THỨ SÁU, NGÀY 20 THÁNG 09 NĂM 2024 04:14

Phát triển làng nghề theo hướng bền vững

 

 Thu hút 14 triệu lao động

Hiện nay, với hơn 2.000 làng nghề hoạt động ở 6 lĩnh vực chính: Chế biến lương thực, thực phẩm, chăn nuôi và giết mổ; dệt nhuộm, ươm tơ và thuộc da; sản xuất vật liệu xây dựng và khai thác đá; tái chế phế liệu; thủ công mỹ nghệ và các nhóm ngành nghề khác… đã thu hút khoảng 14 triệu lao động tham gia, kim ngạch xuất khẩu từ làng nghề hàng năm đạt khoảng 1,5 tỷ USD.

Sản phẩm tiểu thủ công nghiệp tại các làng nghề Việt Nam đã có mặt tại 163 quốc gia và vùng lãnh thổ. Tuy nhiên, bên cạnh những lợi ích mang lại, các làng nghề hiện đang phải đối diện với rất nhiều nguy cơ cả về phương diện an toàn lao động (ATLĐ) và ô nhiễm môi trường.

Theo ông Hà Tất Thắng, Cục trưởng Cục An toàn lao động, nguyên nhân dẫn tới những tồn tại trên là do: Mô hình chủ yếu ở các làng nghề là hộ gia đình, Cty TNHH và doanh nghiệp tư nhân, hoạt động với quy mô sản xuất nhỏ, lẻ, công nghệ lạc hậu, đơn giản, vốn đầu tư thấp, vì thế việc cải tiến công nghệ và áp dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật rất hạn chế. Hầu hết các cơ sở sản xuất đều không có hệ thống thông gió, hút bụi, xử lý hơi khí độc trong nhà xưởng, ngay cả các cơ sở sản xuất sử dụng nhiều hóa chất, nhiều chất dễ cháy, dễ nổ (a xít, xút, cao su, xà phòng, đồ nhựa…). Việc tổ chức sản xuất – tổ chức lao động không hợp lý, lao động thủ công chiếm tới 70 – 80 % và có tới gần 80% các khâu trong dây chuyền công nghệ người lao động phải làm việc trong điều kiện nặng nhọc, vất vả; không có hoặc thiếu bộ phận làm công tác ATVSLĐ.

Phát triển làng nghề theo hướng bền vữngNgười lao động ở các làng nghề đã  có nhiều chuyển biến trong việc thực hiện ATVSLĐ.

Nhiều cơ sở sản xuất không trang bị, hoặc trang bị không đầy đủ các phương tiện bảo vệ cá nhân cho NLĐ; việc tổ chức huấn luyện ATVSLĐ cho NLĐ sơ sài, hình thức, thậm chí nhiều nơi không tổ chức huấn luyện; không có sổ sách theo dõi, thống kê đầy đủ tình hình tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp, thực hiện không nghiêm túc chế độ khai báo khi xảy ra tai nạn…

Bên cạnh đó, công tác quản lý ATVSLĐ của các cấp đối với khu vực làng nghề gần như bị bỏ ngỏ, rất ít các cuộc thanh, kiểm tra việc tuân thủ luật pháp về lĩnh vực ATVSLĐ, kiểm tra việc sử dụng các thiết bị có yêu cầu nghiêm ngặt về an toàn tại các hộ gia đình/doanh nghiệp

Hoàn thiện mô hình làng nghề trong khu dân cư

Đánh giá kết quả triển khai áp dụng thí điểm mô hình tại các làng nghề, ông Nguyễn Văn Dư, Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu Môi trường và Điều kiện lao động (Viện KH LĐ&XH) cho biết, sau hơn 4 năm triển khai, mô hình quản lý ATVSLĐ cho các làng nghề trong khu dân cư ngày càng được hoàn thiện với chủ trương: khoa học, đơn giản và hiệu quả.

Do đề cao tính linh hoạt trong tổ chức bộ máy quản lý để phù hợp với đặc thù từng nơi nên mô hình nhận được rất nhiều sự quan tâm, ủng hộ của các cấp chính quyền địa phương, các cơ sở sản xuất làng nghề và cộng đồng dân cư.

Để mô hình phát huy hiệu quả một cách bền vững, theo ông Nguyễn Văn Dư, cơ quan quản lý cấp trung ương và tỉnh/thành cần đánh giá tổng kết quá trình nhân rộng, làm căn cứ xây dựng các văn bản pháp quy về ATVSLĐ và bảo vệ môi trường trong khu vực làng nghề; tiếp tục triển khai nhân rộng mô hình tại các làng nghề (tập trung vào các làng nghề có nguy cơ cao tai nạn lao động) trên toàn quốc; tiến hành các chương trình tập huấn, phổ biến kiến thức về ATVSLĐ, môi trường, quy chế xử phạt trong việc gây ô nhiễm môi trường cho các chủ cơ sở sản xuất, dân cư trong khu vực làng nghề.

Cùng với đó là việc tăng cường công tác thanh, kiểm tra vấn đề thực thi luật pháp ATVSLĐ và môi trường trong khu vực làng nghề; nghiên cứu đánh giá thực trạng, nguyên nhân mất ATVSLĐ và ô nhiễm môi trường tại các làng nghề có nguy cơ cao; xây dựng các mô hình làng nghề điểm đảm bảo ATVSLĐ và đảm bảo môi trường; Đẩy mạnh công tác tuyên truyền phổ biến kinh nghiệm điển hình tiên tiến các làng nghề.

Ở cấp địa phương, cần rà soát lại chức năng nhiệm vụ của từng thành viên của ban chỉ đạo và xây dựng kế hoạch hoạt động của ban này; duy trì bền vững hoạt động của chuyên mục phát thanh ATVSLĐ xã/thị trấn với tần suất phát thanh 2 buổi/ tuần, thời gian phát 15 phút/ buổi; thúc đẩy và đa dạng hóa các hình thức tuyên truyền, vận động thực hiện tốt công tác ATVSLĐ với sự tham gia của Ủy ban Mặt trận Tổ quốc, Đoàn thanh niên, Hội phụ nữ..;

tạo điều kiện cho cán bộ, thành viên ban chỉ đạo tham gia các khóa tập huấn, huấn luyện nâng cao kiến thức và trình độ; tổ chức hoặc phối hợp tổ chức các lớp huấn luyện cho người sử dụng lao động và NLĐ; lên phương án, cơ chế huy động các nguồn lực, xã hội hóa công tác ATVSLĐ, Chương trình Quốc gia về ATVSLĐ, Chương trình Bảo vệ môi trường, thu phí quản lý ATVSLĐ và môi trường, …

Đối với các doanh nghiệp, cơ sở sản xuất, ông Dư nhấn mạnh: Cần cam kết thực thi đúng luật pháp lao động và quy chế văn hóa làng nghề, đảm bảo an toàn – xanh – sạch – đẹp; cần áp dụng các biện pháp cải thiện điều kiện lao động như nâng cao nhà xưởng, lắp đặt hệ thống kỹ thuật vệ sinh đặc biệt là hệ thống xử lý nước thải, các phương tiện phòng chống cháy nổ, trang cấp đầy đủ các phương tiện bảo vệ công nhân, bố trí sản xuất hợp lý…

Các doanh nghiệp, cơ sở cần tăng cường phổ biến tuyên truyền luật lao động và bảo vệ môi trường, coi đây là một chương trình đào tạo bắt buộc với NLĐ; thiết lập bộ máy ATVSLĐ đồng bộ và phù hợp với quy mô (tổ, đội, mạng lưới ATVSLĐ, …)  và hoạt động có hiệu quả, lập kế hoạch theo dõi những nhóm yếu tố mất ATVSLĐ để có biện pháp cải thiện tốt, đạt hiệu quả cao nhất và có hình thức khuyến khích, khen thưởng đối với NLĐ thực hiện tốt công tác ATVSLĐ và kỷ luật hành vi gây mất an toàn.

Kết quả thực hiện mô hình tại các làng nghề

Kết quả điển hình là thành lập được bộ máy quản lý ATVSLĐ và xây dựng cơ chế hoạt động cho các làng nghề; xây dựng và ban hành quy chế quản lý ATVSLĐ và môi trường khu vực làng nghề, quy định chức năng, nhiệm vụ của từng vị trí trong mô hình; xây dựng và đưa vào hoạt động chuyên mục phát thanh về ATVSLĐ và môi trường, nhằm kịp thời cung cấp thông tin, kiến thức cho người sử dụng lao động,

NLĐ và cộng đồng dân cư làng nghề. Ban chỉ đạo quản lý ATVSLĐ làng nghề đã nghiêm túc triển khai hoạt động theo các điều khoản nêu trong Quy chế quản lý ATVSLĐ và môi trường; tăng cường công tác tuyên truyền, kiểm tra, đôn đốc, yêu cầu các cơ sở sản xuất xây dựng nội quy an toàn và thực hiện các giải pháp đảm bảo an toàn và vệ sinh nơi làm việc; thống kê, báo cáo, công tác ATVSLĐ…

Thiều Văn Lý

Báo dân sinh
Báo dân sinh
Báo dân sinh