THỨ BẨY, NGÀY 09 THÁNG 11 NĂM 2024 11:45

Thanh Hóa: Xây dựng điểm điển hình giảm nghèo nhanh và bền vững tại các huyện nghèo

Theo đó, đối tượng hưởng thụ là các hộ nghèo, hộ cận nghèo, hộ mới thoát nghèo; ưu tiên hộ nghèo dân tộc thiểu số, phụ nữ thuộc hộ nghèo trên địa bàn một số thôn, bản ở 7 xã thuộc 7 huyện nghèo gồm: xã Tén Tằn (huyện Mường Lát), xã Phú Nghiêm (huyện Quan Hóa), xã Tam Lư (huyện Quan Sơn), xã Lương Ngoại (huyện Bá Thước), xã Trí Nang (huyện Lang Chánh), xã Luận Thành (huyện Thường Xuân), xã Cát Vân (huyện Như Xuân).

Bộ trưởng Bộ LĐ-TB&XH Đào Ngọc Dung (áo trắng, giữa) cùng đoàn công tác kiểm tra công tác xây dựng nhà văn hóa tại bản nông thôn mới Piềng Mòn, xã Tén Tằn, huyện Mường Lát.

Mục tiêu của Đề án nhằm huy động tổng thể các nguồn lực đầu tư cho công tác giảm nghèo để tạo điểm điển hình về giảm nghèo nhanh và bền vững, hạn chế tối đa số hộ tái nghèo; giảm khoảng cách chênh lệch tỷ lệ hộ nghèo, cận nghèo so với bình quân chung của cả tỉnh; tạo điều kiện cho người nghèo, hộ nghèo vươn lên phát triển kinh tế, tăng thu nhập, tiếp cận thuận lợi nhất với các dịch vụ xã hội cơ bản (giáo dục, y tế, điều kiện sống, thông tin, bảo hiểm và trợ giúp xã hội) góp phần hoàn thành mục tiêu giảm nghèo nhanh và bền vững theo Nghị quyết của Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác giảm nghèo nhanh và bền vững ở các huyện miền núi Thanh Hóa đến 2020 và “Chương trình giảm nghèo nhanh và bền vững” của Tỉnh ủy Thanh Hóa giai đoạn 2016-2020.

Cụ thể, đến 2020, tỷ lệ hộ nghèo theo chuẩn đa chiều còn 3,59%; tỷ lệ hộ nghèo giảm bình quân hàng năm từ 5,24% trở lên; thu nhập bình quân của hộ nghèo gấp 2,5% lần so với năm 2015; 100% trẻ em được đi học; 100% khẩu nghèo, cận nghèo được hộ trợ mua thẻ, cấp thẻ BHYT; đến năm 2020 có 80% số xã đặc biệt khó khăn và 100% số thôn đặc biệt khó khăn thuộc xã khu vực II thoát khỏi tình trạng đặc biệt khó khăn...

Tổng nguồn vốn thực hiện hơn 1.098 tỷ đồng được phân kỳ từ 2017-2020 để triển khai thực hiện nhiệm vụ phát triển sản xuất, tạo việc làm, tăng thu nhập cho hộ nghèo; nâng cao khả năng tiếp cận các dịch vụ xã hội cơ bản của hộ nghèo; xây dựng cơ sở hạ tầng tạo thuận lợi cho phát triển kinh tế - xã hội, giảm nghèo nhanh và bền vững; hỗ trợ giải quyết các nguyên nhân nghèo...

Trên cơ sở đó Phó chủ tịch Phạm Đăng Quyền cũng giao trách nhiệm cho các Sở, ban, ngành liên quan chủ động phối hợp thực hiện có hiệu quả các nhiệm vụ, mục tiêu, giải pháp của Đề án theo chức năng, nhiệm vụ quản lý.

Các huyện thực hiện Đề án chủ động lãnh đạo, chỉ đạo xây dựng xã điểm điển hình giảm nghèo nhanh và bền vững. Hàng năm có trách nhiệm xây dựng cụ thể hóa các nội dung Đề án trên cơ sở thực tiễn địa phương. Kiện toàn Ban chỉ đạo giảm nghèo cấp huyện, cấp xã; phân công trách nhiệm cụ thể cho các cơ quan, phòng, ban, đơn vị, cán bộ Đảng viên hướng dẫn, giúp đỡ các hộ nghèo, cận nghèo; xã, thôn bản thoát nghèo; bố trí đủ cán bộ làm công tác giảm nghèo các cấp. Tăng cường huy động, lồng ghép các nguồn lực và ưu tiên phân bổ nguồn vốn để thực hiện công tác giảm nghèo ở các xã thực hiện Đề án. Thường xuyên kiểm tra, đôn đốc việc thực hiện Đề án; báo cáo định kỳ, đột xuất, hàng năm tình hình, kết quả thực hiện về Cơ quan Thường trực Đề án và UBND tỉnh theo quy định...

MỘC MIÊN

CÙNG CHUYÊN MỤC
Xem theo ngày
Tin nên đọc
Báo dân sinh
Báo dân sinh
Báo dân sinh