CHỦ NHẬT, NGÀY 19 THÁNG 01 NĂM 2025 10:29

Nhà thơ Ngọc Phượng: Người đàn bà cúi nhặt trời xanh

 

Ngọc Phượng xuất hiện trên thi đàn nước nhà từ những năm 80 của thế kỷ trước. Chị xuất hiện không ồn ào, không cố gây sự chú ý với độc giả bằng những chiêu thức cách tân thơ ca theo kiểu tân hình thức hay hậu hiện đại. Chị là người đàn bà thầm lặng. Thầm lặng sống và lặng lẽ viết. Bạn bè văn chương ở khu vực đồng bằng sông Cửu Long gọi chị là nhà thơ ẩn dật. Tôi gặp và quen biết chị trong dịp tham gia trại sáng tác văn học dành cho các cây bút dân tộc và miền núi tổ chức tại Đại Lải (Vĩnh Phúc) năm 1996. Tôi còn nhớ, khi ấy cố nhà văn Kim Lân được Hội Nhà văn Việt Nam mời lên giảng bài và trực tiếp đọc tác phẩm của trại viên từng nhận xét, thơ Ngọc Phượng có một sắc thái rất riêng, rất độc đáo và mới mẻ. Cái mới mẻ thể hiện ở chính cấu tứ, hình tượng và cảm xúc, chứ không phải ở sự lộng ngôn câu chữ. Theo cố nhà văn Kim Lân thì những câu thơ buồn của Ngọc Phượng đủ sức lay động tận thẳm sâu tâm hồn người đọc một cách ám ảnh. Những ngày ở trại sáng tác Đại Lải chúng tôi rất tâm đắc với bài thơ Uống rượu của chị. “Uống cùng em đừng uống với ai/ Em sẽ lạc giữa tầng cao hư ảo ấy/ Mất dấu nhau rồi biết tìm đâu thấy/ Thoáng nghe chiều/ Nghiêng xuống một bờ cây/ Uống cho buồn chạm mặt với chân mây/ Cho chát đắng làm long lanh ánh mắt/ Không có đường thẳng/ Không có đường cong/ Chỉ đường vòng khép kín/ Hai hòn bi hai phía cuộc đời”.

 Say đến thế và viết ra được những câu thơ xuất thần như thế quả là người đàn bà thật bản lĩnh và đầy cá tính. Dường như cảm xúc chủ đạo trong thơ Ngọc Phượng là những nỗi buồn. Nỗi buồn về nhân tình thế thái, về tình duyên trắc trở, éo le về sự cô đơn của người đàn bà đa sầu đa cảm.

 Xuất hiện trên văn đàn từ thập niên 80 của thế kỷ 20, hiện nay nhà thơ Ngọc Phượng là Hội viên Hội Nhà văn Việt Nam duy nhất của tỉnh Sóc Trăng.

 

Ngọc Phượng cô đơn và buồn cả khi đi hái lộc đầu năm. Với chị cái thời khắc hái lộc đầu năm ấy là lúc chị cảm nhận một cách sâu sắc nhất về sự cô đơn trống vắng, về sự hữu hạn của xuân thì trước vô hạn của thời gian.“ Chiều xuống rồi/ Sương đã mù chưa/ Cho cát ủ dấu chân người ấy/ Tôi thấm đẫm tôi vào huyền thoại/ Hồn bay hay mây bay/ Đêm hái lộc tìm vui với lá/ Xanh ơi! Tôi nhận làm quà/ Lá ân tình với đất bao la/ Tuổi thì ngắn mà mùa trôi tất tả/ Với làm sao cho trót cuộc xuân thì/ Tôi hiểu ấm bằng lời tôi hoang giá/ Xanh đêm nay đừng vội bỏ tôi đi…” (Nói với lộc đầu năm). Đọc thơ Ngọc Phượng những năm gần đây tôi nhận thấy chị vẫn trải hồn mình qua những câu thơ, tứ thơ buồn, day dứt trăn trở về thân phận con người. Nhưng trong tận cùng của nỗi buồn ấy vẫn mong manh những sợi nắng của niềm tin và hy vọng chứ không yếm thế bi lụy. “ Không tìm nữa/  Nụ cười và nước mắt/ Một thời ta năm tháng ngỡ yên nằm/ Ai cúi nhặt trời xanh/ Ai cúi nhặt tàn quanh/Ai hát/ Ai níu giữ mong manh sợi nắng/ Đêm dài lắm và ngày thì ngắn/ Vọng trăm năm chưa suốt một ân tình” (Ai cúi nhặt trời xanh).

 Ở khu vực đồng bằng sông Cửu Long, thơ Ngọc Phượng được nhiều ngưởi yêu thích, nhưng cũng có không ít người còn e dẻ với thơ chị. Người ta e dè có lẽ bởi cá tính sáng tạo thi ca của chị vừa đau đáu những nỗi buồn, vừa mạnh mẽ đầy mê đắm. Chị coi tất cả mọi sự hỉ, nộ, ái, ố trên đời tựa như những phù du. “Bay đi, bay đi phù du/ Tắp tắp con đường mây trắng/ Hoa mỏng tợ như chưa hề có thật/ Như là tên/ Chỉ chạm nhẹ vào hồn/ Gió làm gã Sở Khanh đùa giỡn/ Rút tình cây ném xuống mặt đường/ Em thanh thản cắp làn hương ngời ngợi/ Sớm mai vào cõi hư vô/ Chớp mắt xa rồi/ Xin đủ chạm hồn thôi” (Bay đi phù du). Những câu thơ ấy được thăng hoa trong một tâm trạng thật thanh thản, nhẹ nhàng, vô vi nhưng thật đau và thật ám ảnh. Thơ chị không thách đố người đọc bởi lớp vỏ ngôn ngữ trừu tượng, không véo von sáo rỗng, không cách tân cầu kỳ rối rắm màu mè. Thơ chị viết bằng cảm xúc chân thật, hình ảnh thơ phong phú, nhạc điệu thơ êm dịu, nhưng đủ sức mê hoặc, lay động tâm hồn người đọc.

Lương Định/ Lao động và Xã hội

CÙNG CHUYÊN MỤC
Xem theo ngày
Mất ngủ và thuốc Đông y: Vì sao niềm tin bị lung lay?

Mất ngủ và thuốc Đông y: Vì sao niềm tin bị lung lay?

Trong nhiều thế kỷ, Đông y đã là một phần quan trọng trong y học và văn hóa của nhiều nước châu Á, đặc biệt là Trung Quốc và Việt Nam. Tuy nhiên, trong xã hội hiện đại ngày nay, niềm tin...
7 tháng trước
Tin nên đọc
Báo dân sinh
Báo dân sinh
Báo dân sinh