Phát hiện loạt sai phạm tại dự án 7.000 tỷ đang “đắp chiếu”
- Pháp luật
- 20:11 - 21/10/2016
Thanh tra Chính phủ vừa có kết luận thanh tra về việc đầu tư xây dựng dự án Nhà máy sản xuất xơ sợi polyeste Đình Vũ do Công ty Cổ phần Hoá dầu và Xơ sợi Dầu khí (PVTex) làm chủ đầu tư. Dự án được thực hiện tại Khu công nghiệp Đình Vũ, quận Hải An, thành phố Hải Phòng.
Kiến nghị Bộ Công an vào cuộc
Kết luận Thanh tra Chính phủ đã chỉ ra hàng loạt sai phạm của Tập đoàn Dệt may Việt Nam (Vinatex), Tập đoàn Dầu khí Việt Nam (Petro Vietnam) và Bộ Công Thương giai đoạn 2007 đến nay.
Theo đó, Thanh tra Chính phủ đã kiến nghị Thủ tướng xử lý về kinh tế 54 tỷ đồng và hơn 22.000 USD do nghiệm thu thanh toán sai, trùng lắp, đồng thời yêu cầu PVTex xử lý dứt điểm các tranh chấp do thay đổi nguồn gốc xuất xứ thiết bị, vật tư.
“Xử lý trách nhiệm hành chính đối với các tổ chức, cá nhân tại Bộ Công Thương, Petro Vietnam và Vinatex vì đã thiếu trách nhiệm trong vai trò quản lý Nhà nước, trong việc góp vốn, nhận góp vốn, chuyển nhượng không đúng quy định pháp luật”, báo cáo nêu.
Đặc biệt, tại báo cáo Thanh tra Chính phủ kiến nghị Bộ Công an tiếp nhận hồ sơ để điều tra, xử lý do phát hiện có dấu hiệu cố ý làm trái và thiếu trách nhiệm trong việc phê duyệt dự án, lựa chọn nhà thầu, ký kết hợp đồng với nhà thầu gây thất thoát, lãng phí vốn đầu tư.
Theo kết luận của Thanh tra Chính phủ, ngày 15/7/2007, Petro Vietnam ký thỏa thuận hợp tác Vinatex đầu tư xây dựng nhà máy xơ sợi polyeste và thực hiện thủ tục pháp lý cho việc thành lập PVTex, đồng thời triển khai lựa chọn tư vấn nghiên cứu dự án khả thi.
Ngày 10/10/2007, Vinatex uỷ quyền cho Petro Vietnam làm chủ đầu tư dự án, Petro Vietnam ủy quyền cho Vinatex lựa chọn nhà thầu, phê duyệt toàn bộ công việc liên quan đến thực hiện các gói thầu trong giai đoạn lập dự án khả thi.
Dự án 325 triệu USD thua lỗ triền miên
Năm 2008, Hội đồng Quản trị PVTex phê duyệt dự án xơ sợi Đình Vũ với tổng mức đầu tư gần 325 triệu USD (5.437 tỷ đồng tính theo tỷ giá đương thời). Trong đó, chủ đầu tư chỉ có 30% vốn còn lại toàn bộ đều đi vay.
Dự án ra đời trong bối cảnh Việt Nam đang phát triển mạnh về dệt may và nguyên liệu nhập khẩu chủ yếu từ Trung Quốc. Khi đó, với tham vọng tự chủ nguồn nguyên liệu xơ sợi, dự án được thành lập với mục tiêu tận dụng dùng nguyên liệu từ Nhà máy lọc dầu Dung Quất để chế biến thành xơ sợi.
Công trình khi đó còn có các cổ đông sáng lập là Tập đoàn Dệt may Việt Nam và Tổng công ty Phong Phú, song 2 đơn vị này đã sớm rút lui.
Qua 3 lần tăng vốn điều lệ và thoái vốn của một số cổ đông, đến cuối năm 2014, vốn điều lệ của PVTex là 1.996 tỷ đồng. PetroVietnam đã bỏ tiền ra mua lại cổ phần cổ phần từ các cổ đông khác để tăng tỷ lệ góp vốn.
Toàn bộ 100% vốn góp tại PVTex là của Petro Vietnam và các đơn vị thành viên, gồm: Tổng công ty Cổ phần Tài chính dầu khí, Tổng công ty Phân bón và Hóa chất dầu khí (Đạm Phú Mỹ).
Ngày 29/5/2014, Nhà máy đã chính thức vận hành thương mại với công suất 236 tấn xơ sợi một ngày, đạt 48% công suất thiết kế. Kết quả sản xuất của dự án xơ sợi Đình Vũ từ khi chạy thử cho đến chính thức đều liên tục lỗ.
Sau 2 năm đi vào hoạt động sản xuất kinh doanh, kết quả thu lỗ hơn 1.472 tỷ đồng. Do lỗ nặng nên nhà máy chạy phập phù và nhiều lần phải đắp chiếu, đến cuối năm 2015 thì dừng hẳn.
Tổng mức đầu tư cho dự án từ dự kiến ban đầu khi triển khai trên thực tế đã phải điều chỉnh từ 325 triệu USD lên thành hơn 359 triệu USD.
Qua rà soát, cập nhật các định mức vật tư, tiêu hao, nhân công, lãi vay theo thực tế cũng như cập nhật giá nguyên liệu và sản phẩm cho thấy thời gian thu hồi vốn của dự án đã nhảy lên 22 năm 10 tháng, cao hơn tuổi thọ trung bình 1 dự án là 22 năm. Do đó dự án này được đánh giá là không có hiệu quả kinh tế.
Theo Thanh tra Chính phủ, việc dự án nguyên nhân khiến dự án thua lỗ, không có hiệu quả có những nguyên nhân khách quan là thị trường tiêu thụ khó khăn, biến động giá nhiên liệu, lãi suất ngân hàng cao…
"Petro Vietnam và Vinatex là đại diện sở hữu vốn tại PVTex chưa kịp thời xử lý thay đổi phát sinh, còn nhiều thiếu sót và vi phạm trong chỉ đạo, kiểm tra, đôn đốc, giám sát, dẫn đến chi phí tăng cao.
Cụ thể, chi phí đào tạo lên tới 2,2 triệu USD, chi phí lãi vay 5 triệu USD, lỗ do chạy thử sản phẩm không đạt 35 triệu USD”, Thanh tra Chính phủ cho hay.
Dự án này có suất đầu tư lớn, tiến độ thi công công trình chậm, lực lượng cán bộ, công nhân lớn (thực tế tại thời điểm 30/6/2015 là 1.025 người trong khi yêu cầu của dự án là 830 người) đã làm tăng chi phí đầu vào, giá thành sản phẩm tăng cao.
Trong khi đó, trình độ kỹ thuật và kinh nghiệm vận hành nhà máy còn nhiều hạn chế, chất lượng sản phẩm chưa đạt yêu cầu, sản phẩm sản xuất ra khó tiêu thụ.
Theo báo cáo, Petro Vietnam đang phải gánh chịu toàn bộ khoản công nợ đã vay để thực hiện dự án cũng như khoản lỗ gần 1.500 tỷ đồng của nhà máy.
Thanh tra Chính phủ chỉ rõ, năm 2013, Thủ tướng Chính phủ đã yêu cầu Petro Vietnam phải thoái vốn khỏi PVTex từ 56% xuống 36%. Tuy nhiên, cuối cùng Petro Vietnam lại nâng tỷ lệ sở hữu lên 75%.
Thanh tra Chính phủ phát hiện trong quá trình triển khai thực hiện dự án, PVTex đã không tổ chức thẩm định, tính toán kỹ, tăng tổng mức đầu tư không đúng với chi phí, tính sai chi phí… Trong quá trình ký kết và thực hiện hợp đồng mua thiết bị, chủ đầu tư và nhà thầu không tuân thủ quy định của hợp đồng, thay đổi nguồn gốc xuất xứ nhiều thiết bị.
Nhiều thiết bị khác sau khi nhập về sử dụng đã bị trục trặc, hỏng hóc cũng là nguyên nhân dẫn đến việc nhà máy thử nghiệm kéo dài, sản phẩm không đạt chất lượng chiếm tỷ lệ cao.
Mới đây, PetroVietnam cho biết đang trình cơ quan có thẩm quyền kế hoạch bán vốn trong giai đoạn 2016 -2020. Theo đó, Petro Vietnam sẽ duy trì tỷ lệ sở hữu 74% để thực hiện các giải pháp nâng cao hiệu quả hoạt động. Thậm chí cho phép giảm sở hữu nhà nước xuống 36% hoặc bán toàn bộ nếu tìm được các đối tác.
CÙNG CHUYÊN MỤC
Cảnh báo bệnh tay chân miệng bùng phát mùa hè: cha mẹ cần biết gì?
Tay chân miệng – cơn ác mộng mùa hè của bé yêu nhà bạn? Đừng chủ quan! Bệnh có thể biến chứng nguy hiểm chỉ trong tích tắc. Cùng tìm hiểu chi tiết về nguyên nhân, triệu chứng và cách...
5 tháng trước
Tin nên đọc