yếu là các doanh nghiệp FDI trong lĩnh vực điện tử. Đặc biệt, trong số 22 doanh nghiệp có thời gian nhập khẩu công nghệ và máy móc từ năm 2011 trở lại đây, chỉ có 2 doanh nghiệp nhập khẩu công nghệ mới nhất và 5 doanh nghiệp chỉ nhập khẩu công nghệ tương đối hiện đại. Hơn 64% doanh nghiệp nội địa và 35% doanh nghiệp FDI cho biết công nghệ đang sử dụng của họ thấp hơn so với trình độ công nghệ của thế giới.

Với con số hơn 22% số doanh nghiệp FDI đang sử dụng công nghệ tương đối hiện đại và 42% số doanh nghiệp FDI đang sử dụng công nghệ và máy móc nhập khẩu từ trước năm 2010, thậm chí là trước năm 2000, cho thấy đã xuất hiện những bất cập trong chiến lược thu hút đầu tư nước ngoài của Việt Nam trong thời gian qua. Các doanh nghiệp FDI ở Việt Nam với chiến lược sản xuất ở công đoạn giá trị gia tăng thấp “tận dụng lao động giá rẻ”, chưa chú trọng công nghệ mới, thậm chí còn sử dụng công nghệ sản xuất lạc hậu và chưa thực hiện chuyển giao công nghệ đáng kể cho các doanh nghiệp nội địa. Kết quả này cũng phù hợp với nghiên cứu năm 2013 của Viện Quản lý kinh tế Trung ương và WIDER cho rằng “khu vực tư nhân của Việt Nam đã bỏ lỡ cơ hội thu được lợi ích từ việc lan tỏa công nghệ mà FDI có thể cung cấp” và “chuyển giao công nghệ thông qua chuyển dịch lao động chủ yếu giữa khu vực trong nước với nhau, chứ không từ các doanh nghiệp nước ngoài”.

Đổi mới công nghệ và yêu cầu đặt ra đối với chất lượng nguồn nhân lực

Mặc dù còn chậm, song những thay đổi và ứng dụng công nghệ mới trong các doanh nghiệp đã và đang kéo theo những yêu cầu mới cao hơn về các kỹ năng cụ thể như: Kỹ năng kỹ thuật (vocational or technical skills), bao gồm những kiến thức và kỹ năng chuyên biệt nhằm thực hiện công việc cụ thể;  Kỹ năng làm việc cốt lõi (core work skills): kỹ năng sử dụng máy tính, internet, khả năng ngoại ngữ, khả năng tư duy sáng tạo và tính chủ động trong công việc, kỹ năng làm việc nhóm, kỹ năng an toàn và tuân thủ kỷ luật lao động, kỹ năng giải quyết vấn đề, kỹ năng quản lý thời gian, kỹ năng tập trung, ...

Kết quả khảo sát nêu trên của Viện Khoa học Lao động và Xã hội cũng cho thấy hai phần ba số doanh nghiệp được khảo sát (30 doanh nghiệp) cho rằng phần lớn lao động của họ đang thiếu hụt các kỹ năng lao động liên quan đến chuyên môn kỹ thuật và cả các kỹ năng làm việc cốt lõi khác. Đáng lưu ý, các doanh nghiệp  ứng dụng công nghệ càng hiện đại thì mức độ thiếu hụt kỹ năng cốt lõi càng lớn.

 

 

Nguyên nhân chính được chỉ ra ở đây là khi chuyển giao và ứng dụng công nghệ mới các doanh nghiệp này đã có sự chuẩn bị lực lượng lao động có chuyên môn kỹ thuật phù hợp để tiếp nhận công nghệ mới, nhưng đối với các kỹ năng làm việc cốt lõi (kỹ năng mềm, kỹ năng xã hội) thì lao động Việt Nam vẫn còn yếu và thiếu, các kỹ năng này không thể đào tạo ngày một ngày hai, mà nó được hình thành trong quá trình học tập và rèn luyện từ khi người lao động còn trên ghế nhà trường đến khi đi làm.

Việc chuyển giao và ứng dụng công nghệ mới trong nền kinh tế Việt Nam thông qua quá trình tái cấu trúc nền kinh tế, chuyển dịch nhanh cơ cấu kinh tế theo hướng công nghiệp hiện đại sẽ tạo điều kiện cho các doanh nghiệp tư nhân tiếp cận về vốn và công nghệ tiên tiến, góp phần điều chỉnh phát triển chiến lược thu hút đầu tư nước ngoài phục vụ cho quá trình công nghiệp hóa, hiện đại hóa... Thời gian tới cần có những chính sách giúp các doanh nghiệp tiếp nhận quá trình chuyển giao công nghệ mới từ các nước phát triển để rút ngắn khoảng cách công nghệ. Để đáp ứng yêu cầu đổi mới công nghệ của doanh nghiệp, cần phát triển một hệ thống giáo dục, đào tạo năng động và linh hoạt kịp thời  khắc phục những thiếu hụt về kỹ năng, điều chỉnh thích nghi nhanh chóng với nhu cầu về kỹ năng lao động cao hơn do tiến bộ của khoa học và công nghệ. Đồng thời phát triển hệ thống thông tin thị trường lao động, trong đó, tăng cường công tác dự báo nhu cầu việc làm mới, yêu cầu về các kỹ năng tương ứng do thay đổi công nghệ trong trong trung hạn, dài hạn làm định hướng cho hướng nghiệp và đào tạo. Tăng cường kết nối cung - cầu về lao động kỹ thuật cao, đặc biệt là hỗ trợ các doanh nghiệp tiếp cận hiệu quả đến các trung tâm dịch vụ việc làm và các cơ sở đào tạo trong quá trình chuẩn bị nguồn nhân lực và tuyển dụng lao động kỹ thuật đáp ứng yêu cầu của chuyển giao và ứng dụng công nghệ mới. Khuyến khích công tác nghiên cứu và phát triển trong các doanh nghiệp và các cơ sở đào tạo, cũng như thường xuyên nghiên cứu, đánh giá kịp thời các tác động của ứng dụng công nghệ mới đến việc làm và kỹ năng lao động...

Để nâng cao chất lượng nguồn nhân lực, thời gian qua Bộ LĐ-TB&XH đã đề ra 10 giải pháp cơ bản, trong đó tập trung vào các giải pháp đột phá, gồm: Xây dựng, xác định rõ và công khai các chuẩn đầu ra của từng bậc trình độ đào tạo và ngành, nghề đào tạo trên cơ sở Khung trình độ quốc gia Việt Nam; xây dựng hệ thống tiêu chuẩn kỹ năng nghề nghiệp trong hệ thống giáo dục nghề nghiệp; tăng cường tự chủ đối với các cơ sở giáo dục nghề nghiệp, đẩy mạnh xã hội hóa các hoạt động giáo dục nghề nghiệp; tăng cường sự tham gia của doanh nghiệp trong tất cả các khâu của giáo dục nghề nghiệp; tăng cường đào tạo ngoại ngữ và các kỹ năng mềm như tác phong công nghiệp, khả năng làm việc theo tổ, nhóm, kỹ năng khởi nghiệp; tiếp tục đổi mới phương pháp dạy và học theo hướng phát huy tính tích cực, chủ động, vận dụng kiến thức, kỹ năng của người học, lấy người học làm trung tâm của quá trình đào tạo. Với các giải pháp trên, công tác giáo dục nghề nghiệp sẽ phát triển mạnh, đáp ứng nhu nguồn nhân lực chất lượng cao trong thời đại số.

ĐÀO HỒNG LAN - Thứ trưởng Bộ LĐ-TB&XH

CÙNG CHUYÊN MỤC
Xem theo ngày
Tin nên đọc
Báo dân sinh
Báo dân sinh
Báo dân sinh