CHỦ NHẬT, NGÀY 10 THÁNG 11 NĂM 2024 05:57

Ông Trần Bắc Hà khai gì với cơ quan điều tra?

 

Đại gia Trần Bắc Hà tiếp tục xin vắng mặt tại phiên tòa xử Phạm Công Danh

Ngày 12/1, TAND TPHCM tiếp tục phiên xử bị cáo Phạm Công Danh (sinh năm 1965, cựu Chủ tịch HĐQT Ngân hàng VNCB, tập đoàn Thiên Thanh), Trầm Bê (cựu Chủ tịch Hội đồng tín dụng Ngân hàng TMCP Sài Gòn Thương Tín - Sacombank) và 44 người khác về tội cố ý làm trái quy định của Nhà nước trong quản lý kinh tế gây hậu quả nghiêm trọng.

 

Đại gia Trần Bắc Hà tiếp tục xin vắng mặt tại phiên tòa xử Phạm Công Danh
 

Tại phiên tòa, chủ tọa phiên tòa thông báo HĐXX tiếp tục nhận được đơn xin vắng mặt. Trước đó, ông Trần Bắc Hà (nguyên Chủ tịch HDQT Ngân hàng Đầu tư và Phát triển Việt Nam - BIDV) có đơn xin vắng mặt do bị bệnh ung thư gan, đang điều trị tại bệnh viện và hiện HĐXX chưa có ý kiến chấp thuận hay không. Và trong đơn xin vắng mặt với tư cách người liên quan, ông Hà cũng xin giữ nguyên những gì đã trình bày tại cơ quan điều tra.

Cáo trạng xác định ông Hà đã ký 12 báo cáo tổng hợp ý kiến các thành viên Phân ban rủi ro trên cơ sở các thành viên Phân ban rủi ro tín dụng đầu tư đóng dấu đồng ý vào phiếu lấy ý kiến về chủ trương cho 12 công ty vay vốn mua vật liệu xây dựng. Ông này cũng ký 12 quyết định phê duyệt chủ trương cho 12 công ty vay mua vật liệu xây dựng 4.700 tỉ đồng; giao quyền cho bốn chi nhánh cho ông Danh vay và thu nợ.

Như vậy, ông Hà đồng ý chủ trương cho 12 công ty vay vốn theo giới thiệu của VNCB chứ không cho Danh vay và không biết các công ty do Danh thành lập. BIDV đã thu đủ gốc, lãi các khoản vay từ chính khách hàng vay vốn, ngân hàng này không bị thiệt hại. Vì vậy, chưa đủ căn cứ để xác định có vai trò đồng phạm với ông Danh.

Trong bản giải trình gửi cơ quan điều tra trước đó, ông Hà cho biết việc cho 12 công ty vay vốn là phù hợp với chủ trương của Chính phủ và Ngân hàng Nhà nước về việc tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp, hỗ trợ thị trường. Với thẩm quyền và trách nhiệm của mình, ông đã ký báo cáo tổng hợp ý kiến các thành viên phân ban rủi ro tín dụng đầu tư với nội dung phê duyệt chủ trương cho vay 4.700 tỉ đồng.

Vì vậy, cá nhân ông đã thực hiện đúng chức trách và nhiệm vụ của chủ tịch ủy ban quản lý rủi ro. Nhưng ông thừa nhận BIDV trong trường hợp này đã có một số thiếu sót như chưa kiểm toán báo cáo tài chính của khách hàng trong hồ sơ vay vốn, không lập phiếu đánh giá khách hàng về tình hình tài chính. Nhưng đây chỉ là thiếu sót về mặt nghiệp vụ mang tính chất bổ sung, thuộc quy định nội bộ của BIDV và các bộ phận đã rút kinh nghiệm.

BIDV cho vay nhưng không cần phương án trả nợ

Trong nội dung này, tòa thẩm vấn ông Trần Hoài Lâm (cán bộ BIDV thuộc nhóm phụ trách hỗ trợ chi nhánh tại TPHCM) và bà Nguyễn Thị Phương (Giám đốc Ban Pháp chế của BIDV được ngân hàng này ủy quyền đến tham dự phiên tòa).

Ông Lâm xác nhận các doanh nghiệp do VNCB giới thiệu đến đều có địa chỉ đăng ký tại TPHCM nên cấp trên giao cho ông đề xuất chủ trương cấp tín dụng cho 12 công ty vay tiền. Việc này do lãnh đạo Ban Khách hàng doanh nghiệp BIDV chỉ đạo, sau đó ông Lâm đề xuất cấp tín dụng cho 12 công ty này. Trên cơ sở BIDV và VNCB tham gia vào chuỗi liên kết 4 nhà mua bán vật liệu xây dựng và sản phẩm cho vay phù hợp với quy định BIDV, thời gian ngắn nên cấp gói tín dụng cho vay. Việc cho vay này phù hợp với quy định của BIDV.

Ngân hàng Nhà nước có quy chế cho vay 1627, quy định cho vay phải có đủ 5 điều kiện trong đó điều kiện chủ chốt là có phương án trả nợ vay.

"Tuy nhiên, phía BIDV khi cho vay đã không biết khách hàng cho vay là ai, phương án trả nợ chưa thẩm định thực tế, phương án kinh doanh chưa có nhưng cho vay. Vậy có đúng hay chưa?"- tòa chất vấn.

Lúng túng, ông Trần Hoài Lâm không trả lời được và xin rút kinh nghiệm!

Tòa hỏi: "Sau khi xem xét toàn bộ giám định của Ngân hàng Nhà nước tất cả những người liên quan cấp tín dụng cho VNCB vay 4.700 tỉ đồng có đúng hay không?".

Bà Phương nói rằng: về quy trình BIDV đã thực hiện đầy đủ và đúng với các quy định của pháp luật, quy định về cho vay của BIDV, quy chế cho vay 1627,… Giám định của Ngân hàng Nhà nước cho rằng BIDV có hành vi vi phạm cho vay nhưng không thiệt hại, đại diện BIDV cho rằng có sai sót chứ không phải là vi phạm trọng yếu.

Riêng về ý kiến cho rằng số tiền 4.700 tỉ đồng là do phạm tội mà có được chuyển trả cho BIDV nên cần thu hồi để khắc phục hậu quả, đại diện BIDV biện minh: hết sức nguy hiểm khi nói rằng phải đi xác minh nguồn tiền từ đâu có, khách hàng sẽ không tin tưởng ngân hàng…

CÙNG CHUYÊN MỤC
Xem theo ngày
Tin nên đọc
Báo dân sinh
Báo dân sinh
Báo dân sinh