THỨ SÁU, NGÀY 20 THÁNG 09 NĂM 2024 07:50

PGS Văn Như Cương - Con người của hiệu quả

 

Người thẳng thắn không phải khi nào cũng chịu thiệt

Một trong những tư tưởng cơ bản trong giáo dục là phải trung thực, thẳng thắn. Tuy nhiên, trong một xã hội có nhiều tiêu cực như hiện nay, người ta cho rằng, người trung thực, thẳng thắn luôn luôn phải chịu thiệt thòi. Ông Văn Như Cương không nghĩ như vậy và ông đã chứng minh bằng chính hoạt động của mình.

 

PGS Văn Như Cương qua đời ở tuổi 80.

 

Vào giữa những năm tám mươi của thế kỷ trước, Đại hội công đoàn toàn ngành giáo dục lần thứ VII, thứ VIII gì đấy được triệu tập. Trường Đại học Sư phạm Hà Nội I được phân bổ một đại biểu. Tại đại hội công đoàn của trường, người ta tiến hành bầu đại biểu. Khi thấy trong danh sách bầu chỉ có một người (hiệu trưởng), công đoàn viên Văn Như Cương phát biểu: “Đã gọi là bầu thì phải có sự lựa chọn, chúng ta được bầu một đại biểu mà danh sách bầu cử cũng chỉ có một người, vậy làm sao mà lựa chọn?! Không có sự lựa chọn thì người được bầu cũng mất sướng. Vậy tôi đề nghị bổ sung thêm danh sách bầu cử, ít nhất phải có hai người”.

Ban điều hành đại hội cho là có lý nên đồng ý bổ sung danh sách bầu. Người ta đề cử chính Văn Như Cương và kết quả là Văn Như Cương trúng, hiệu trưởng trật (có thể tưởng tượng được sự không hài lòng của Ban Giám hiệu và cá nhân Hiệu trưởng).

Thế là Văn Như Cương nhận trọng trách đại diện cho Trường Đại học Sư phạm Hà Nội I tham dự Đại hội công đoàn ngành giáo dục toàn quốc. Ông cảm thấy trách nhiệm nặng nề của mình và đăng ký phát biểu. Ngày đó mới bắt đầu đổi mới nên nhiều người hăng hái phát biểu lắm. Văn Như Cương sợ không đến lượt nhưng may mắn thay, ông được phát biểu cuối cùng và thời gian rất ngắn. Lên phát biểu, ông nói: “Tôi bỏ qua những chuyện râu ria mà đi vào vấn đề chính…”. Các đại biểu nghe hơi lạ tai và nhìn lên thì thấy một người đàn ông râu dài đến gần rốn đang nói. Những điều ông nói rất mới mẻ, liên quan đến những vấn đề cốt lõi của giáo dục. Tại diễn đàn này, ông nói ra được những điều ông ấp ủ từ lâu.

Muốn đạt được hiệu quả trong giáo dục, phải có quan điểm, phương pháp rõ ràng

Ông Văn Như Cương cho rằng, vào thời điểm cuối những năm tám mươi của thế kỷ XX, nền giáo dục Việt Nam phải có luồng giáo dục mới để trở nên sinh động hơn: Giáo dục được mở rộng mà ngân sách không phải tăng thêm. Muốn vậy, Đảng và Nhà nước nên cho phép được thành lập các cơ sở giáo dục dân lập.

Đại hội bàn luận rất sôi nổi và ghi nhận đây là ý tưởng đột phá. Sau Đại hội, ông Văn Như Cương bắt tay vào việc thành lập Trường Trung học phổ thông dân lập Lương Thế Vinh. Đây là trường phổ thông dân lập đầu tiên của nước Việt Nam thống nhất (vào thời điểm này trường đại học dân lập đầu tiên là Trường Đại học Thăng Long của nữ Giáo sư Hoàng Xuân Sính cũng được thành lập). Trường Lương Thế Vinh bắt đầu tuyển sinh khóa đầu tiên vào năm 1989.

Tôi là một trong những nhà báo theo dõi sự kiện này rất sát sao, thậm chí còn tham gia vào việc mượn phòng cho việc thi tuyển. Một đứa cháu họ của tôi dự thi vào Trường Lương Thế Vinh và thiếu điểm. Bố mẹ cháu thấy tôi vừa là nhà báo, vừa quen biết ông Văn Như Cương nên nhờ tôi xin hộ. Sau khi nghe tôi trình bày xong, ông Văn Như Cương nói: “Hồ Bất Khuất này, mình thành lập ngôi trường này là để thực hiện những tư tưởng, quan điểm giáo dục của mình chứ không phải để giúp đỡ bạn bè. Cậu thông cảm nhé!”.

 

Thầy Văn Như Cương với các học trò của mình.

 

Bị từ chối nhưng tôi bắt đầu kính nể ông và để tâm theo dõi xem những tư tưởng, quan điểm và phương pháp giáo dục của ông có điều gì mới mẻ, điều gì đặc biệt. Không phải chờ đợi lâu, ông nói ngay quan điểm đầu tiên: “Sở dĩ mình không nhận cháu cậu bởi vì mình cho rằng, muốn đạt được hiệu quả cao trong giáo dục, một trong những điều kiện là trình độ nhận thức, khả năng lĩnh hội của học sinh phải gần ngang nhau. Được như vậy, giáo viên giảng hào hứng; học sinh tiếp thu dễ dàng, chất lượng dạy và học bảo đảm”. Thật ra, để nói rõ về quan điểm giáo dục của ông Văn Như Cương, cần phải viết một vài quyển sách.

Trung thành với quan điểm phải đặt hiệu quả giáo dục lên hàng đầu, tuy là trường dân lập nhưng ngay từ những năm đầu, Trường Lương Thế Vinh chọn lọc học sinh cũng như giáo viên rất kỹ. Hơn nữa, động cơ, mục đích của việc dạy và học cũng được đề ra rất rõ ràng: Học sinh phải nắm vững kiến thức để đạt kết quả tốt trong hai kỳ thi quan trọng là thi tốt nghiệp và thi đại học. Hàng chục năm qua, Trường Lương Thế Vinh  hầu như có 100% học sinh đỗ tốt nghiệp, trên 90% đỗ đại học.

Tuy nhiên, vấn đề hiệu quả của giáo dục còn được ông Văn Như Cương chứng minh ở một phương diện khác. Đó là trong gần 30 năm, trường của ông đã dạy được hàng chục ngàn học sinh tốt nghiệp phổ thông mà không tiêu của ngân sách một đồng nào. Đây là điều rất đang suy ngẫm để tìm ra cơ chế quản lý giáo dục hiệu quả trong tất cả các cơ sở giáo dục, từ tư thục đến công lập.

Giáo dục đạo đức cho học sinh chủ yếu phải nêu gương

Trước khi đi xa không lâu, ông Văn Như Cương đã nói rõ là Trường Lương Thế Vinh giáo dục dựa vào sự nghiêm khắc và lòng bao dung. Ông Văn Như Cương cho rằng, nguyên tắc giáo dục này không những giúp học sinh học tốt mà còn có kỷ luật, có đạo đức. Tuy có một số người nhìn nhận khác và gọi sự nghiêm khắc là hà khắc để thể hiện thái độ không đồng tình.

Về sự đúng sai của việc này thì rất khó phân định (nguyên chuyện cùng một hành động, gọi nghiêm khắc và hà khắc đã có ý nghĩa khác nhau) nhưng tôi thấy thầy Văn Như Cương chưa to tiếng quát nạt học sinh bao giờ (những thầy cô khác thì tôi không dám chắc). Gần như trong tất cả các trường hợp, thầy đều nhẹ nhành nhắc nhở, phân tích và bản thân cố gắng làm đúng những gì mình nói.

Đúng là thầy Văn Như Cương coi trong việc giáo dục bằng cách nêu gương. Lần đó toàn bộ học sinh Trường Lương Thế Vinh đi dã ngoại ở huyện Mai Châu, tỉnh Hòa Bình hai ngày, một đêm. Hàng chục chiếc xe lớn được tập kết về một địa điểm để chở học sinh lên rừng dã ngoại. Trước khi lên xe, hàng ngàn học sinh cười nói huyên náo, ăn bim bim, uống sữa thoải mái. Khi chúng đã yên vị trên xe, nhìn xuống thì thấy thầy hiệu trưởng nhặt vỏ hộp sữa, vỏ bao bim bim bỏ vào một cái túi lớn. Thấy cảnh đó, học sinh đã cảm thấy có lỗi; khi được các thầy cô nhắc thêm, chúng nhận thức được việc giữ gìn mội trường thì phải làm gì. Do vậy, cánh rừng nơi hàng ngàn học sinh vui chơi, ăn uống hai ngày một đêm không hề có một chút rác thải sau khi học sinh trở về thành phố. Đó là dẫn chứng sinh động cho hiệu quả của việc giáo dục bằng cách nêu gương.

Ông Văn Như Cương là một thầy giáo người Nghệ An ra Hà Nội lập nghiệp, ở ông hầu như hội tụ đầy đủ những phẩm chất tốt đẹp của “ông đồ Nghệ” xưa và nay. Thầy Văn Như Cương ra đi, để lại một di sản lớn lao cho ngành giáo dục. Bảo tồn và phát huy di sản này cần sự nỗ lực của rất nhiều người. 

HỒ BẤT KHUẤT

CÙNG CHUYÊN MỤC
Xem theo ngày
Tin nên đọc
Báo dân sinh
Báo dân sinh
Báo dân sinh