THỨ SÁU, NGÀY 22 THÁNG 11 NĂM 2024 08:58

Ồ ạt phát triển nhà chung cư: Hạ tầng “oằn mình” gánh chịu

 

Hết thời khu đô thị kiểu mẫu

Khoảng 20 năm trước đây, 200ha đất ở khu vực cửa ngõ phía Nam Hà Nội được thu hồi để giao cho HUD đầu tư xây dựng khu đô thị mới Linh Đàm, điểm nhấn là bán đảo, hồ Linh Đàm với mật độ dân cư thấp, mật độ cây xanh và hồ nước lớn. Sau 3 năm chuẩn bị, năm 1997 dự án KĐT mới Linh Đàm được khởi công xây dựng, gồm 2 khu là Bắc Linh Đàm và khu dịch vụ hỗn hợp bán đảo Linh Đàm. Trong số 160ha có tới gần 50% là không gian mặt nước, với bán đảo Linh Đàm được quy hoạch bài bản. Năm 2009 KĐT mới Linh Đàm được Bộ Xây dựng công nhận là đô thị kiểu mẫu, trở thành nơi đáng sống của nhiều người dân Thủ đô.

Thế nhưng, sau 20 năm dưới áp lực của đô thị hóa, Linh Đàm không còn là đô thị kiểu mẫu, khu vực này đã “biến dạng” bởi một vài năm gần đây, có hàng chục cao ốc chung cư 35-40 tầng mọc lên như nấm mà người dân nơi đây vẫn gọi là “chung cư tổ kiến”.

Đoạn đường khoảng 6 km từ đầu đường Tố Hữu nối với đường Lê Văn Lương ra Khuất Duy Tiến đã có khoảng 30 tòa nhà cao tầng án ngữ ngay mặt đường. Trên trục đường Trần Phú, hơn 2 năm trở lại đây, có hàng chục khu nhà từ 17 đến hơn 30 tầng mọc lên như tòa nhà Fodacon, Sông Đà, Hồ Gươm Plaza... Các tòa nhà san sát nhau hoặc chỉ cách nhau vài trăm mét. Bên cạnh đó, các khu đô thị với hàng loạt tòa nhà cao tầng như Royal City, Times City đang để lại hậu quả là ngày nào cũng tắc đường thành hàng dài vào giờ cao điểm.

Phân tích nguyên nhân tình trạng ắc tắc giao thông tại Hà Nội, bà Vũ Thị Vinh, nguyên Tổng Thư ký Hiệp hội các đô thị Việt Nam cho rằng, trong các quy hoạch của Hà Nội đều có quy hoạch về giao thông, nhưng thực tế là giao thông vẫn chưa được quan tâm đúng mức mà đang quan tâm quá nhiều đến xây nhà ở. Quy hoạch các khu đô thị, chung cư cao tầng lại thiếu sự kết nối đồng bộ với giao thông công cộng, nên không hình thành ngay từ đầu thói quen sử dụng phương tiện giao thông công cộng cho cư dân, dẫn đến tăng dân số đồng nghĩa với tăng nhanh phương tiện giao thông cá nhân. Vì vậy hạ tầng luôn rơi giao thông vào tình trạng quá tải.

Trường học cũng quá tải


Ảnh minh họa

Theo số liệu thống kê, trước khi lên phường, Hoàng Liệt chỉ có khoảng 2.000 hộ, với gần 7.000 người. Nhưng vài năm gần đây, chung cư “mọc” lên rầm rộ khiến dân số của phường Hoàng Liệt tăng đột biến với khoảng 8.500 hộ, tổng dân số tăng gần gấp 5 lần lên 32.000 người. Chưa dừng lại, dự báo đến hết năm 2017, với việc hoàn thiện thêm hàng chục ngàn căn hộ thì dân số phường Hoàng Liệt sẽ tăng thêm khoảng 20.000 hộ, tương ứng 80.000 dân.

Điều đáng chú ý là việc tăng dân số này lại không tỷ lệ thuận với sự phát triển của hệ thống trường học (trường công lập). Thực tế cho thấy, hàng chục năm nay số trường học, nhất là bậc Tiểu học, Mầm non tại các khu đô thị mới như Định Công, Linh Đàm gần như không đổi. Hiện, trên địa bàn phường Hoàng Liệt có duy nhất một trường Mầm non công lập, chia thành 5 cơ sở chỉ đáp ứng được 13% số học sinh mầm non của phường. Tương tự, phường Định Công, một trường Mầm non công lập, chia thành 3 cơ sở chỉ đáp ứng được gần 30% số học sinh trên địa bàn. Dân số tăng nhanh, trẻ em trong độ tuổi đi học cao, trong khi hệ thống trường công gần như không được xây mới, đã tạo điều kiện cho hệ thống trường Mầm non tư thục tại địa bàn tăng mạnh. Thống kê cho thấy, trên địa bàn phường Hoàng Liệt hiện có trên 100 trường Mầm non tư thục, phường Định Công 50 trường - một con số hoàn toàn lấn án trường công.

Chị Nguyễn Hoàng Phương ở nhà HH4, khu đô thị Linh Đàm cho biết, mặc dù điều kiện kinh tế khó khăn nhưng vì  trường công quá đông, nên chị phải đăng ký cho con học trường tư thục. “Cả khu đô thị rất lớn nhưng trường công ít. Rất muốn cho cháu học ở trường công nhưng không vào được, vì các trường học quá tải, số học sinh quá đông, buộc phải cho con đi học trường tư. Học trường tư thục thì tốn kém hơn nhưng đành phải tiết kiệm các khoản chi phí khác để con được đến trường” – chị Phương chia sẻ.

Phó Chủ tịch Ủy ban nhân dân quận Hoàng Mai, Hà Nội ông Trần Quý Phái cho biết, do tăng dân số cơ học, năm học 2016-2017, trên địa bàn toàn quận đã tăng thêm 6.000 học sinh, phần lớn là bậc Mầm non: “Số học sinh trong năm học 2016-2017 tăng hơn so với năm học 2015-2016. Ở cấp học Mầm non số trường công trên toàn quận mới đảm bảo được 40,7%, cấp tiểu học là 82,8% và cấp trung học cơ sở là 74,3%. Trong đó khó khăn nhất là tại các phường Hoàng Liệt, Định Công, Đại Kim”.

Đại diện chính quyền một số quận nội đô Hà Nội khẳng định, ngành giáo dục đang chịu sức ép rất lớn từ thực trạng gia tăng dân số cơ học. Nguyên nhân chính là việc cho xây dựng ồ ạt nhà cao tầng, dồn nén mật độ dân cư, trong khi hạ tầng xã hội đi kèm như giao thông, trường học…gần như bị chủ đầu tư lãng quên. 

CHÂU ANH

CÙNG CHUYÊN MỤC
Xem theo ngày
Tin nên đọc
Báo dân sinh
Báo dân sinh
Báo dân sinh