Phát huy sức mạnh mềm của văn hóa
- Văn hóa - Giải trí
- 07:10 - 27/11/2021
2 năm sau, giữa lúc cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp diễn ra ác liệt, Hội nghị Văn hóa toàn quốc lần thứ 2 đã diễn ra tại chiến khu Việt Bắc, thể hiện sự phát triển đường lối văn hóa - văn nghệ của Đảng được khởi xướng từ Đề cương về văn hóa Việt Nam năm 1943, với 3 nguyên tắc có tính nền tảng cho toàn bộ sự phát triển của nền văn hóa Việt Nam mới, đó là: Dân tộc, khoa học và đại chúng.
Qua 2 cuộc kháng chiến chống ngoại xâm và trong công cuộc xây dựng chế độ xã hội mới, nhiều thành tựu to lớn của nền văn hóa đã được ghi nhận. Đặc biệt, đường lối đổi mới của Đảng được chính thức công bố tại Đại hội VI (1986) đã thổi một luồng sinh khí mới vào đời sống dân tộc và khơi dậy nguồn cảm hứng sáng tạo cho đội ngũ văn nghệ sĩ, trí thức.
Trên con đường đổi mới và hội nhập quốc tế ngày càng sâu rộng, nền văn hóa - văn nghệ vừa có thêm những cơ hội mới nhưng cũng phải đương đầu với nhiều thách thức mới. Trong bối cảnh đó, ngày 24/11/2021, Hội nghị Văn hóa toàn quốc triển khai thực hiện nghị quyết Đại hội XIII của Đảng đã được tổ chức tại Thủ đô Hà Nội. Hội nghị nhằm đánh giá việc triển khai đường lối, chủ trương, các nghị quyết, chỉ thị, kết luận của Đảng về công tác văn hóa, văn nghệ thời gian qua; kết quả xây dựng văn hóa, con người Việt Nam sau 35 năm thực hiện công cuộc đổi mới đất nước và đề ra phương hướng, nhiệm vụ trọng tâm công tác văn hóa, văn nghệ trong giai đoạn 2021 - 2026, tầm nhìn đến năm 2045.
Ngày nay, khai thác, phát huy mạnh mẽ sức mạnh mềm văn hóa đang là xu hướng phát triển, là con đường, lựa chọn của nhiều quốc gia, trong đó có Việt Nam.
Việt Nam có nhiều lợi thế để phát huy mạnh mẽ nguồn vốn văn hóa dân tộc với trữ lượng nguồn tài nguyên văn hóa dồi dào. Bên cạnh nhiều di sản văn hóa độc đáo được UNESCO vinh danh, suốt dọc dài đất nước còn có nhiều thắng cảnh đẹp thuộc nhiều loại hình thiên nhiên đồi núi, trung du, đồng bằng, biển đảo, cùng với đó là những nét đặc sắc trong phong tục tập quán của 54 dân tộc anh em. Đây là nguồn tài nguyên văn hóa vô giá để Việt Nam phát triển du lịch, dịch vụ, tạo ra những giá trị kinh tế, gia tăng nguồn thu ngân sách, giải quyết công ăn việc làm cho nhiều lao động. Bên cạnh đó, với cơ cấu dân số đang ở giai đoạn “dân số vàng” với sức nghĩ, sức sáng tạo lớn của thế hệ trẻ về mọi lĩnh vực, trong đó có những sáng tạo về văn hóa, nghệ thuật, cộng với sự hỗ trợ của khoa học kỹ thuật, kinh nghiệm phát triển công nghiệp văn hóa của các nước tiên tiến, hứa hẹn tạo ra thị trường văn hóa sôi động, lành mạnh với những sản phẩm văn hóa có giá trị, đáp ứng được nhu cầu tiêu dùng văn hóa mọi tầng lớp nhân dân.
Mong rằng, qua Hội nghị này, các cấp, ngành cần nghiên cứu, xây dựng, hình thành thị trường văn hóa đồng bộ, hiện đại, đầy đủ theo hướng lành mạnh, nhân văn, vì sự phát triển của con người và nền văn hóa dân tộc.