CHỦ NHẬT, NGÀY 19 THÁNG 01 NĂM 2025 10:30

Phát triển chung cư: Bài toán khó cho hạ tầng đô thị

 

Hạ tầng đô thị “gồng” mình “gánh” chung cư

Những năm gần đây, Hà Nội và TP.HCM đang chịu áp lực lớn từ việc gia tăng dân số, nhất là trong khu vực nội thành. Số liệu thống kê cho thấy, trong 5 năm trở lại đây, dân số Hà Nội đã tăng khoảng 43 vạn người và đến nay đã có hơn 7,5 triệu người sinh sống ở thủ đô. Còn TP.HCM hiện đã đạt hơn 8,2 triệu người với mật độ dân số cao gấp 13 lần mật độ trung bình của cả nước. Bình quân một năm thành phố tăng 208 ngàn người, gần bằng số dân một quận trung bình.

Để đáp ứng nhu cầu chỗ ở của người dân, vài năm trở lại đây những khu đô thị mới được xây dựng đã thu hút đông đảo người dân về sinh sống. Tuy nhiên do công tác phát triển nhà ở không đồng bộ với hệ thống hạ tầng kỹ thuật, hạ tầng xã hội, dẫn đến quá tải các hệ thống này.

Thống kê chưa đầy đủ của Viện Quy hoạch Đô thị và Nông thôn Quốc gia cho thấy, chỉ tính riêng khu vực phía Tây thuộc các quận Cầu Giấy, Thanh Xuân và Từ Liêm của thành phố Hà Nội có hơn 100 dự án nhà chung cư cao tầng đã và đang triển khai. Mật độ xây dựng dày đặc được cho là nguyên nhân khiến cho hạ tầng giao thông Hà Nội quá tải.

Cách đây 20 năm, khi mới thành lập, quận Cầu Giấy chỉ có khoảng 80 nghìn người, nhưng nay, số dân đã tăng gần bốn lần, lên đến 300 nghìn người. Tại phường Hoàng Liệt (quận Hoàng Mai), năm 2015, số dân của phường mới là 32 nghìn người, đến nay do có thêm nhiều chung cư mới, cho nên tăng xấp xỉ 60 nghìn người. Chưa dừng lại, dự báo đến hết năm 2017, với việc hoàn thiện thêm hàng chục ngàn căn hộ thì dân số phường Hoàng Liệt sẽ tăng thêm khoảng 20.000 hộ, tương ứng 80.000 dân tăng gấp ba lần so với số dân trung bình các phường khác trong nội thành. Năm 2014, xã Tả Thanh Oai (huyện Thanh Trì) chỉ có 5.000 dân. Nhưng hiện nay số dân là 12 nghìn người, do có thêm sáu tòa nhà cao 32 tầng đưa vào sử dụng. Sự quá tải về giao thông, về trường học, về công tác quản lý là thực trạng dễ thấy nhất, khi số dân tăng đột biến gấp ba, bốn lần. Ở quận Cầu Giấy, sĩ số các lớp học luôn từ 55 đến 70 học sinh/lớp, trong khi quy định chỉ có từ 30 đến 40 học sinh/lớp. Năm học vừa qua, 90% các trường tại quận Thanh Xuân phải cơi nới, nâng tầng, xây dựng các khối nhà mới để có thêm phòng học…

 

Phát triển chung cư tạo áp lực cho hạ tầng đô thị

Sức ép hạ tầng giao thông đô thị

Báo cáo mới đây của Viện Quy hoạch Đô thị và Nông thôn Quốc gia cũng cho thấy, Thủ đô Hà Nội hiện có diện tích đất giao thông trên tỷ lệ đất xây dựng đô thị tại các quận nội thành rất thấp, chỉ đạt từ 6% đến 8%. Tỷ lệ này được cho là chưa đạt chuẩn của một đô thị hiện đại.

Chỉ tính riêng trên địa bàn thành phố Hà Nội đã có quá nhiều các điểm nóng giao thông. Có thể kể đến một số tuyến đường như đường Lê Văn Lương, đường Láng, tuyến đường Khuất Duy Tiến - Phạm Hùng, Nguyễn Lương Bằng – Tôn Đức Thắng, Ngã tư Sở, Cầu Vượt Xuân Thủy... Tất cả các tuyến đường này đều tập trung một số lượng lớn các khu chung cư cao tầng với số lượng người dân sinh sống rất lớn. Vào giờ cao điểm, các tuyến đường này thường xuyên xảy ra ách tắc cục bộ.

Đường Lê Văn Lương, đoạn tiếp giáp với cầu vượt Lê Văn Lương – Láng Hạ, thường xuyên trong tình trạng quá tải vì lượng người tham gia giao thông quá đông. Gần đây, do có cầu vượt nên tình trạng tắc đường phần nào đã được cải thiện. Tuy nhiên, vào những giờ cao điểm, người dân cũng phải mất từ 10 – 20 phút mới có thể di chuyển qua đoạn đường này. Trên tuyến đường Khuất Duy Tiến (đoạn từ ngã tư Khuất Duy Tiến đến ngã tư giao cắt với đường Lê Văn Lương), lòng đường khá rộng lại có cả đường trên cao, tuy nhiên, vào giờ cao điểm đoạn đường này vẫn xảy ra ách tắc như thường.

Đánh giá về thực trạng hạ tầng quá tải, GS Đặng Hùng Võ - nguyên Thứ trưởng Bộ Tài nguyên Môi trường cho hay, tại các quận nội thành Hà Nội, hiện có tới vài chục dự án chung cư cao tầng đang xây dựng nằm trên các con phố, con ngõ chật chội. Cứ mỗi một chung cư mọc lên là dân số tăng cả nghìn người, trong khi hạ tầng không theo kịp. Quá tải là điều tất yếu, vì hạ tầng giao thông, điện, nước, thoát nước, vệ sinh môi trường, trường học, chỗ vui chơi… trước đây chỉ được thiết kế cho một lượng người nhất định. Đây là lỗi ở khâu quy hoạch và thực thi quy hoạch. Hiện nay rất nhiều chủ đầu tư chung cư ngang nhiên bớt xén không gian công cộng ở nhiều dự án, nhưng vẫn được đồng ý cho phê duyệt.

Đồng quan điểm ông Trần Ngọc Chính – Chủ tịch Hội Quy hoạch Đô thị Việt Nam cho rằng: “Về nguyên tắc, mỗi công trình xây dựng phải đảm bảo mật độ dân cư trên 1ha và đảm bảo hạ tầng cấp điện, cấp thoát nước, trường học, bệnh viện, sân chơi... Tất cả những điều này đều nằm trong khâu quy hoạch, khi xây dựng đô thị đều phải có những yếu tố này. Nếu những yêu cầu về chất lượng cuộc sống không được đáp ứng, sức khỏe và tính mạng của người dân sẽ bị ảnh hưởng nghiêm trọng”.

Theo ông Chính, trong tư vấn và lập quy hoạch, không ai lại đưa chung cư cao tầng vào những khu vực nội đô chật hẹp vì sẽ gây áp lực lớn cho hạ tầng đô thị. Trong quy hoạch chung, quy hoạch phân khu và quy hoạch chi tiết đều phân ra các khu vực cao tầng và thấp tầng. Khu vực đường phố nhỏ hẹp có nghĩa là nằm trong nội đô cũ, chỉ xây dựng thấp tầng mới phù hợp, do đó nếu gom các khu đất để xây dựng các khu nhà cao tầng thì đây không phải là theo quy hoạch mà xây dựng theo kiểu bột phát. Nhưng vì sao tình trạng này vẫn diễn ra? Nguyên nhân ở đây vẫn là vì lợi nhuận, còn trách nhiệm rõ ràng thuộc về các cấp quản lý của chính quyền địa phương. Phát triển thị trường bất động sản, phục vụ nhu cầu nhà ở cho người dân là một nhiệm vụ quan trọng, nhưng không thể vì làm nhà để bán cho dân mà xây dựng chung cư bằng bất cứ giá nào. 

CHÂU ANH

CÙNG CHUYÊN MỤC
Xem theo ngày
Tin nên đọc
Báo dân sinh
Báo dân sinh
Báo dân sinh