PGS Văn Như Cương: Sư phạm lấy 9 điểm, đổi mới giáo dục lâm nguy
- Giáo dục nghề nghiệp
- 01:00 - 11/08/2017
PGS Văn Như Cương.
Có quá nhiều điều bất thường xung quanh bức tranh điểm chuẩn các trường đại học năm nay. Trong khi điểm trúng tuyển các trường khối công an, quân đội, y dược cao ngất ngưởng, mức chuẩn của nhiều trường sư phạm tụt dốc thê thảm.
Vậy giải pháp nào đưa ra để giải quyết bài toán cung cầu của ngành sư phạm nói chung và câu chuyện điểm chuẩn thấp nói riêng.
Điểm đầu vào thấp: Đổi mới giáo dục lâm nguy
PGS Văn Như Cương cho rằng, điều đáng buồn của mùa tuyển sinh năm nay là điểm ngành sư phạm thấp quá, đại học chỉ bằng điểm sàn 15,5 điểm còn cao đẳng chỉ lấy 9-10 điểm.
Theo PGS Cương, chúng ta đang tiến hành đổi mới cơ bản và toàn diện, chúng ta thay đổi chất lượng giáo dục. Ai là người làm việc ấy, ngoài những chủ trương đề, ngoài việc thay đổi sách giáo khoa thì giáo viên là những người xung kích đi đầu.
“Với một lực lượng giáo viên đầu vào chỉ có 9-10 điểm thì 3 năm nữa sao cáng đáng công việc đổi mới giáo dục được? Đổi mới giáo dục lâm nguy nếu chúng ta có đội ngũ xung kích chất lượng không có. Điều này được báo trước” - PGS Cương nhận định.
Vì sao như vậy? Tại sao các trường sư phạm phải hạ thấp điểm xuống vì nếu lấy điểm cao thì ít người học. Đối với các trường sư phạm không có người học thì không có kinh phí với giáo viên, họ ngồi không lấy đâu lương?
PGS Cương cho rằng, biện pháp cần phải làm ngay là các trường sư phạm phải đổi mới. Bây giờ giáo viên đã thừa, nhiều tỉnh đang giảm bớt số giáo viên đi, ngừng hợp đồng rồi. Chúng ta tiếp tục đào tạo thêm là thế nào?
“Vì thế, trước mắt để đáp ứng cho công cuộc đổi mới, các trường sư phạm không chỉ đào tạo giáo viên mới mà cần thiết đào tạo lại giáo viên đang đứng lớp hiện nay. Thay đổi sách mới, chương trình mới, môn học mới mà giáo viên không được huấn luyện mới thì làm sao dạy được” - PGS Cương cho hay.
Tuyển ít, đào tạo lại giáo viên cũ
Theo PGS Cương, việc tuyển chọn giáo viên mới ít thôi, phải ít thôi không thì thừa. Cái quan trọng là phải đào tạo lại giáo viên cũ, đào tạo lại một cách thật sự chứ không hình thức tập huấn qua loa như trước kia.
“Nếu làm được việc đó thì các trường sư phạm không lo gì hết việc. Đừng để trường sư phạm đứng ngoài cuộc đổi mới như 2-3 lần thay sách vừa rồi. Phổ thông thì thay sách nhưng trường sư phạm không đổi mới gì cả, cứ đóng cửa lại theo chương trình cũ. Tích hợp, phân hóa, liên môn, giáo viên kém thì làm sao mà đổi mới được - PGS Cương nhấn mạnh.
PGS Cương cho rằng, ông thấy rất khó hiểu dự án tầm cỡ quốc gia thay đổi giáo dục phổ thông tổng thể mà Bộ GD&ĐT không nhìn thấy những bất cập này thì rất vô lí.
“Ai sẽ thực hiện việc đổi mới giáo dục này? Giáo viên chứ còn ai? Vậy giáo viên nào còn yếu thì phải làm họ mạnh hơn. Tôi muốn đề đạt, Bộ cần rà soát lại về vấn đề tuyển sinh vào trường sư phạm. Tôi nghĩ các trường sư phạm cần 18-20 điểm, được bao nhiêu thì đào tạo còn lại đào tạo lại giáo viên cũ thì đội giáo viên này mới làm được việc” - PGS Cương cho hay.
PGS Cương khẳng định, không nên tuyển giáo viên bằng mọi giá để đủ chỉ tiêu, đủ kinh phí, không nên thế chút nào cả. Cả một thế hệ chỉ đầu vào 9-10 điểm đào tạo 3 năm ra dạy thế nào, lấy đâu ra người giỏi nữa, thầy kém thì trò kém, trò kém vào trường đại học thì lại càng kém.
PGS Cương cho rằng, điểm đầu vào chứng tỏ khả năng, trình độ học của anh, anh hổng hay không hổng có 3 năm giảng tốt đến mấy không thể tạo ra điều kì diệu được. Cho nên phải có tiêu chuẩn riêng cho điểm vào trường sư phạm. Vì sao, vào Bách Khoa làm Cơ khí, nông lâm là trồng trọt, vào giáo viên là làm tất cả những bộ môn ấy mà nền tảng học sinh yếu thì tất cả các môn khác yếu đi.
PGS Cương cho rằng, năm tới, vào ngành sư phạm nên tuyển theo điều kiện khác. Nhiều nước khác thi vào trường sư phạm có đề thi riêng, không phải tuyển chung. Người ta lựa chọn rất cẩn thận, chặt chẽ. Người ta vào trường sư phạm rồi còn phải chọn tiếp là tìm ra những người có khả năng đi dạy được để tiếp tục bồi dưỡng thêm, còn nhiều người trong lúc học không nắm được sẽ theo được ngành thì chuyển sang nghề khác - PGS Cương cho biết.
PGS Cương chia sẻ, chất lượng giáo dục hoàn toàn phụ thuộc vào chất lượng của thầy giáo. Cần có nhiều quyết sách nâng cao chất lượng này.
“Chúng ta phải làm nhiều việc như quan tâm đến đời sống giáo viên, tăng lương cho giáo viên, khuyến khích nhiều người vào, trao học bổng nhiều để có các em giỏi vào. Như vậy mới thay đổi được” - PGS Cương nhấn mạnh.
Ai sẽ thực hiện việc đổi mới giáo dục? Giáo viên chứ còn ai? Vậy giáo viên nào còn yếu thì phải làm họ mạnh hơn. Bộ GD&ĐT cần rà soát lại về vấn đề tuyển sinh vào trường sư phạm. Các trường sư phạm cần 18-20 điểm, được bao nhiêu thì đào tạo còn lại đào tạo lại giáo viên cũ. Bộ GD&ĐT không nhìn thấy những bất cập này thì rất vô lí. |