THỨ SÁU, NGÀY 22 THÁNG 11 NĂM 2024 02:40

Phan Vũ: Ngưởi nghệ sĩ đa tài, lãng tử

 

Năm 1984, nhờ có sự quen biết với nhà thơ Việt Phương (tác giả của tập thơ Cửa mở), tôi có cơ duyên gặp ông tại nhà riêng khi ấy ở đường Phan Đăng Lưu, Phú Nhuận. Hai ông là bạn văn chương, nên gặp nhau chủ yếu đàm đạo chuyện văn chương thơ phú. Đối với hai ông, tôi thuộc bậc con cháu, được ngồi nghe đã là một diễm phúc.

Hôm đó, lần đầu tiên tôi được nghe ông đọc “Em ơi – Hà Nội phố”. Giọng ông trầm buồn đầy cảm xúc hoài niệm về Hà Nội, mà ở đó với ông “mỗi góc phố một trang tình sử”. Khi bổng, lúc trầm cứ thế ông đọc hết 25 khổ thơ mà mỗi khổ thơ là một bức tranh với những gam màu, cung bậc cảm xúc khác nhau về Hà Nội.

“Em ơi -Hà Nội phố/ Ta còn em mùi hoàng lan/Còn em hoa sữa/…Ta còn em một gốc cây/Một cột đèn/Ai đó chờ ai?... Ta còn em những cuộc tình/Như một bài thơ/ Những nỗi đau gặm mòn phận số”…Ta còn em đường lượn mái cong/Ngôi chùa cổ/Năm tháng buồn xô lệch ngói âm dương/…Điệp từ “Ta còn em” được lặp lại suốt trong 25 khổ thơ như được đẩy lên tới cao trào của xúc cảm hoài niệm yêu thương và đau thương trước một Hà Nội đang bị những trận bom B52 tàn phá mang tính hủy diệt. “Ta còn em cây dương cầm/ Trong khu nhà đổ/ Beethovel và Sonate Ánh Trăng/ Nốt nhạc thiên tài bay lả tả/ Một kiếp người/ Một phím đàn long”. Nỗi đau tột cùng của ông là không còn nhận ra chính ngôi nhà mình nữa, ông trở thành “Người nghệ sĩ lang thang hoài trên phố/ Bỗng thấy mình không nhớ nổi con đường/”

Nhà thơ Phan Vũ đọc "Em ơi, Hà Nội phố" trong một đêm thơ dành cho riêng ông ở thư viện Quốc gia Hà Nội tháng 9/2014.

 

Đó là những câu thơ có sức ám ảnh không nguôi trong lòng người đọc. “Em ơi - Hà Nội phố” là tiếng kêu thương tha thiết là những hoài niệm khôn nguôi của ông trước những đổ nát của Hà Nội trong tháng Chạp năm 1972. Nhưng hồi đó, nghe ông đọc tôi chưa thể cảm nhận được hết những gì ông trăn trở, xót xa và viết ra trong “Em ơi - Hà Nội Phố”. Sau này đã trở thành thân quen, mỗi khi có dịp gặp ông lai rai ở Văn Nghệ quán 81 Trần Quốc Thảo, qua trò chuyện tôi mới biết ông là người rất cẩn trọng. Ông cẩn trọng là bởi ông từng trải nghiệm và cảm nhận được những điều hệ lụy từ những người bạn văn chương một thời bị coi là “có vấn đề” như: Phùng Quán, Lê Đạt, Trần Dần…

Ông bảo “Làm văn chương phải dấn thân để trải nghiệm và càng trải nghiệm thì càng có những trang viết đời hơn, sâu sắc hơn, nhân văn hơn. Nhưng khổ nỗi, không phải cái gì là tâm huyết của mình cũng được cho là “chính thống”. Cái gì chưa phải hoặc không phải “chính thống” thì phải chờ thời điểm thích hợp mới cho công bố được. “Em ơi- Hà Nội phố” phải nằm trong ngăn kéo hơn 10 năm là vì thế…”.

 Phan Vũ đến.với hội họa ở tuổi quá "cổ lai hy", nhưng sức sáng tạo của ông thật sung mãn với hơn 10 cuộc triển lãm tranh trong và ngoài nước.

 

 “Em ơi - Hà Nội phố” đã được nhạc sĩ Phú Quang chắp cho đôi cánh kỳ điệu bằng âm nhạc, để bay cao bay xa trên bầu trời văn học, nghệ thuật từ năm 1985 đến nay và chắc chắn sẽ còn mãi với thời gian. Chưa tính đến hàng trăm bài thơ khác, chỉ riêng với “Em ơi - Hà Nội phố” thôi đã đủ đưa tên tuổi ông vào vị trí xứng đáng trong thơ đương đại Việt Nam. 

Sinh năm 1926 tại Hải Phòng, năm nay ông đã 90 tuổi nhưng vẫn tràn đầy cảm xúc trong sáng tạo thi ca và hội họa. Ông bảo đây là hai lĩnh vực mà ông đang dồn hết tâm huyết và quỹ thời gian còn lại của đời mình để sáng tạo. Ông nói: “Tôi là người thích thể nghiệm, nên hay nhảy từ lĩnh vực này sang lĩnh vực khác. Đó cũng là cách để tự làm mới mình. Qủa là rất khó có thể gọi một cách rạch ròi rằng ông là nhà thơ, hay nhà viết kịch, đạo diễn hay họa sĩ, bởi ở lĩnh vực nào ông cũng hoạt động chuyên nghiệp và có những đóng góp đáng kể.

Nhà thơ, họa sĩ Phan Vũ (trái) với NSƯT, đạo diễn Trần Mỹ Hà (phải) tại phòng triển lãm tranh của ông trên đường Nguyễn Trọng Tuyển, Tân Bình, Hà Nội

 

Đến với hội họa khi đã ở vào cái tuổi “cổ lai hy”, nhưng sức sáng tạo của ông trong lĩnh vực này tỏ ra rất sung mãn. Tính đến nay ông đã có gần10 cuộc triển lãm tranh trong và ngoài nước, tạo được ấn tượng với người thưởng lãm.

Ông vẽ tranh theo ngẫu hứng, thích gì vẽ nấy, không câu nệ về đề tài, vẽ là để giãi bày, để tâm tình, để dấn thân vào thế giới sắc màu mà khám phá chính mình. Không quá cầu kỳ chau chuốt, nhưng người thưởng lãm vẫn thấy trong tranh sơn dầu của ông toát lên sự dày công trong từng đường nét, hòa sắc, bố cục.

Tranh của ông, theo nhận xét của một số họa sĩ là rất rộn rã sắc màu và ẩn chứa trong đó những hình tượng của thi ca. Những bức tranh như: “Tấu khúc trong chuồng cọp”; “Biển gió”; “Cây bàng”; “Tiếng dương cầm trong căn nhà đổ”; “Âm nhạc”; Cây bàng mồ côi”; “Tháng chạp Hà Nội 1972, là những tác phẩm họa họa đem đến cho người xem cảm xúc hoài niệm thật ấn tượng, lãng mạn. Đặc biệt với hàng loạt bức tranh về “Phố”, “Phố xưa”; “Phố nay”; “Phố trong ký ức” lấy cảm hứng từ bài thơ “Em ơi – Hà Nội phố”, với những cảm xúc đa chiều và sự kết hợp thật sâu đậm giữa thi ca và hội họa của ông.

Lương Định/ Lao động và Xã hội

CÙNG CHUYÊN MỤC
Xem theo ngày
Mất ngủ và thuốc Đông y: Vì sao niềm tin bị lung lay?

Mất ngủ và thuốc Đông y: Vì sao niềm tin bị lung lay?

Trong nhiều thế kỷ, Đông y đã là một phần quan trọng trong y học và văn hóa của nhiều nước châu Á, đặc biệt là Trung Quốc và Việt Nam. Tuy nhiên, trong xã hội hiện đại ngày nay, niềm tin...
5 tháng trước
Tin nên đọc
Báo dân sinh
Báo dân sinh
Báo dân sinh