THỨ SÁU, NGÀY 22 THÁNG 11 NĂM 2024 05:21

Nhân rộng, lan tỏa những mô hình giảm nghèo

 

Giúp người nghèo tự tin vươn lên thoát nghèo

Ông Ngô Trường Thi, Vụ trưởng – Chánh Văn phòng quốc gia về giảm nghèo (Bộ LĐ-TB&XH) cho biết: Sau 3 tháng kể từ vòng thi sơ khảo, với sự cố gắng của các tổ, nhóm cũng như tư vấn của đội ngũ chuyên gia, hình ảnh 10 đội thi chung kết đã có sự thay đổi rõ nét. Với ý tưởng ban đầu là tạo môi trường, điều kiện để các tổ nhóm cơ hội giao lưu, tìm hiểu, kết nối thì đến nay ảnh hưởng và tiếng vang của cuộc thi đã vượt qua ra ngoài sự mong đợi của ban tổ chức. Không chỉ đơn thuần là cuộc thi bình thường mà cuộc thi “Sáng kiến giảm nghèo bền vững thông qua phát huy nội lực cộng đồng” trở thành thương hiệu, chỗ dựa vững chắc cho các tổ nhóm cộng đồng trong hành trình vượt khó, giảm nghèo.

Thứ trưởng Nguyễn Trọng Đàm tặng hoa cho các đội thi lọt vào chung kết.

 

Phát biểu tại cuộc thi, Thứ trưởng Nguyễn Trọng Đàm ghi nhận và đánh giá cao những nỗ lực cố gắng của các đội thi. Từ thực tiễn triển khai chương trình giảm nghèo nhiều năm qua rút ra một trong những bài học kinh nghiệm để giảm nghèo bền vững là phát  huy được nội lực và sự tham gia của cộng đồng, người nghèo. Thứ trưởng hoanh nghênh Dự án PRPP phối hợp với Bộ LĐ-TB&XH, Đại sứ quán Irish Aid tổ chức cuộc thi “Sáng kiến giảm nghèo bền vững thông qua phát huy nội lực cộng đồng”.

Đây là cuộc thi rất có ý nghĩa vì nó trả lời được câu hỏi mấu chốt trong triển khai Chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững: Làm thế nào để người nghèo có đủ năng lực, nhiệt huyết để phát huy khả năng để khẳng định vai trò chủ thể của mình, ra được quyết định trong sản xuất sinh doanh nhằm tạo việc làm, tăng thu nhập qua đó thát nghèo. “Cuộc thi đã khích lệ người dân, người nghèo, cộng đồng nâng cao vai trò, vị thế của mình trong cuộc chiến chống đói nghèo, không còn trông chờ vào chính sách cho không của nhà nước mà tự mình cũng có thể vươn lên thoát  nghèo và làm giàu. Cuộc thi là thí điểm nhưng có tác dụng lan tỏa. Sau cuộc thi, Văn phòng quốc gia về giảm nghèo phối hợp với các bộ ngành tổng kết rút ra được cẩm nang chỉ đạo rộng rãi về phát huy nội lực cộng động”, Thứ trưởng Nguyễn Trọng Đàm nhấn mạnh.

Nâng cao vai trò phụ nữ dân tộc thiểu số

10 đội thi bước vào chung kết có những thế mạnh, thành công  và tác dụng nhất định. Qua cuộc thi, Giám đốc Quốc gia Chương trình Phát triển Liên hợp quốc Louise Chamberlain cho rằng, sức mạnh bên trong của người nghèo và các cộng đồng nghèo, kiến thức bản địa và sự sáng tạo vươn lên của họ nếu được huy động sẽ là yếu tố quyết định thành công trong công cuộc xóa đói giảm nghèo. Các nhóm đã chứng minh được rằng, người nghèo có thể trở thành đối tác bình đẳng trên thị trường với các sản phẩm có tính cạnh tranh, khả năng tham gia vào chuỗi giá trị là điều kiện sống còn để cải thiện sinh kế. Thành công của các nhóm cho thấy, người nghèo có thể đi tiên phong trong quá trình phát triển. Điều này cũng chứng minh sự thay đổi của chính quyền các cấp từ quản lý sang hỗ trợ, tạo điều kiện và kết nối là cần thiết và sự thay đổi này có thể đưa ra các giải pháp đảm bảo việc thực hiện hiệu quả các chương trình và chính sách giảm nghèo theo hướng bền vững.

Nhóm 2G (trên trồng gấc dưới trồng gừng) thuyết trình phần dự thi.

 

Đặc biệt, bà Louise Chamberlain nhấn mạnh đến vai trò của các tổ chức đoàn thể, tổ chức xã hội dân sự, tổ chức phi chính phủ và khu vực tư nhân trong công tác xóa nghèo. Những đối tác này đã chứng minh được tính hiệu quả trong việc nhân rộng, hỗ trợ, tăng cường năng lực và kết nối người nghèo với thị trường. Nếu ghi nhận và tạo điều kiện đóng góp, họ có thể đóng vai trò quan trọng trong việc đạt các mục tiêu đầy tham vọng của các Chương trình mục tiêu quốc gia.

Từ ý tưởng ban đầu muốn thành lập một nhóm trồng lanh và dệt thổ cẩm, sau 3 tháng nhờ sự tư vấn các chuyên gia, đến nay nhóm Trồng lanh và dệt thổ cẩm của chị Thào Thị Sung (dân tộc Mông) ở thôn Con Ngài, xã Tả Phìn, huyện Sa Pa, tỉnh Lào Cai đã sản xuất được nhiều mặt hàng hơn và chất lượng tốt hơn… “Tham gia nhóm trồng lanh và dệt thổ cẩm đã giúp đỡ chị em phụ nữ cũng như các em nhỏ không phải đi ăn xin, chèo kéo khách du lịch bán hàng. Đặc biệt, giá trị của sản phẩm được nâng lên, thị trường được mở rộng nên người dân có thu nhập ổn định”, Chị Sung phấn khởi cho biết.

4/10 đội thi đã thay đổi được thể chế hoạt động từ nhóm lên tổ hợp tác hoặc hoàn thiện hồ sơ lên Hợp tác xã. Bên cạnh đó, nhiều đội cũng đạt được những thành quả đáng kể như tăng thêm số lượng thành viên, mở rộng quy mô sản xuất, cải tiến sản phẩm, khai thác thêm thị trường... Hội thi góp phần phát huy vai trò và nội lực của cộng đồng, đặc biệt là nhóm phụ nữ dân tộc thiểu số trong xây dựng và triển khai sáng kiến phát triển kinh tế gắn với tôn vinh giá trị sản phẩm bản đại, đảm bảo sự bền vững về môi trường, hướng đến sản xuất sạch để góp phần giảm nghèo bền vững và gia tăng gắn kết cộng đồng.

Ban tổ chức 1 Giải nhất: 20 triệu đồng cho đội  Tín dụng vi mô  (Sóc Trăng) 

2 Giải nhì: 10 triệu đồng thuộc về đội Mộc (Bắc Kạn) và nhóm trồng lanh, dệt thổ cẩm (Lào Cai)

3 Giải ba: 5 triệu đồng trao cho nhóm 2G trên gấc dưới gừng (Thanh Hóa); Nhóm nuôi gà ri (Hòa Bình); nhóm Mây tre đan bản Diềm (Nghệ An)

VÂN KHÁNH

CÙNG CHUYÊN MỤC
Xem theo ngày
Tin nên đọc
Báo dân sinh
Báo dân sinh
Báo dân sinh