THỨ SÁU, NGÀY 22 THÁNG 11 NĂM 2024 05:53

NSƯT Quế Anh - “Niềm khát” đổi mới sân khấu truyền thống

Với tác phẩm này, NSƯT Quế Anh được trao giải "Tác giả triển vọng" (giải duy nhất) của Liên hoan quốc tế sân khấu thử nghiệm lần thứ 4 vừa qua.

- Thời gian qua, các nghệ sĩ cả nước than thở quá nhiều về việc sáp nhập các đơn vị nghệ thuật.  Nhà hát nghệ thuật Đồng Nai cũng vừa sáp nhập hai đơn vị là Đoàn cải lương và Đoàn ca múa nhạc, thì có gặp khó khăn gì không?

Việc này đúng là khó cho người làm nghề. Sở dĩ các nghệ sĩ "lo ngại" là do bị sáp nhập đoàn nghệ thuật chuyên nghiệp với trung tâm văn hóa. 

Bởi lẽ, nhiệm vụ của Trung tâm văn hóa là làm công tác tuyên truyền, mang tính quần chúng, trong khi đoàn nghệ thuật làm việc mang tính sáng tạo, chuyên nghiệp. Còn sáp nhập các đoàn nghệ thuật để tinh giảm biên chế, giữ lại những người có khả năng tốt như Đồng Nai thì lại thuận lợi. 

NSƯT Quế Anh - “Niềm khát” đổi mới sân khấu truyền thống - Ảnh 1.

Cảnh trong vở “Niềm khát”

Nhà hát Nghệ thuật truyền thống và Đoàn ca múa nhạc vốn hoạt động rất chuyên nghiệp, giờ về chung một nhà thì hiệu quả hoạt động tăng lên gấp nhiều lần. Nhà hát sáp nhập từ tháng 3-2019, và đến nay, mọi việc tiến triển tốt. Anh em hòa thuận trong lao động. Mọi người đặc biệt lưu tâm đến sáng tạo truyền thống, những tác phẩm như "Hồi sinh", "Bão táp một vương triều" đã chứng tỏ sức mạnh đó. 

Ngoài ra, nguồn nhân sự dồi dào khiến chúng tôi có thể dàn dựng những chương trình mang tính tổng hợp vừa đậm đà bản sắc dân tộc, vừa hiện đại, mới mẻ để phục vụ các nhiệm vụ chính trị và nhân dân trong tỉnh. 

Ví như chương trình "Kỷ niệm Biên Hòa- Đồng Nai 320 năm hình thành và phát triển", "Lễ khai mạc triển lãm ảnh và phim phóng sự - tài liệu trong cộng đồng Asean tại Việt Nam năm 2019", "Hội nghị 50 năm thực hiện Di chúc của Chủ tịch Hồ Chí Minh"… đan xen giữa các loại hình nghệ thuật của Nhà hát được tán dương rất nhiều.

- Việc trộn lẫn nhiều loại hình nghe có vẻ dễ, còn cụ thể khi bắt tay vào làm?

Đúng là cũng không đơn giản. Ca múa nhạc hiện đại luôn nổi trội hơn là điều không thể chối cãi. Một bên nhiều sắc thái, sôi nổi, một bên lại man mác buồn thương. Làm sao để chúng hòa quyện, ngọt ngào, hấp dẫn mà vẫn không mất đi đặc trưng riêng? 

Chúng tôi phải cân nhắc trong hòa âm phối khí để những tiết mục truyền thống khỏi bị "chìm" trong các chương trình lớn. 

Bên cạnh đó, dùng những bản cải lương có thể phối nhạc hiện đại.

- Và chị còn dàn dựng vở diễn thử nghiệm mang tên "Niềm khát" đan cài các yếu tố trên?

Vở "Niềm khát" do Nhà hát dàn dựng mang tính tổng thể, gồm cải lương truyền thống, nhạc đương đại, và múa. Tất cả đều tận dụng những gì chúng tôi đang có. Nếu nghe kỹ sẽ thấy, trong "Niềm khát", đã có sự đổi mới, vẫn hồn cốt đó nhưng cải lương đã lạ tai hơn. 

Có thể nói, những gì ông cha đã để lại chính là bước đệm để làm mới cải lương.

- "Niềm khát" do chính chị viết kịch bản và đạo diễn đã đoạt giải Tác giả duy nhất trong Liên hoan quốc tế sân khấu thử nghiệm lần thứ 4-2019. Lý do gì khiến chị từ một diễn viên lại liều mình thử sức với vai trò mới?

- Tôi suy nghĩ nhiều về việc phải đổi mới sân khấu truyền thống, đặc biệt cần hướng đến khán giả trẻ. Tôi muốn thử dựng tác phẩm với đề tài mới cho loại hình truyền thống. Theo tôi, điều cần đổi mới trước tiên phải là chủ đề, phải tập trung vào những vấn đề xã hội đang quan tâm. 

NSƯT Quế Anh - “Niềm khát” đổi mới sân khấu truyền thống - Ảnh 2.

NSƯT Quế Anh được trao giải "Tác giả triển vọng" (giải duy nhất) của Liên hoan quốc tế sân khấu thử nghiệm lần thứ 4

Lúc đầu, tôi dự định mời đạo diễn khác nhưng sau nghĩ lại, mình nên tự làm vì dù gì cũng hiểu "đứa con tinh thần" của mình hơn. Tôi trăn trở với đề tài công nghệ 4.0, trong đó là khát khao của những nhà khoa học với dự tính cho tương lai, điển hình là trí tuệ nhân tạo.

Ở thời đại công nghệ, máy móc làm chủ, nếu con người biết tận dụng sẽ hiệu quả vô cùng, còn nếu sử dụng vào mục đích sai trái thì sẽ là thảm họa khôn lường. Vì tự tay viết kịch bản và đạo diễn nên tôi muốn tất cả các khâu đều mới mẻ. 

Không chỉ đề tài, toàn bộ diễn viên tham gia đều rất trẻ, gần như là lần đầu đảm nhiệm vai chính. Không gian sân khấu khác lạ, tiết tấu vở diễn nhanh, phối kết hợp nhạc mới và cải lương. 

Tôi nghĩ, vở diễn không tránh khỏi những hạt sạn, và có thể khán giả chưa quen nhưng đó là khát vọng của tôi và nghệ sĩ trong Nhà hát. 

Qua đây, chúng tôi sẽ lắng nghe ý kiến phản biện, chắt lọc để tiếp tục xây dựng những tác phẩm mới.

- Là nghệ sĩ trẻ đảm đương trách nhiệm dẫn dắt một đơn vị như Nhà hát nghệ thuật Đồng Nai, chị cảm thấy điều gì là trở ngại lớn nhất?

Chúng tôi đang gặp khó khăn trong tuyển dụng. Theo quy định, diễn viên, nhạc công phải có bằng cấp. Song người được học hành thực tế chưa chắc làm được việc. Thậm chí, hậu đài, kỹ thuật cũng yêu cầu phải có bằng cấp, trong khi hiện nay chưa có trường đào tạo. 

Bây giờ tìm được người muốn đi theo nghệ thuật truyền thống cực kỳ khó khăn. Ngay các trường đào tạo cũng khó tuyển. Vào học rồi, làm nghề khó sống, các bạn lại bung ra ngoài làm nhiều việc khác, như tham gia gameshow. Đến khi có tên tuổi lại rẽ sang ngành nghề khác. 

Thậm chí, nhiều người còn hỏi: Vào biên chế làm gì để bị phụ thuộc quá nhiều thứ, trong khi mình là nghệ sĩ? Nói chung, đời sống người làm sân khấu còn khó khăn, cả nước đều vậy chứ không riêng Đồng Nai.

- Chị có ý tưởng gì để khắc phục thực tế này không?

Hiện Nhà hát nghệ thuật Đồng Nai có hai đoàn, mỗi năm diễn phục vụ chính trị khoảng trên 300 suất trong tỉnh. Một năm, Nhà hát dàn dựng hai vở dài từ 90-120 phút, cùng các chương trình đờn ca tài tử, trích đoạn cải lương, hai chương trình ca múa nhạc, múa rối...

Bên cạnh làm nhiệm vụ được giao, chúng tôi còn tìm cách đưa tác phẩm đến công chúng một cách rộng rãi qua các phương tiện truyền thông. Chúng tôi luôn tâm niệm, làm sao để cải lương đến gần công chúng, nhất là khán giả trẻ, làm sao để người trẻ tìm thấy mình trong nghệ thuật truyền thống? 

Hiện, có nhiều loại hình giải trí để khán giả lựa chọn nên sân khấu cải lương gặp khó. Tuy nhiên, có những thời điểm, khán giả rất đông, nhất là ở vùng sâu vùng xa. Nhưng dù thế nào, có được tác phẩm hay thì khán giả vẫn đến xem. 

Vì thế, chúng tôi cần một ê kíp giỏi từ biên kịch đến đạo diễn, diễn viên, âm nhạc và phải là những người thực sự hiểu về nghệ thuật, có quan điểm đúng để cùng đi chung con đường.

- Xin trân trọng cảm ơn chị!

Kim Ngọc

CÙNG CHUYÊN MỤC
Xem theo ngày
Tin nên đọc
Báo dân sinh
Báo dân sinh
Báo dân sinh