CHỦ NHẬT, NGÀY 19 THÁNG 01 NĂM 2025 09:56

Ông lão 23 năm đi kiện Công an TP.Hồ Chí Minh: 'Con kiến" đã thắng "củ khoai'

 

Ngồi lại cùng ông Võ Văn Vinh (65 tuổi, ngụ tại TP.Quy Nhơn, tỉnh Bình Định), người thắng kiện sau 23 năm ngược xuôi Bình Định - Sài Gòn, làm "con kiến đi kiện củ khoai", nhìn bản sơ đồ tóm tắt sơ lược vụ án ông cùng luật sư của mình phác thảo không ai khỏi chạnh lòng.

Thuộc đường Sài Gòn như dân bản địa

Ông Vinh cho biết năm 1992, lần đầu khăn gói từ Bình Định vào TP.Hồ Chí Minh nộp đơn khởi kiện tại TAND quậnTân Bình (trụ sở của bị đơn là Công ty Vikamex (nay là Công ty BMC). “Lúc này tòa chưa thụ lý hồ sơ của tôi, cứ kêu tôi thiếu giấy tờ này nọ và yêu cầu phải bổ sung. Về Quy Nhơn làm thủ tục đúng yêu cầu, lên TP.Hồ Chí Minh nộp thì tòa lại bảo tiếp tục thiếu. Cứ thế, tôi đi từ Bình Định – TP.Hồ Chí Minh và ngược lại như đi chợ”, ông Vinh nhớ lại.

Ông Vinh còn kể, lần đầu đặt chân đến Sài Gòn, một con đường ông còn không nhớ tên, không biết đường đi nhưng giờ đây, sau bao năm chạy lòng vòng tự quận Tân Bình qua quận 1, lên TAND TP.Hồ Chí Minh thì giờ đây ông thuộc đường Sài Gòn như lòng bàn tay.

Ông Võ Văn Vinh - Ảnh: Phan Thương

Tuy nhiên, ông cũng nói rằng, cái khó, cái khổ nhất của ông không phải là “mò đường” mà bởi ông trời như đang thử thách ông. “Mình đi kiện đã đơn thương độc mã mà hễ gặp ai họ cũng bảo tôi “con kiến đi kiện củ khoai hoặc cóc ké kỳ nhông mà đòi…”. Bản thân ông Đạo cũng là nguyên đơn như tôi, ông còn khuyên tôi bỏ cuộc, vợ tôi cũng không cho tôi đi vậy nên tôi cũng chẳng biết phải làm như thế nào. Nhưng nhiều đêm đang ngủ tức mình quá tôi phải ngồi dậy nghĩ tại sao mình phải chịu uất ức như vậy nên niềm tin là động lực để tôi quyết đi tìm công lý”, ông Vinh chia sẻ.

Ông Vinh nói: “Điều khiến tôi vui nhất sau 23 năm đi kiện là cuối cùng Công an TP.Hồ Chí Minh đã chịu lắng nghe ý kiến, tâm tư của tôi. Khi nghe tin ông Nguyễn Văn Đồi (đại diện Công an TP) đích thân bay từ Sài Gòn về Quy Nhơn để thỏa thuận, thương lượng, cô không biết tôi vui như thế nào đâu. Khi ông Đồi về nhà tôi, bản thân tôi cũng nói thẳng với ông ấy rằng “ai mà cũng nhận thức như chú (ông Đồi) thì người dân như tôi không phải khổ, phải tốn nhiều thời gian như thế này”. Ông Vinh cũng nêu nếu Công an TP.Hồ Chí Minh không chịu lắng nghe ông thì vụ kiện này chưa chắc đã kết thúc.

Sơ đồ vụ kiện

Ngồi kể về chuỗi hành trình đi kiện, những con số, hay tên những thẩm phán ông Vinh đều nhớ và nói răm rắp. Ông bảo cứ mỗi lần đưa vụ án ra xét xử thế nào cũng hoãn, một lần hoãn cũng phải kéo dài 4 năm, 5 năm, 7 năm rồi mới tiếp tục đưa ra xử lại. Nhưng như thế cũng chưa xong, ông chờ đưa ra xử thế mà vừa ngồi chưa được 2 tiếng thì phiên tòa lại hoãn vì thiếu chứng cứ.

“Vì hoãn quá nhiều, các nội dung bản án cũng nhiều nên để luật sư và bản thân tôi không quên chi tiết nào dù nhỏ nhất nên tôi và luật sư phải vẽ ra một sơ đồ tiến trình vụ kiện”, ông Vinh nói và đưa tờ sơ đồ.

Nhìn vào sơ đồ mới thấy được chặng đường dài của ông Vinh không đơn giản chút nào. Sau khi TAND quậnTân Bình thụ lý thì chuyển hồ sơ qua TAND quận1. Đến năm 1995, TAND quận 1 xử sơ thẩm lần đầu, buộc Vikamex bồi thường cho hai chủ xe 196 triệu đồng. TAND TP.Hồ Chí Minh xử phúc thẩm sau đó đã tăng mức bồi thường lên gần 340 triệu đồng.

Phác thảo hành trình đi kiện của ông Vinh - Ảnh: Phan Thương

Tuy nhiên, năm 1996 bản án phúc thẩm này bị kháng nghị giám đốc thẩm và bị hủy vì TAND quận 1 thụ lý là sai, giao vụ việc về cho TAND TP xét xử từ đầu theo thủ tục chung.

Năm 1998, TAND TP.Hồ Chí Minh xử sơ thẩm lần hai, buộc Công ty Vikamex bồi thường hơn 140 triệu đồng. Xử phúc thẩm lần hai, Tòa Phúc thẩm TAND tối cao lại hủy án vì cho rằng TAND TP.Hồ Chí Minh không đưa Công an TP.Hồ Chí Minh vào bị đơn là sai sót.

Năm 2004, TAND TP.Hồ Chí Minh xác định Công an TP.Hồ Chí Minh và Công ty Vikamex là đồng bị đơn nên buộc cả hai bên liên đới bồi thường gần 500 triệu đồn cho ông Vinh và ông Đạo; tuy nhiên, bản án này tiếp tục bị Tòa phúc thẩm TAND tối cao hủy vì cấp sơ thẩm xác định tiền bồi thường nhưng chưa tính đến trượt giá trong bồi thường.

Sự việc đến đây theo ông Vinh chưa phải là đỉnh điểm của vụ kiện, ông nói khổ nhất là năm 2005, khi TAND TP.Hồ Chí Minh có quyết định chuyển hồ sơ vụ án về TP Quy Nhơn (Bình Định) - nơi cư trú của hai nguyên đơn vì cho rằng đây là vụ “đòi bồi thường do bị oan trong tố tụng”. “Không đồng tính, tôi đi khiếu nại liên tục, tôi bảo các anh chuyển hồ sơ ra đó, hồ sơ bị mất hay thất lạc ai chịu. Khiếu nại liên tục một thời gian họ mới chịu giữ hồ sơ lại giải quyết cho tôi”, ông Vinh nói.

Nhưng, lạ thay, cấp phúc thẩm trả hồ sơ vì chưa tính trượt giá trong tiền bồi thường, nhưng năm 2007, TAND TP.HCM xử sơ thẩm lần 4 lại chỉ buộc Công an TP.Hồ Chí Minh bồi thường cho hai chủ xe hơn 26 triệu đồng để sửa hai chiếc xe bị hư, còn các thiệt hại khàc thì tòa “miễn”.

Tiếp tục không đồng ý, ông Vinh lại kháng cáo và năm 2008, Tòa phúc thẩm TAND Tối cao lại hủy án vì cấp sơ thẩm không tính đến khoản mất thu nhập của nguyên đơn trong thời gian bị “giam xe oan”.

Biểu đồ thời gian giữ xe ông Vinh vẽ ra - Ảnh: Phan Thương

Đến năm 2013, TAND TP.Hồ Chí Minh xử sơ thẩm lần thứ 5 nhưng phiên tòa hoãn nhiều lần đến tháng 5.2015 được mở lại và tuyên án với ghi nhận sự thỏa thuận giữa Công an TP. bồi thường cho hai nguyên đơn mỗi người 250 triệu đồng và HĐXX tuyên buộc Công ty Vikamex bồi thường cho ông Vinh, ông Đạo mỗi người 128 triệu đồng. Và bản án mới nhất là ngày 3.11 vừa qua, TAND cấp cao đã y án sơ thẩm.

Không dấu nỗi niềm vui, sau phiên tòa này ông Vinh vừa nói vừa cười tươi như đưa trẻ “danh dự của tôi, cuối cùng đã được về”.

Vừa qua, TAND cấp cao tại TP.Hồ Chí Minh xử phúc thẩm đã y án sơ thẩm vụ tranh chấp “Hợp đồng vận chuyển, yêu cầu bồi thường thiệt hại ngoài hợp đồng và yêu cầu bồi thường thiệt hại do người có thẩm quyền của cơ quan tố tụng gây ra” giữa nguyên đơn là ông Võ Văn Vinh (66 tuổi), ông Đặng Đạo (ủy quyền cho ông Vinh, 72 tuổi, cùng ngụ tại TP.Quy Nhơn, Bình Định) và bị đơn là Công an TP.Hồ Chí Minh, Công ty BMC; Công ty BMC (công ty kế thừa của Công ty Vikamex).

Theo đó, HĐXX ghi nhận sự thỏa thuận giữa Công an TP.Hồ Chí Minh và nguyên đơn, rằng Công an TP.Hồ Chí Minh sẽ bồi thường cho ông Vinh, ông Đạo mỗi người 250 triệu đồng vì phía công an tự nhận thấy có phần lỗi trong việc giam giữ xe của nguyên đơn. Đồng thời, tòa buộc đồng bị đơn là Công ty BMC bồi thường cho các nguyên đơn mỗi người 128 triệu đồng vì giữ xe của nguyên đơn khi không có quyết định của Công an TP.Hồ Chí Minh dẫn đến hư hỏng, thiệt hại nên phải chịu một phần lỗi, trách nhiệm.

Theo Thanhnien.com.vn

CÙNG CHUYÊN MỤC
Xem theo ngày
Tin nên đọc
Báo dân sinh
Báo dân sinh
Báo dân sinh