Ô nhiễm nguồn nước: Hàng triệu người bị ảnh hưởng sức khỏe
- Tây Y
- 21:08 - 31/03/2015
* 6 triệu người mắc bệnh do thiếu nước sạch
Nhiều mẫu nước của Hà Nội, TP Hồ Chí Minh có hàm lượng clo dư thấp và nhiễm các chỉ số vi sinh. Riêng thành phố Hà Nội còn có các mẫu nước nhiễm asen tại Trạm cấp nước Mỹ Đình 2, nước tại các bể chứa, bể mái khu đô thị Nam Đô có hàm lượng clo dư thấp hơn tiêu chuẩn cho phép.
Theo Thứ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thanh Long, các bệnh lây truyền qua đường nước luôn luôn là mối đe dọa đối với sức khỏe cộng đồng. Theo thống kê của Tổ chức Y tế thế giới, mỗi năm trên toàn cầu có 4 tỷ ca mắc bệnh tiêu chảy và 1,5 triệu ca tử vong do bệnh tiêu chảy vì nước không an toàn, vệ sinh môi trường và vệ sinh cá nhân kém.
Tại Việt Nam, mỗi năm có khoảng 250.000 người bị mắc bệnh tiêu chảy cấp phải nhập viện. Tình trạng thiếu nước sạch hàng năm gây ảnh hưởng tới ít nhất 1 triệu người Việt Nam và thống kê trong 4 năm qua, có tới 6 triệu trường hợp mắc bệnh liên quan tới thiếu nước sạch, ước tính chi phí cho y tế là khoảng 20 triệu USD.
Thứ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thanh Long cho biết hiện Việt Nam đang đạt tỷ lệ 80% dân số đô thị được cung cấp nước sạch đạt quy chuẩn của Bộ Y tế, 85% dân số nông thôn được cấp nước hợp vệ sinh với 42% đạt quy chuẩn của Bộ Y tế.
Nước thải không qua xử lý được thải trực tiếp ra môi trường.
Tuy nhiên, theo đánh giá của các đại biểu, chất lượng nước của một số trạm cấp nước quy mô nhỏ, tại một số khu đô thị mới, khu chung cư hay một số giếng khoan khai thác quy mô nhỏ lẻ còn hạn chế, chưa đạt yêu cầu quy định như chỉ số clo dư thấp, ô nhiễm asen, amoni, chỉ tiêu vi sinh và một số chỉ tiêu khác. Mạng lưới đường ống cấp nước nhiều đô thị trải qua nhiều giai đoạn đầu tư đã cũ, rò rỉ, gây tỷ lệ thất thoát nước cao, thậm chí có thể có sự xâm nhập chất thải...
Công tác kiểm tra, giám sát chất lượng nước còn hạn chế
Hiện tại, nhân lực làm công tác kiểm tra giám sát chất lượng nước tại các tỉnh, thành còn thiếu so với nhu cầu, năng lực xét nghiệm của các trung tâm y tế dự phòng còn hạn chế, khoảng 12 đến 90/109 chỉ tiêu đề ra. Theo bà Mai Thị Liên Hương, Phó Cục trưởng, Cục Hạ tầng và kỹ thuật (Bộ Xây dựng), hiện nay, ngoài Hà Nội và TP Hồ Chí Minh, các tỉnh, thành phố khác chưa có phòng thí nghiệm đủ trang thiết bị để xét nghiệm 109 chỉ tiêu chất lượng nước theo quy chuẩn.
Và để xét nghiệm đủ 109 chỉ tiêu đòi hỏi một nguồn kinh phí lớn. Trong khi các đơn vị ngành y tế từ Trung ương đến địa phương chưa có ngân sách thường xuyên dành riêng cho công tác thanh, kiểm tra, giám sát chất lượng nước định kỳ và đột xuất.
Một số tỉnh, thành phố mới chỉ bố trí được kinh phí giám sát chất lượng nước tại các nhà máy nước ở thành phố, khu đô thị và một số trạm cấp nước khu vực nông thôn, chưa bố trí kinh phí giám sát chất lượng nước tại các địa bàn khó khăn, vùng sâu, vùng xa và các hình thức cấp nước hộ gia đình nông thôn.
Ngoài ra, hiện nay vẫn chưa xây dựng được cơ chế phối hợp liên ngành Y tế, Xây dựng, nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Tài nguyên và Môi trường trong việc kiểm tra, giám sát chất lượng nước dẫn đến chồng chéo, trùng lặp trong viïåc kiïím tra chêët lûúång nûúác.
Tại buổi làm việc với các đơn vị về công tác kiểm soát chất lượng nước, Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam nhấn mạnh, việc cung cấp nước sạch cho khu vực nông thôn và các đô thị lớn luôn được đặc biệt quan tâm với tiêu chí sức khỏe của người dân là trên hết. Do đó, các bộ, ngành cần chú trọng triển khai kế hoạch cấp nước an toàn, tăng cường kiểm soát bảo vệ nguồn nước, hệ thống cấp nước, đảm bảo chất lượng nước theo quy định và nâng cao chất lượng dịch vụ cấp nước.
Cùng với việc thực hiện kiểm soát nguồn nước theo lộ trình và phù hợp với điều kiện thực tế, các bộ, ngành cần phối hợp chặt chẽ, giải quyết mọi vướng mắc, chồng chéo đang tồn tại, đặc biệt là trong công tác quản lý các dự án, nguồn vốn hỗ trợ. Bộ Y tế cần rà soát và có định hướng về công tác truyền thông, cần đổi mới quyết liệt hơn để người dân ý thức được sự cần thiết, tầm quan trọng của nước sạch, nâng cao ý thức bảo vệ môi trường, bảo vệ nguồn nước.