THỨ SÁU, NGÀY 22 THÁNG 11 NĂM 2024 10:21

Nữ nhà báo với “Lãng phí kép”

 

Nữ nhà báo trách nhiệm

Có được tác phẩm báo chí “mang hơi thở cuộc sống” đã là không dễ chứ chưa nói đến tác phẩm được công chúng nồng nhiệt đón nhận. Bởi đi kèm một tác phẩm hay bao giờ cũng gắn với một cái giá, có thể là áp lực từ một cơ quan, có thể từ xã hội, thậm chí cả máu, nước mắt, và muôn vàn đắng cay,… Những điều này khó tránh khỏi va chạm vào nữ nhà báo Đỗ Thu Hiền (hiện đang là Phó Phòng Thời sự của Đài PT-TH Thái Nguyên). Song với chị, dường như những điều kể trên đang nằm ở một phạm trù khác, có khi lại là động lực để nữ nhà báo dành trọn tâm huyết với nghề. 

Tác phẩm “Lãng phí kép” đạt Huy chương vàng Liên hoan truyền hình toàn quốc


Thu Hiền tốt nghiệp Học viện báo chí và Tuyên truyền. Từ khi còn là sinh viên, chị đã mang trong mình những nhạy cảm với thời cuộc rồi khoác trên mình cái nghiệp gói gọn trong ba chữ: “dân nhà đài”. Từ một phóng viên, biên tập viên, với bản lĩnh chính trị, đạo đức, chuyên môn và tránh nhiệm chị được lãnh đạo Đài giao phó nhiệm vụ Phó Phòng Thời sự của Đài PT-TH Thái Nguyên.

Vẫn như thủa ban đầu, chị rung cảm trước mỗi số phận, chị căm giận những hành vi ngang ngược, tham ô hay cảm mến những tấm gương vượt qua số phận. Chị tâm sự: “Một người làm báo nghiêm túc sẽ tự biết dấn thân, phải tự mình đi đến cùng một sự kiện, một cuộc đời con người nào đó. Quá trình sáng tạo tác phẩm có thể tính bằng đơn vị ngày, tháng, nhưng cũng có thể tính bằng năm. Có những nhân vật ám ảnh mà nếu không viết về họ, mình sẽ cảm thấy mắc nợ với chữ nghĩa. Mà nếu chỉ viết như một sự trả nợ định kỳ yêu cầu của cơ quan thì mình lại cảm thấy mắc nợ với nhân vật”.

Nhà báo Thu Hiền: “người làm báo đòi hỏi phải có một trái tim ấm nóng và niềm đam mê không bao giờ cạn”


Dân nhà Đài khu vực Đông Bắc người ta nhắc nhiều đến chị, đồng nghiệp gọi chị là “nữ nhà báo vàng”. Bởi chị là tác giả của nhiều tác phẩm phản biện có sức ảnh hưởng tới xã hội và được các nhà quản lý ghi nhận, đánh giá cao. Chị nhận được rất nhiều giải thưởng danh giá như: Giải Báo chí Quốc gia, Giải báo chí 70 năm Quốc hội Việt Nam,… đặc biệt nhất là Huy chương vàng Liên hoan truyền hình toàn quốc với tác phẩm “Lãng phí kép” vừa diễn ra tại Lào Cai.

Mỗi bài báo là một câu chuyện về cuộc sống mà cuộc sống thì luôn thay đổi. Câu chuyện của ngày hôm nay không bao giờ giống với câu chuyện của ngày mai. Chỉ có điều mình chọn đề tài sao cho nó đúng và trúng với tình hình thực tiễn, rồi sau đó là cách thể hiện sao cho vừa chân thực, vừa phong phú. Những yếu tố đó sẽ tạo nên một tác phẩm báo chí có chất lượng tốt. Dù đã “thành danh”, tuy vậy, nữ nhà báo cũng luôn trăn trở với tác phẩm của mình: “Tôi cũng nhận thấy cái khó của người làm báo là thể hiện được bản lĩnh độc lập, khi thể hiện được cái bản lĩnh độc lập đó thì tác phẩm mới có tính chiều sâu, mang lại hiệu ứng xã hội”. Và, đã dấn thân vào nghề báo thì bên cạnh niềm tự hào là phải chấp nhận những khó khăn”, Thu Hiền tâm sự.

Thành công của “Lãng phí kép”

Cuộc thi Liên hoan truyền hình toàn quốc lần thứ 36 diễn ra cuối năm 2016 tại Lào Cai, với những người làm truyền hình thì đây là cơ hội để thể hiện tài năng,  ghi danh bảng vàng tại tại sân chơi dành cho thể loại truyền hình. Lần thi đó có 530 tác phẩm ở các thể loại, trong đó có 150 tác phẩm thể loại phóng sự với nhiều đề tài mổ xẻ hiện tượng mà xã hội đang quan tâm, đặc biệt là có sự xuất hiện của tác phẩm mang lên “Lãng phí kép” của ekip thuộc Đài PT-TH Thái Nguyên đã nhận được giải vàng.

Nhà báo Thu Hiền vẫn đang dành trọn tâm huyết với nghề


“Lãng phí kép” đã nói lên thực trạng UBND tỉnh Thái Nguyên đầu tư hàng chục tỉ đồng để xây dựng các Trung tâm chữa bệnh, giáo dục lao động xã hội. Có trung tâm thụ hưởng gần 4ha đất, quy mô tiếp nhận 500 học viên cai nghiện nhưng thực tế chỉ có khoảng 20 học viên, trong khi đó có 60 cán bộ, tức 3 cán bộ/1 học viên. Điều này dẫn đến cán bộ tại Trung tâm không có việc làm, trong khi ngân sách thì mỗi năm phải dành khoảng 2 tỉ để trả cho cán bộ. Có Trung tâm thì cơ sở vật chất khang trang thật nhưng bỏ không hoặc là nơi ở… của gà.

Hoặc như Trung tâm đảo Long Hội, tỉnh Thái Nguyên đã dành trên 40 tỉ đồng để xây dựng cơ sở vật chất với 7 dãy nhà cho hàng trăm học viên cai nghiện, tuy nhiên đến nay chỉ còn lại 1 học viên duy nhất, công việc cán bộ quản lý tại đảo giờ là “tự chăm lo cho bản thân, sáng dậy rửa mặt, đi dạo vòng quanh xem có trâu bò phá không thì đuổi rồi lại nấu cơm trưa” chứ chẳng có việc gì làm... Đấy chính là “Lãng phí kép”.

Ngay sau khi phát sóng, UBND tỉnh Thái Nguyên đã thành lập đoàn kiểm tra, rà soát lại các Trung tâm, bố trí, sắp xếp lại nhân sự, xử lý kịp thời những khiếm khuyết, tránh được thất thoát, lãng phí. Đó chính là hiệu quả của một tác phẩm báo chí.

Nhà báo Thu Hiền cùng đồng nghiệp đang đến UBND tỉnh Thái Nguyên quay phóng sự


Tâm sự về hành trình làm phóng sự này, nhà báo Thu Hiền cho biết: Đây là đề tài chúng tôi phát hiện trong quá trình đi làm phóng sự để phát sóng. Còn riêng “Lãng phí kép” ở các Trung tâm chữa bệnh giáo dục lao động xã hội và Trung tâm quản lý sau cai không chỉ là câu chuyện riêng ở Thái Nguyên mà là thực trạng tại một số nơi. Bên cạnh đó, vấn đề mà phóng sự đề cập ở đây là Nghị định 221/3013/NĐ-CP về quy định chế độ áp dụng biện pháp xử lý hành chính đưa vào cơ sở cai nghiện bắt buộc cần phải được sửa đổi, bổ sung cho phù hợp với thực tiễn tránh gây khó khăn và lãng phí hàng loạt cho cơ sở…Và việc chuyển đổi mô hình cũng cần phải được tình toán kỹ lưỡng, hiệu quả, thiết thực, phù hợp …tránh tiếp tục gây ra một sự lãng phí kép.

Để có sự thành công của tác phẩm “Lãng phí kép” là sự góp sức, hy sinh của cả một ekip. Mỗi một thước phim, mỗi một công đoạn đều có một vai trò quyết định đến thành công của tác phẩm. Các thành viên luôn cố gắng tìm tòi, sáng tạo để có những góc quay tạo được điểm nhấn, phán ảnh được theo chủ đề của tác phẩm. Trong “Lãng phí kép”, người quay là nhà báo Mạnh Nghịnh, anh đã chọn góc quay làm sao để khán giả nhìn vào những hình ảnh đó thấy rõ được sự lãng phí.

Nhà báo Thu Hiền chia sẻ: Nghề truyền hình khác với báo in, nghĩa là làm việc phải có tập thể. Tác phẩm đạt Huy chương vàng lần này là sự cố gắng của cả một ê kíp làm việc, sự ăn ý trong cách phối hợp làm việc với nhau, điều đó rất quan trọng để tạo nên một tác phẩm có dấu ấn chất lượng cao.

“Nghề báo khắc nghiệt lắm, đòi hỏi sự sáng tạo không ngừng nhưng cũng đầy thú vị. Muốn cảm nhận sự ngọt ngào của nó, hãy đã bước đi với cái đầu luôn tỉnh táo, một trái tim ấm nóng và niềm đam mê không bao giờ cạn”, nhà báo Đỗ Thu Hiền chia sẻ.

HOÀI THANH

CÙNG CHUYÊN MỤC
Xem theo ngày
Tin nên đọc
Báo dân sinh
Báo dân sinh
Báo dân sinh