CHỦ NHẬT, NGÀY 10 THÁNG 11 NĂM 2024 06:39

Phát triển kỹ năng nghề cho lao động là thanh niên bỏ học

 

 

TS. Đào Quang Vinh, Viện trưởng Viện Khoa học Lao động và Xã hội phát biểu khai mạc

Phát biểu khai mạc hội thảo, TS. Đào Quang Vinh, Viện trưởng Viện Khoa học Lao động và Xã hội cho biết: Thanh niên là một bộ phận không nhỏ và có vai trò quan trọng trong nền kinh tế Việt Nam. Năm 2017, cả nước có gần 13,4 triệu thanh niên trong độ tuổi 15 - 24 (theo định nghĩa của Liên Hợp quốc), chiếm gần 19% dân số từ 15 tuổi trở lên và 20 triệu người trong độ tuổi 16 - 30 (theo định nghĩa của Luật Thanh niên Việt Nam), chiếm khoảng 28% dân số từ 15 tuổi trở lên. Mặc dù tăng trưởng GDP khá ổn định nhưng thanh niên Việt Nam khó có cơ hội để tìm được việc làm và việc làm có chất lượng. Một trong những nguyên nhân là phần lớn thanh niên chưa đáp ứng được tiêu chuẩn trình độ và kỹ năng của thị trường.

Năm 2017, có tới 11,93 triệu thanh niên từ 15 - 24 tuổi (chiếm 89,31% tổng số người trong nhóm tuổi) và 16,14 triệu người từ 16 - 30 tuổi (chiếm 80,05%) có kỹ năng thấp (có trình độ sơ cấp nghề trở xuống). Tỷ lệ này trầm trọng hơn ở vùng Đồng bằng Sông Cửu Long, Tây Nguyên và Trung du miền núi phía Bắc. Trong nhóm từ 15 - 24 tuổi có kỹ năng thấp, có gần 6 triệu người đang làm việc (50,53%), 371 nghìn người đang thất nghiệp (3,11%) và 4,8 triệu người đang đi học (40,58%). Trong nhóm từ 16-30 tuổi có kỹ năng thấp có gần 11 triệu người đang làm việc (67,96%), 469 nghìn người đang thất nghiệp (2,91%) và 3,7 triệu người đang đi học (23,1%). Điều này có nghĩa là trên một nửa số thanh niên kỹ năng thấp hiện nay đã ngừng học, không có cơ hội cải thiện kỹ năng; một số lượng lớn thanh thiếu niên không đi học ở trong thị trường lao động đặt ra một thách thức lớn về phát triển cho Việt Nam.

 

TS. Axel Neubert, Tổ chức Hanns Seidel Foundation chia sẻ các kinh nghiệm tại Đức

Nước ta được đánh giá là quốc gia có tỷ lệ người lớn biết chữ cao (trên 95%) nhưng tỷ lệ thanh niên chưa có kỹ năng và kỹ năng thấp có trình độ học vấn dưới trung học cơ sở còn rất lớn (chiếm khoảng 29%) do tỷ lệ bỏ học của thanh niên vẫn còn cao. Mặc dù Việt Nam đã có khá nhiều chính sách hỗ trợ các đối tượng yếu thế tham gia đào tạo nghề, nhưng vẫn còn tình trạng thanh niên phải bỏ học, thiếu kỹ năng và không tìm được việc làm hoặc có việc làm chất lượng thấp. Trong khi đó, các doanh nghiệp, đặc biệt là doanh nghiệp nhỏ và vừa vẫn gặp khó khăn trong tuyển dụng lao động. Vì vậy, việc nghiên cứu để tìm giải pháp giải quyết vấn đề kỹ năng cho thanh niên bỏ học, có kỹ năng thấp là cần thiết không chỉ giải quyết thách thức việc làm cho thanh niên mà còn nâng cao năng suất, sức cạnh tranh của khu vực tư nhân ở Việt Nam.

Quang cảnh hội thảo

Tại hội thảo, các diễn giả, chuyên gia nghiên cứu đã trao đổi, chia sẻ các giải pháp về phát triển kỹ năng nghề nhằm giải quyết thách thức việc làm cho thanh niên bỏ học, kỹ năng thấp; kinh nghiệm đào tạo nghề cho lao động kỹ năng thấp ở CHLB Đức; thực trạng đào tạo nghề tại tỉnh An Giang; những nhận xét, đánh giá và góp ý cho một số giải pháp phát triển kỹ năng nghề cho lao động là thanh niên ngừng học tại Hà Nội và An Giang.

PHƯƠNG MINH

CÙNG CHUYÊN MỤC
Xem theo ngày
Tin nên đọc
Báo dân sinh
Báo dân sinh
Báo dân sinh