THỨ SÁU, NGÀY 22 THÁNG 11 NĂM 2024 07:38

Nửa dân số Việt Nam gia nhập tầng lớp trung lưu vào năm 2035

Quy mô kinh tế tăng gấp 5 lần hiện nay

Theo dự báo đến năm 2035, trên nửa số dân thuộc tầng lớp trung lưu toàn cầu này sẽ có mức tiêu dùng 15USD/ ngày hoặc cao hơn (tính theo sức mua tương đương bằng USD năm 2011). “Sự nổi lên của tầng lớp trung lưu vừa mang lại cơ hội, vừa làm thay đổi về kỳ vọng và tạo ra những thách thức mới. Đa số những người đó có nguyện vọng làm việc trong khu vực kinh tế chính thức” và “Sự tăng trưởng về việc làm hưởng lương nếu không đi kèm với những thể chế vận hành tốt về quan hệ việc làm, sẽ khiến cho nền kinh tế dễ phải chịu rủi ro xung đột nghiêm trọng giữa người lao động và chủ sử dụng lao động”.

“Rủi ro này đã thể hiện qua số lượng các cuộc đình công ngày càng tăng kể từ năm 2006 đến nay” - Báo cáo nhận định. Tầng lớp trung lưu thành thị cũng đòi hỏi chính trị phải công khai hơn và Chính phủ có tính giải trình hơn, điều này khiến cho hệ thống hiện tại phải nỗ lực mới có thể đáp ứng được. Tuy nhiên, Báo cáo cũng chỉ ra quá trình chuyển đổi sở hữu nhà nước sang sở hữu tư nhân còn chậm.

Cụ thể doanh nghiệp nhà nước và ngân hàng thương mại quốc doanh đã lấy đi quá nhiều "dưỡng khí" từ môi trường kinh doanh làm cho hiệu suất toàn nền kinh tế bị suy giảm đồng thời lấn át các hoạt động sản xuất kinh doanh của khu vực tư nhân.Các chuyên gia tính toán, với GDP bình quân đầu người khoảng 5.370 USD (tính theo sức mua tương đương bằng USD năm 2011) vào năm 2014, trong vòng 20 năm tới tốc độ tăng trưởng GDP bình quân đầu người tối thiểu phải đạt 6%/năm thì mới tiến tới mốc 18.000 USD vào năm 2035. Với tốc độ tăng trưởng thấp hơn, khả thi hơn (nhưng vẫn là tham vọng) ở mức 5%/năm (là tốc độ tăng trưởng bình quân của Việt Nam 10 năm qua), GDP theo đầu người sẽ lên đến 15.000 USD vào năm 2035 và đưa Việt Nam ngang hàng Braxin năm 2014 và đạt 18.000 USD vào năm 2040.

Người Việt Nam chọn mua ô tô. (Ảnh minh họa)

Với lộ trình tăng trưởng trên 7%/năm (chỉ tiêu tăng trưởng theo khát vọng của Việt Nam), GDP theo đầu người sẽ đạt xấp xỉ 22.200 USD, tương đương với mức thu nhập của Hàn Quốc năm 2002 hoặc của Malaysia năm 2013. “Tốc độ tăng trưởng cao hơn đó sẽ giúp Việt Nam đuổi kịp Indonesia và Philippines” - Báo cáo cho biết.

Thúc đẩy công bằng và hoà nhập xã hội

Mặc dù theo dự báo, đến năm 2035, tình trạng nghèo theo chuẩn nghèo quốc gia hiện nay hầu như đã bị xóa bỏ, nhưng trong bối cảnh ngày càng có sự thống nhất về các tiêu chí của mức sống tối thiểu, trong xã hội trung lưu vào năm 2035 vẫn có một bộ phận đáng kể người nghèo và một bộ phận còn lớn hơn rất dễ bị tái nghèo. Bộ phận dân số già ngày càng tăng chắc chắn phải đối mặt với rủi ro nhất định. Không chỉ thế, sự chuyển dịch từ hoạt động nông nghiệp hộ gia đình sang làm công ăn lương hứa hẹn về cuộc sống tốt hơn nhưng cũng khiến cho người lao động phải đối mặt với rủi ro mới do biến động về kinh tế. Những rủi ro ở cấp độ cá nhân đó phản ánh những rủi ro mới phát sinh của toàn xã hội. Nhu cầu chăm sóc sức khoẻ và bảo trợ xã hội cho dân số trung lưu và cao tuổi sẽ gây ra những rủi ro lớn cho ngân sách.

Đảm bảo hoà nhập xã hội trong quá trình phát triển không phải là việc đơn giản, nhất là trong bối cảnh toàn cầu hoá, đô thị hoá diễn ra như vũ bão, và đòi hỏi ngày càng cao về lực lượng lao động có tay nghề. Hiện đang tồn tại khoảng cách giàu nghèo giữa các nhóm dân tộc thiểu số và phần còn lại, bởi nhóm dân tộc thiểu số chiếm 15% dân số, nhưng có hơn 50% là người nghèo.  Do vậy, Báo cáo kêu gọi Việt Nam tiếp tục tăng cường hoà nhập và công bằng xã hội, tạo nhiều cơ hội hơn cho các nhóm dân tộc thiểu số, người khuyết tật và phụ nữ, và cung cấp dịch vụ cho một xã hội trong quá trình già hoá, đô thị hoá, và xuất hiện tầng lớp trung lưu.

“Trong tầm nhìn dài hạn, người khuyết tật xứng đáng được quan tâm để hòa nhập xã hội vì 3 lý do: Số lượng người khuyết tật có thể tăng nhanh khi dân số già tăng lên và theo dự báo sẽ vượt quá 12 triệu người vào năm 2035; kỳ vọng được hòa nhập của bộ phận người khuyết tật và gia đình họ ngày càng tăng khi Việt Nam đạt mức thu nhập trung bình cao; nguồn lực sẽ tăng lên tạo điều kiện thực hiện những cam kết mạnh mẽ về hòa nhập cho người khuyết tật”, Báo cáo ghi nhận. 

Chủ tịch W.B, ông Jim Young Kim, ghi nhận: “Việt Nam là một tấm gương thành công về phát triển từ một trong những nước nghèo nhất, trong 30 năm qua. Việt Nam đã duy trì được tốc độ tăng trưởng hàng năm ở mức gần 7% và đã áp dụng các chương trình mục tiêu giúp hàng chục triệu người thoát khỏi cảnh nghèo cùng cực”.

THANH NHUNG/Lao động và Xã hội

CÙNG CHUYÊN MỤC
Xem theo ngày
Tin nên đọc
Báo dân sinh
Báo dân sinh
Báo dân sinh