CHỦ NHẬT, NGÀY 19 THÁNG 01 NĂM 2025 12:07

Ở nơi người dưng thương nhau như ruột thịt

 

Hiếm có người xấu

Những ngày đầu xuân 2017, đường về xã đảo Ninh Vân gió thổi róng riết, cung đèo độc đạo từ thị xã Ninh Hòa dẫn vào xã dài hút hút nằm lọt thỏm giữa chập trùng núi, tiếng cây rừng va vào nhau vào xào sạc. Từ trên đỉnh đèo phóng tầm mắt nhìn xuống, cả xã đảo Ninh Vân hiện lên như một thung lũng yên bình. Người dẫn đường cho chúng tôi, nông dân sản xuất giỏi của xã là Lê Công Nam chia sẻ: Cả cái xã đảo này đều thành kính với rừng, không ai được phá rừng, dù một cây nhỏ. Trước đây đến xã đảo này phải đi xuồng, đi phà nhưng vài năm trở lại đây, Nhà nước sẻ núi làm đường nên mới có đường đi. Khi chưa có đường thỉnh thoảng có mấy con thú hoang lạc từ rừng xuống xã, người dân tự mang nó trở lại rừng. Dẫu đói khổ đến cỡ nào cũng không ai nghĩ đến việc lấy của thiên nhiên bất cứ thứ gì, đặc biệt là săn bắn các loài động vật quý hiếm. Cách sống ấy cứ như mạch nước ngầm mát trong chảy ngấm vào tâm thức từng người nơi xã đảo này vậy.

 

                                                   Thung lũng Ninh Vân yên bình

Từng gặp nhau nhiều lần, nhưng lần nào bà Trà Thị Bông Sen, Chủ tịch UBND xã Ninh Vân cũng hồ hởi như mới gặp tôi lần đầu. Bà bảo: Cái tính của người xã đảo Ninh Vân này nó thế. Chân thật và mến khách lắm. Đến tháng cuối năm 2016, toàn xã có 528 hộ dân với hơn 2.000 nhân khẩu. Tính tự giác của từng người dân rất cao nên tuyên truyền đến đâu, họ thấm nhuần đến đó. Ai cũng ý thức sâu sắc đó là quyền lợi và nghĩa vụ của mình. Có lẽ đây là một xã đặc biệt nhất cả nước đấy. Dẫu trải qua bao thăng trầm, có lúc cả xã chìm trong những khó khăn, mất mùa, thiên tai địch họa. Thế nhưng hiếm có người nào nảy sinh ý đồ xấu là đi trộm cắp hay làm việc phi pháp. Chỉ vài trường hợp cá biệt, có tính xấu, bị ngăn chặn lại ngay.

 Chăm sóc, đỡ đần nhau như ruột thịt

 

                                                  Màu xanh no ấm hiện hữu

Đã rất nhiều lần đi công tác ra khỏi xã vài ngày, bà Trà Thị Bông Sen đã nhớ quay quắt và muốn quay về xã mình ngay. Bà tâm sự rằng: Sống trong không gian nghĩa tình quen rồi. Cứ ra khỏi xã là nhớ những gương mặt thân thương, những buổi tối quây quần tâm tình cùng nhau, rồi nhớ cả những lần tất cả dân lẫn cán bộ trong xã cùng bàn cách làm kinh tế như người một nhà…Ai đến đây cũng thế, cảm kích lắm. Không phải lo lắng, hay bất an bất cứ điều gì. Xe máy dựng dọc đường suốt ngày đêm cũng không ai đụng đến. Tôi đi nhiều nơi và ước nơi đâu cũng có nếp sống như xã mình thì hay quá.

 

                                                 Học sinh chăm ngoan

Không chỉ bà Sen mà nhiều người khác cũng vậy. Ông Nguyễn Văn Tùng, thợ lặn chuyên nghiệp của xã bộc bạch: Mình lặn giỏi nên có nhiều nơi thuê mướn, cũng có thu nhập cao. Đã chuyển vào TP.Nha Trang mua nhà sinh sống được mấy năm rồi nhưng nhớ nghĩa tình xã đảo quá lại quay về. Về đây mình còn có thêm cơ hội được đi chỉ dạy kỹ thuật bơi lặn cho nhiều ngư dân trẻ khác. Hơn nữa, ở đây, không ruột thịt gì nhưng hễ cứ có hàng xóm bị ốm đau là những người xung quanh đến chăm sóc, góp tiền để chữa trị đến cùng cho người bệnh ấy. Người có ít thì góp ít, người có nhiều thì góp nhiều, không ai được kể lễ hay đòi lại. Rồi, ai có cách làm ăn gì mới, có câu chuyện nào hay đều mang chia sẻ cho cả xã biết. Đôi lúc có cảm giác cả xã này giống như một đại gia đình thu nhỏ vậy.

Cũng bởi nét sống đẹp này nên mấy đứa con đi làm ăn xa và định cư hẳn ở TP.Hồ Chí Minh nhưng bà Nguyễn Thị Hạnh vẫn kiên quyết không chuyển đi. Bà bảo: Vì điều kiện công tác hai đứa con tôi ở xa nhưng tôi xem các thanh niên trong xã như con mình và ngược lại họ xem tôi như người thân, đến chăm sóc, đỡ đần hàng ngày. Thế là ấm cúng rồi, làm sao mà đi nơi khác được. 

Đông Hưng

CÙNG CHUYÊN MỤC
Xem theo ngày
Mất ngủ và thuốc Đông y: Vì sao niềm tin bị lung lay?

Mất ngủ và thuốc Đông y: Vì sao niềm tin bị lung lay?

Trong nhiều thế kỷ, Đông y đã là một phần quan trọng trong y học và văn hóa của nhiều nước châu Á, đặc biệt là Trung Quốc và Việt Nam. Tuy nhiên, trong xã hội hiện đại ngày nay, niềm tin...
7 tháng trước
Tin nên đọc
Báo dân sinh
Báo dân sinh
Báo dân sinh