THỨ BẨY, NGÀY 23 THÁNG 11 NĂM 2024 03:17

Núi đá xám dưới sông Ngô Đồng

 

Hoàng Việt Hằng là cây bút viết nhiều thể loại, và là một trong những nữ tác giả sung sức hiện nay. Nhà thơ đã đoạt nhiều giải thưởng văn chương: Giải thưởng của Hội Nhà văn Hà Nội với tập truyện ngắn: “Những lời chưa nói hết” (1980 - 1981); tập thơ: “Vệt trăng và cánh cửa” (2008); Giải thưởng Liên hiệp các hội văn học nghệ thuật Việt Nam với tập thơ: “Một mình khâu những lặng im” (2005); Giải thưởng Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam  (1990 - 1995), với tập thơ: “Những dấu lặng” ; Tặng thưởng Hội Nhà văn Việt Nam với tiểu thuyết: “Một bàn tay thì đây” (2010); Giải thưởng Hội Nhà văn Việt Nam - Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam tổ chức  (2010 - 2014) với tập thơ: “Xóa đi và không xóa”; cùng nhiều giải thưởng khác.

Xin trân trọng giới thiệu chùm tản văn của nhà thơ Hoàng Việt Hằng vừa gửi đến độc giả Báo LĐ&XH.

Nhà thơ Hoàng Việt Hằng.

Có một dòng sông không lớn, không nổi tiếng lắm, đi khắp sông cũng không tìm đâu ra bóng một cây ngô đồng mà lại tên Ngô Đồng. Nó làm cho tôi phải tìm tới vùng núi Cấm Sơn để nhìn nơi bắt nguồn dòng chảy rồi tràn sang lưu vực sông Sào Khê. Đến trước mùa thu heo may sông Ngô Đồng vắt trên mình màu vàng của lúa miền đất Tràng An, và mùa đông thì nước trong đến nao lòng  khi bóng núi đá vôi đổ xuống uy nghi và kiêu hãnh bên đền Thái Vy  nhuộm vết rêu phong, cổ kính. Và để  đi trên dòng sông này, hạnh phúc nhất là không có tiếng máy nổ, chỉ có tiếng chèo thuyền gạt nước lãng đãng trôi chậm qua ba động Tam Cốc mà ngắm cố cung xưa một thuở hiển vinh của vua Đinh và vua Lê.

   Sông Ngô Đồng còn giống  như chiếc khăn ảo thuật, với bốn mùa mang vẻ đẹp của hồn quê Việt. Nó ám ảnh bởi ngôi nhà lợp đá liêu xiêu bên núi, nom vừa đìu hiu vừa đẹp, rất đơn sơ của một kiếp người chài lưới. Có thể phía trong ngôi nhà đơn sơ không có đồ đạc gì. Một kẻ độc thân, chuyên  đi bắt cá bắt cua để tồn tại và cậu ta không thấy mình khốn khổ. Chiếc giường là một cây gỗ xẻ đôi, phạt hai đầu, độ dài hai mét, kê bằng hai viên đá thế là thành chốn ngủ thiên đường. Cuối nhà xếp  ba ông vua  bếp. Khói đun nước đã xám lại trên vách đá, một bữa cơm đạm bạc là cơm và cá nướng. Một cách sống giản đơn nhất của thế kỷ 21 mà tôi gặp là nhân vật tên Giong, cậu ta 17 tuổi. Vận trên người độc một chiếc quần đùi. Suốt ngày Giong lặn sông và giăng lưới bắt cá và bắt ốc núi. Giong  bán ốc núi cho nhà hàng cũng đủ ăn, nhưng cố kiếm thêm  để mai này lên bờ.

  Hỏi, sao nhà không có gì ngoài hai bộ áo quần vắt trên dây phơi. Giong nói không cần thiết. Cách sống của em chỉ ngày ngày đánh lưới trên sông Ngô Đồng, chèo thuyền vào chợ bán mớ cá đong cân gạo, mua tý mắm ngon để uống một hụm khi đi lặn sông. Hơn cả giản đơn, một cách sống ám ảnh một phận người. Tôi đứng trước tượng phật lớn nhất ở Tràng An, hỏi phật có thương thần dân không,  nhưng phật chỉ lặng im.

Giong lớn lên ở một cô nhi viện, cậu bé bỏ đi đan cói, đan cói chán. Một ngày mưa, đi tắm sông cậu thấy đi bắt cá cũng hay và thế là phật độ cho đi bắt cá. Việc đầu tiên là bán cá, giấu tiền trong núi đá bằng  cái túi ni lon rồi vỗ đất bùn khô giấu vào núi đá. “Ngân hàng” của Giong là một ngọn núi. Kiếm  đủ tiền mua một chiếc thuyền đi kiếm ăn trên sông. Mơ ước của Giong chỉ có vậy. Hỏi có biết chữ không. Gật đầu. Em biết đọc và biết tính đến hai triệu đồng. Vì con thuyền em mua hồi đó hơn 1 triệu đồng. Lẽ sống đơn giản và tối thiểu. Là đủ sống. Người ở cố đô Hoa Lư có hai dòng đạo. Một theo đạo thiên chúa và một theo đạo phật. Giong theo đạo phật, em chưa gặp xui xẻo từ khi sống với sông.

  Cách sông Ngô Đồng độ nửa tiếng chèo thuyền lại gặp một ngôi nhà lợp lá. Nhà của một lão nông cày cấy bên núi đá vôi. Ông có mụn con trai lấy vợ và có đứa cháu hai tuổi sống trong ngôi nhà vách đá, mái lá mà ấm cúng lắm. Rải rác dọc sông cũng có chục ngôi nhà dựng bên đường bán đủ thứ cây cảnh, ốc núi, thịt dê nướng và cơm cháy đặc sản vùng này. Món gỏi cá nhệch nổi tiếng của vùng Kim Sơn cũng có bán ở đây, nhưng muốn ăn ngon phải đi thêm 60km xuống nhà thờ đá Phát Diệm mà thưởng thức gỏi cá nhệch, nghe chuông nhà thờ đổ xuống hoàng hôn, uống rượu tắc kè  để   “Rồi lên ta uống với nhau/rót đau lòng ấy vào đau lòng này” (thơ Trần Huyền Trân).

  Bạn đừng quên  đi thuyền từ sông Ngô Đồng sang kênh suối khác, rất  dễ đi lẻ bên lưu vực sông Ngô mà nghe chim hót nơi chùa Bích Động. Chùa có cụ Khế chín mươi tuổi chuyên đi vơ lá khô đun nước với lá hoa  hồng đã sao vàng hạ thổ, rồi pha nước mời người đi lễ. Cụ Khế  nói rằng, nhờ ăn mày cửa phật, nên cụ khỏe được như thế này. Cụ chưa  nghễnh ngãng và cũng chưa chịu ngồi yên. Cụ còn lên tới chỗ phật tổ trụ trì trên núi cao, còn thắp đèn dầu dâng hương mà  giác ngộ. Hỏi cụ Khế  giác ngộ gì ạ? Cụ bảo: Cứ chầm chậm mà sống cho nó ra cái con người. Ở kinh đô Hoa Lư này có tượng phật lớn nhất nước, có chùa lớn nhất kinh đô xưa và nay, có hang động, có rừng và có sông. Sông Ngô Đồng cũng có một duy nhất. Đó là duy nhất chèo thuyền bằng mái chèo chứ không được cho thuyền chạy bằng máy nổ. Du lịch tĩnh phải thế. Thế mà nhiều người có của nả không đem cho người cùng khổ, cứ hăng hái đặt lên tay phật, phật có tiêu đâu nào. Rồi họ xin xỏ  đủ thứ. Tôi chắc phật cũng chưa cho. Dâng dầu đèn ở chùa, nghe mãi cũng không hiểu tâm thế thời bây giờ đi về đâu? Những người thành phố, da tay da chân trắng nõn, họ vái như bổ củi. Họ  giàu thế mà vẫn xin thêm nhà thêm cửa, xin thêm chức quyền, xin mua bằng tiến sỹ êm ru, xin mua con xe xịn. Có người khấn phật xong, ra ngay bến Ngô Đồng đặt mua cả con dê ngồi ăn. Khấn xong là ăn, khấn xong là uống. Đến Ninh Bình mua sắm sản phẩm du lịch như hàng thêu ren, hàng đan lát bằng cói. Phải thừa nhận hàng thủ công mỹ nghệ ở đây đạt đến độ tinh xảo. Nếu xuống bến sông Sào Khê khám phá các ngôi chùa nhỏ nhất nước, cũng chỉ có một tỉnh Ninh Bình này thôi. Nhà thờ đá cổ kính cũng phải kể đến nhà thờ Phát Diệm. Nếu nhắc đến dòng  sông lịch sử cũng phải nhắc đến Ngô Đồng, sông chảy qua ba hang động, nhũ đá đẹp như giấc mơ hoa, nơi dòng chảy vừa thâm u vừa như bí ẩn. Một kinh đô của một hoàng hậu Dương Thị, sông có thêm một duy nhất nữa là bà lấy hai vị vua; một ngôi đền duy nhất có tới hai tượng  nhà vua hướng nhìn vào hoàng hậu Dương Vân Nga, đó là vua Đinh Bộ Lĩnh và vua Lê Đại Hành.

Sử sách ngàn  xưa thường được nhắc lại trên dòng chảy của Bích Động, của kinh đô Tràng An. Giống như một chiếc khăn vàng, sông Ngô Đồng vào mùa gặt đầy nắng, lại giống như chiếc khăn thẳm xanh của rêu phong mùa xuân. Dòng nước trong ngăn ngắt, có vẻ đẹp tĩnh lặng sâu thẳm như hồn người. Đâu đó trong đời người, dòng sông vẫn vỗ về  nhân gian, một ai đó  đã một lần bước trượt. Khi một ai đó phút giây cô độc, chợt bị  đánh cắp niềm tin, họ thường tìm về sông Ngô Đồng để tìm một không gian tĩnh; nơi có nước trong và đá xám; nơi có uy quyền của Quả Nhân; đến như làm vua cũng biết mùi cô lẻ. Nhưng bù lại  dòng sông Ngô Đồng vẫn cứ chảy từ phía núi đá Cấm Sơn  như truyền thêm niềm tin và sức mạnh vị đất và vị nước, nhân niềm hy vọng của mùa xuân cho khát vọng con người

LĐ&XH

CÙNG CHUYÊN MỤC
Xem theo ngày
Mất ngủ và thuốc Đông y: Vì sao niềm tin bị lung lay?

Mất ngủ và thuốc Đông y: Vì sao niềm tin bị lung lay?

Trong nhiều thế kỷ, Đông y đã là một phần quan trọng trong y học và văn hóa của nhiều nước châu Á, đặc biệt là Trung Quốc và Việt Nam. Tuy nhiên, trong xã hội hiện đại ngày nay, niềm tin...
5 tháng trước
Tin nên đọc
Báo dân sinh
Báo dân sinh
Báo dân sinh