THỨ SÁU, NGÀY 20 THÁNG 09 NĂM 2024 05:20

Nữ quyền luận và “Siêu lý đàn bà”

 

                                                    Trần Huyền Sâm (bên phải) và nhà thơ Nguyễn Khoa Điềm

Câu chuyện phê bình nữ quyền bắt đầu từ tư tưởng và hoạt động các nhà phê bình  nữ quyền Pháp thế kỷ XX. Nữ quyền là phần quan trọng của nhân quyền, là vấn đề xã hội rất bức xúc của thế giới, đồng thời là đề tài nóng trong văn chương đương đại. Ứng cử viên tổng thống Mỹ Donald Trump mới đây đã bị lên án, và bị mất phiếu ở nhiều bang vì đã phát hiểu xâm phạm đến quyền của phụ nữ.

 Trong chuyên luận này, Trần Huyền Sâm đã đặt vấn đề: “Phê bình nữ quyền là một cuộc đối thoại quyết liệt giữa giới nữ và các nhà triết học nam quyền”. Các nhà phân tâm học (tiêu biểu là S.Freud) đã đứng trên quan điểm dục tính nam quyềntức là chủ nghĩa tôn sùng dương vật để xác lập một hệ hình diễn ngôn uy quyền, áp đặt. Ngoài nam quyền, mọi cái đều ngoại biên. Các nhà triết học từ cổ đại Hy Lạp đến cấu trúc luận đều chứng minh rằng: Con người trung tâm vũ trụ ở đây chính là đàn ông. Ngôn ngữ sản sinh ra từ ngòi bút, nhưng ngòi bút lại tượng trưng cho dương vật.  Vì vậy phê bình nữ quyền phải tiến đến giải thiêng những huyền thoại về nam giới. Lấy tính nữ làm trung tâm, họ thay đổi hệ thống diễn ngôn nam quyền thành diễn ngôn nữ quyền. Các nhà phê bình nữ quyyền Pháp đồng thời là nhà văn nổi bật được tác giả khảo cứu là Simone de Beauvoir, Antoinette Fouque, Lucce Irigaray, Hélène Cixous, Julia Kristeva, Béatrice Didier…

Vận dụng lý thuyết nữ quyền tác giả đã khảo cứu, phân tích và làm rõ tinh thần nữ quyền trong tiểu thuyết nữ Việt Nam đương đại. Tính chất tự thuật - một phương diện thể nghiệm đặc trưng của lối viết nữ, làm nên “bản mặt” của văn phong nữ giới Việt được tác giả lý giải rất thuyết phục. Để có được công trình này, Trần Huyền Sâm đã dành mấy năm ròng nghiên cứu nữ quyền Pháp, đi sang  Pháp, đến tận nghĩa địa tìm mộ các nhà nữ quyền để suy ngẫm, chiêm nghiệm. Đây là một phong cách nghiên cứu khoa học nghiêm túc và say mê. Phương pháp nghiên cứu của tác giả bắt đầu từ triết học đến văn chương Pháp và Việt đã tạo ra chiều sâu, độ dày cho công trình. Tôi nghĩ, có thể gọi Trần Huyền Sâm là “nhà nữ quyền học Việt Nam!” cũng không quá đáng!.

Đọc Trần Huyền Sâm, ta mới biết cuộc đấu tranh đòi nữ quyền thật không dễ, kéo dài hàng trăm năm và đến nay vẫn còn rất nóng bỏng! Bức tranh nữ quyền được tác giả khảo tả qua ba làn sóng. Làn sóng nữ quyền thứ nhất từ thế kỷ XVII đến nửa đầu thế kỷ XX, có tầm ảnh hưởng sâu rộng nhất là Marie-Olimpe de Rouges với Bản Tuyên ngôn về quyền của phụ nữ và công dân,1791. Dựa trên Bản tuyên ngôn nhân quyền của cuộc cách mạng Pháp 1789, M.O de Rouges đã đề xuất những quyền lợi chính đáng của phụ nữ mà chế độ nam quyền đã “tước đoạt”. Vì những hoạt động nữ quyền quyết liệt ấy, bà bị quy án “chống đối chính phủ” và bị tử hình ở Quảng trường Cách mạng Pháp năm 1793. M.O de Rouges bị tử hình, nhưng  Bản tuyên ngôn về quyền của phụ nữ và công dân của bà đã được hiện thực hóa. Lần đầu tiên, vào năm 1944, phụ nữ Pháp được đi bầu cử và nhiều quyền công dân của họ được thừa nhận.Làn sóng nữ quyền thứ 2 ở Pháp (bất đầu từ giữa thế kỷ XX) với gương mặt tiêu biểu là triết gia Simone de Beauvoir.  Với Phong trào giải phóng nữ giới, mà tiểu biểu là sự kiện biểu tình  Tháng Năm 68 (Mai 68) dẫn đến sự thay đổi cấu trúc nước Pháp theo hướng giành thêm quyền tự do của phụ nữ như giải phóng tình dục, giải phóng quyền thân thể, đặc biệt là quyền được nạo thai. Năm 1975, luật phá thai được Quốc hội Pháp thông qua. Làn sống nữ quyền thứ 3 đã hình thành khuynh hướng phê bình nữ quyền, với mục đích là giải cấu trúc những quan niệm cực đoan của các nhà triết học phân tâm, đặc biệt là chủ nghĩa tôn sùng dương vật, phá vỡ hệ diễn ngôn lấy nam quyền làm trung tâm.

   Đặc biệt, nhà triết học hiện sinh Simone de Beauvoir (1908-1986) đã được Trần Huyền Sâm nghiên cứu và phân tích sâu sắc, từ đó rút ra những kết luận xác đáng, bổ ích. Simone de Beauvoir đi từ cội nguồn bản thể luận nữ giới để khái quát thành những luận điểm có tính chất triết học về giới. Bà đã đúc kết lý thuyết nữ quyền bằng chính trải nghiệm của bản thân mình thông qua tình bạn, tình yêu với nhà triết học Jean-Paul- Sartre. Simone de Beauvoir đã đối thoại thẳng thừng, vạch rõ những quan điểm phiến diện và cực đoan của nhà phân tâm học Freud và Nietzsche về dục tính nữ. Trần Huyền Sâm đã phân tích sai lầm của Freud bắt nguồn từ chỗ ông là người Do Thái, chịu ảnh hưởng của Kinh Cựu ước với ba huyền tích:Một, Thiên Chúa sáng tạo ra con người theo hình ảnh của Chúa, mà chúa là đàn ông nên thế giới này đều lấy đàn ông làm trung tâm. Hai, Chúa sáng tạo ra đàn bà chỉ để bổ sung cho sự cô độc của đàn ông (Đức Chúa rút ra một cái xương sườn của con người (đàn ông) ra , và lấy thịt đắp vào). Ba, đàn bà được tạo nên từ thực thể đàn ông, nên đàn bà luôn là kẻ chịu ơn, kẻ phụ thuộc.  Simone de Beauvoir đã lý giải lại những khái niệm cốt lõi của triết học phân tâm, đặc biệt là luận điểm Mặc cảm hoạn của Freud- tức âm vật của nữ giới không phải là khiếm khuyết của tạo hóa… Trong các tác phẩm Giói thứ hai, bà đã phủ nhận luận điểm cực đoan khi nói về phụ nữ của Nietzsche. Ông cho rằng đàn bà là một giống nông cạn, không thể đặt sánh đôi với vị trí đàn ông. Hạnh phúc của người đàn ông là: ta muốn. Hạnh phúc của người đàn bà là: chàng muốn. Simone de Beauvoir cho rằng đó là một luận thuyết lừa mị đàn bà. Si tình là thuộc tính của con người. Lý giải tại sao trong những cuộc tình đàn bà hay phụ thuộc vào đàn ông, bà cho rằng đó là do đặc tính giới. Khi đàn bà bắt đầu là lúc đàn ông kết thúc.  Theo Trần Huyền Sâm, chính những lập luận sắc bén của Simone de Beauvoir đã góp phần quan trọng trong việc “giải cấu trúc” những quan điểm cực đoan về phụ nữ. Simone de Beauvoir đã lấy cuộc sống bản thân mình để chứng minh luận thuyết: Phụ nữ là một nhân vị vị tự do!

Tác giả công trình cũng đã bàn luận thêm về nữ giới với Simone de Beauvoir rất sâu sắc, chứng tỏ tác giả rất vững về triết học. Trần Huyền Sâm khẳng định: “Một khi mà nữ quyền là nhân quyền, thì luận điểm vừa nêu, không cần phải tường minh gì thêm. Nhưng “nghĩ thêm” về  nữ giới, về “siêu lý” đàn bà, Trần Huyền Sâm đặt lại câu hỏi mà các nhà triết học phương Tây băn khoăn: Đàn bà, thiển thần hay ác quỷ? Và trả lời: trong lĩnh vực nghệ thuật, phụ nữ là một Nàng thơ, là Nữ thần nghệ thuật, là Bà mẹ tự nhiên vĩ đại nhất, người mẹ của Đấng toàn năng, mà mọi vật được sinh ra từ đó. Vậy vì sao có sự phân biệt về địa vị xã hội, về vấn đề nhân quyền giữa nữ giới và nam giới?.Trên tinh thần nữ quyền, tác giả đã phân tích kỹ về đặc điểm sinh sản: Phụ nữ chỉ sinh sản nhiều nhất là một năm một lần, còn đàn ông thì vô tận; về quan niệm trinh tiết: phụ nữ có màng trinh, còn đàn ông thì không kiểm tra được mức độ trinh tiết; về mặt tính dục: đàn ông nằm trên, đàn bà nằm dưới, từ đó đàn ông thành thống ngự. Qua những phân tích đó, Huyền Sâm đã đi đến kết luận rằng: Khi nữ quyền là nhân quyền thì Simone de Beauvoir luôn đứng ở mọi nền văn hóa, mọi thời đại!

Văn chương Việt từ mấy thế kỷ trước, dù hiếm hoi, cũng đã có những tác phẩm bảo vệ nữ quyền. Như thơ Hồ Xuân Hương nói về quyền được phát ngôn, được bày tỏ tình yêu; hay trong Quan Âm Thị Kính, nhân vật Thị Mầu là biểu trưng của quyền được yêu; Kiều của Nguyễn Du cũng quan niệm rất hiện đại về  trinh tiết: Kiều 15 năm lưu lạc giang hồ vẫn còn trinh: Chữ trinh còn một chút này… Ở thời đương đại, nữ quyền mới được các nhà văn nữ để cập sâu sắc và mạnh mẽ trong tác phẩm của mình. Chương 4, 5 (trang 147 đến trang 271), Trần Huyền Sâm đã khảo luận rất công phu nội dung Tinh thần nữ quyền của tiểu thuyết nữ Việt Nam đương đại- nhìn từ các dang thức trần thuật qua các thế hệ nhà văn nữ trước và sau chiến tranh. Các tác giả như: Đoàn Lê, Y Ban, Võ Thị Hảo, Dạ Ngân, Võ Thị Xuân Hà, Đoàn Minh Phương, Lý Lan, đã thể hiện một cái tôi nữ giới mạnh mẽ và bạo liệt. Thông qua các dạng thức trần thật, tiểu thuyết các nữ Việt đã thể hiện được những sắc thái khắc nhau về tinh thần nữ quyền trong những giai đoạn lịch sử cụ thể. Đặc biệt, tinh thần nữ quyền của các nhà văn nữ Việt hải ngoại được thể hiện táo bạo qua việc khai thác mạnh mẽ vấn đề tình dục. Ở họ, lạc thú thân xác cũng chính là lạc thú ngôn ngữ. Ở đây, “bản mặt” cái tôi nữ giới được công khai, lộ diện qua tự truyện, dù đời sống văn Việt Nam vẫn đang  còn khép kín, việc công khai đời tư là một thách thức.

Các nhà văn nữ, cũng đã có những diễn ngôn mạnh mẽ về vấn đề trinh tiết của nữ giới. Từ những cảm nhận thân thể về tuổi dậy thì, nỗi đau mất trinh tiết, nỗi đau chối bỏ một phần thân thể (nạo thai), nỗi khát them tình dục, hay bản năng được làm mẹ  đã khiến cho các sáng tác của nữ đã trở thành một nét đặc thù so với nam giới. Mưa ở kiếp sau của Đoàn Minh Phương, Tường thành của Võ Thị Xuân Hà, hay Tiểu thuyết đàn bà của Lý Lan, Gia đình bé mọn của Dạ Ngân… đã thể hiện đậm nét “chất đàn bà” ấy của nữ quyền. Trong các trần thuật, họ cũng thể hiện được ngôn ngữ thân thể và bản nằng tình dục nguyên sơ của phụ nữ. Và điều đó đã góp phần làm cho tính dục trở thành một nội dung quan trọng trong hoạt động nữ quyền.

Ở trên tôi đã điểm qua những vấn đề nữ quyền được khảo cứu trong công trình Nữ quyền luận ở Pháp và  tiểu thuyết nữ Việt Nam đương đại” của Trần Huyền Sâm. Ngoài những ưu điểm của các cây bút nữ Việt Nam được tôn vinh, tác giả cũng chỉ ra những hạn chế của văn học nữ Việt. Tác giả viết, ở Việt Nam, việc nghiên cứu nữ quyền chỉ mới đóng khung ở “làn sóng thứ hai”. Đặc biệt , vấn đề diễn ngôn chấn thương trong mối hệ lụy với phạm trù trinh tiết và phẩm tiết chua được giới nghiên cứu quan tâm. Vì thế “Nữ quyền luận” vẫn đang vẫy gọi phía trước… Tôi cho rằng, phàm là đàn ông thì không nên bỏ qua cuốn sách này. 

NGÔ MINH / Lao động và Xã hội

CÙNG CHUYÊN MỤC
Xem theo ngày
Mất ngủ và thuốc Đông y: Vì sao niềm tin bị lung lay?

Mất ngủ và thuốc Đông y: Vì sao niềm tin bị lung lay?

Trong nhiều thế kỷ, Đông y đã là một phần quan trọng trong y học và văn hóa của nhiều nước châu Á, đặc biệt là Trung Quốc và Việt Nam. Tuy nhiên, trong xã hội hiện đại ngày nay, niềm tin...
3 tháng trước
Tin nên đọc
Báo dân sinh
Báo dân sinh
Báo dân sinh