THỨ SÁU, NGÀY 22 THÁNG 11 NĂM 2024 06:37

Nóng tình trạng người lao động xuất cảnh, di cư trái phép để lao động 'chui'

Thông tin từ báo Công An nhân dân, hàng ngày phải đối mặt với sự nguy hiểm, chèn ép hoặc nơm nớp lo sợ bị cơ quan chức năng nước sở tại bắt và trục xuất bất cứ lúc nào là tình trạng mà các lao động "chui" khi sang nước ngoài làm việc. Thế nhưng, bất chấp những cảnh báo và tuyên truyền của các cơ quan chức năng, chính quyền địa phương, nhiều lao động vẫn lén lút xuất cảnh, di cư trái phép để "mơ" một giấc mơ đổi đời đầy may rủi.

Tại Đắk Nông, trong 6 tháng đầu năm 2020, Phòng Quản lý xuất nhập cảnh, Công an tỉnh đã phát hiện 47 trường hợp liên quan đến hoạt động xuất cảnh, di cư trái phép. Trong đó, có 16 trường hợp xuất cảnh sang Nga (9 trường hợp đang lao động trái phép tại châu Âu và 7 trường hợp đã bị trục xuất về nước) theo diện đi du lịch, thăm thân, xem bóng đá..., sau đó trốn ở lại Nga để làm việc bất hợp pháp và di cư trái phép sang các nước châu Âu, 9 trường hợp xuất cảnh trái phép, làm việc bất hợp pháp tại Trung Quốc bị phát hiện, bắt giữ và trục xuất về nước, 16 trường hợp không được phía Trung Quốc cho cư trú, 6 trường hợp xuất cảnh trái phép theo diện du lịch rồi trốn ở lại lao động trái phép tại Thái Lan, Malaysia và Đài Loan (Trung Quốc). Ngày 16/6, Phòng Quản lý xuất nhập cảnh, Công an tỉnh Đắk Nông đã phát hiện và xử lý vi phạm hành chính đối với anh Trần Văn M (trú tại huyện Đắk Song), về hành vi khai không đúng sự thật để được cấp hộ chiếu.

Tình trạng người lao động  xuất cảnh, di cư trái phép để lao động 'chui' - Ảnh 1.

Công an làm việc với Anh M

Trước đó, ngày 28/5, anh M cũng đã bị Phòng Cảnh sát Quản lý hành chinh về Trật tự xã hội , Công an tỉnh Đắk Nông xử phạt vi phạm hành chính về 2 hành vi (khai man, giả mạo hồ sơ, cung cấp thông tin, tài liệu sai sự thật để được cấp CMND và hành vi không thực hiện đúng quy định của pháp luật về cấp mới, cấp lại, đổi CMND).

Theo trình bày của anh M, ngày 2/3/2012, anh M được cấp hộ chiếu phổ thông, sau đó sử dụng hộ chiếu này thông qua các đối tượng chuyên đưa người đi lao động trái phép tổ chức cho xuất cảnh sang Nga lao động bất hợp pháp theo diện du lịch với chi phí 42 triệu đồng. Khi đến Nga, anh M trốn ở lại làm việc bất hợp pháp và đến năm 2014 bị Cảnh sát Nga bắt, trục xuất về nước và cấm nhập cảnh vào Nga.

Tháng 1/2019, M giả mạo nhân thân anh trai của mình để đề nghị cấp CMND và hộ chiếu dưới nhân thân của anh trai để tiếp tục xuất cảnh sang Nga lao động bất hợp pháp. Khi sang Nga được 3 tháng thì bị Cảnh sát Nga bắt và trục xuất về nước.

Việc công dân xuất cảnh, di cư trái phép và lao động bất hợp pháp tại nước ngoài thường thông qua các đối tượng, đường dây chuyên đưa người đi lao động trái phép ở nước ngoài tổ chức đưa đi (không theo diện có thỏa thuận hợp tác lao động giữa Chính phủ Việt Nam với các quốc gia sở tại) diễn ra dưới nhiều hình thức khác nhau như: Đưa người xuất cảnh trái phép qua biên giới; tổ chức cho người lao động đi nước ngoài theo diện du lịch, thăm thân... Khi đến nước ngoài, người được xuất cảnh trái phép thì tìm cách ở lại hoặc bỏ trốn làm việc chui.

Tuy nhiên, người lao động phải đối mặt với rất nhiều rủi ro, trong đó dễ trở thành nạn nhân của các đối tượng buôn bán người, bị cơ quan chức năng của nước sở tại bắt, giam giữ vì vi phạm pháp luật nước sở tại, bị mất một số tiền rất lớn đã nộp cho các đường dây đưa đi nhưng sau đó có thể bị trục xuất và cấm nhập cảnh trở lại nước ngoài. Thậm chí, người lao động có thể bị các băng nhóm tội phạm của nước ngoài xâm hại đến sức khỏe, tính mạng mà không được chính quyền nước sở tại bảo vệ do lao động trái phép hoặc thiệt mạng trên đường di cư trái phép....

Theo Phòng Quản lý xuất nhập cảnh, Công an tỉnh Đắk Nông, để phòng, chống tình trạng xuất, nhập cảnh trái phép trên địa bàn, thời gian tới, đơn vị sẽ tiếp tục phối hợp với các lực lượng chức năng triển khai phòng ngừa, ngăn chặn tình trạng người Việt Nam xuất cảnh, di cư trái phép, cư trú và lao động bất hợp pháp, vi phạm pháp luật ở nước ngoài. Thường xuyên phối hợp chặt chẽ với các đơn vị nghiệp vụ, Công an các huyện, thành phố đẩy mạnh công tác tuyên truyền truyền trong nhân dân về các quy định của pháp luật trên lĩnh vực xuất, nhập cảnh; rà soát, nắm tình hình công dân địa phương xuất cảnh trái pháp luật; kịp thời phát hiện, đấu tranh làm rõ các đối tượng vi phạm quy định về xuất, nhập cảnh.

Phòng Quản lý xuất nhập cảnh thực hiện cải cách thủ tục hành chính, tạo điều kiện thuận lợi nhất cho người dân khi đến làm các thủ tục xuất cảnh, thời gian cấp hộ chiếu cho người chuẩn bị đi nước ngoài được rút ngắn, nhưng vẫn đảm bảo đúng theo quy định hiện hành. Theo đó, thời gian giải quyết đối với hồ sơ của công dân không quá 8 ngày, các trường hợp gấp được giải quyết sớm nhất trong thời gian quy định.

Để công tác tuyên truyền, phòng chống xuất cảnh, di cư trái phép ra nước ngoài lao động "chui" đạt hiệu quả cao rất cần sự vào cuộc, chung tay của các cấp, các ngành, chính quyền cơ sở. Bởi một trong nguyên nhân dẫn đến tình trạng công dân xuất cảnh, di cư trái phép đi lao động ở nước ngoài là do kinh tế khó khăn.

Thông tin từ Báo Biên phòng, từ đầu năm 2020 đến nay, thực hiện sự chỉ đạo của Đảng ủy, Bộ Tư lệnh Bộ đội biên phòng, trực tiếp là Cục Trinh sát, các đơn vị Bộ đội biên phòng trên các tuyến biên giới đã phối hợp với các lực lượng chức năng phát hiện, bắt giữ, xử lý 32.302 lượt người Việt Nam và 547 người nước ngoài xuất nhập cảnh trái phép. Trong đó, đối với người Việt Nam xuất nhập cảnh trái phép, Bộ đội biên phòng các tỉnh độc lập bắt giữ 3.928 vụ/22.896 lượt người, phối hợp với lực lượng công an bắt giữ 624 vụ/3.516 lượt người và các lực lượng chức năng các nước láng giềng bắt giữ, trao trả 466 vụ/5.792 người.

Về phía người nước ngoài xuất nhập cảnh trái phép, Bộ đội biên phòng các tỉnh độc lập bắt giữ, xử lý 145 vụ/341 người, Bộ đội biên phòng phối hợp với lực lượng công an bắt giữ, xử lý 44 vụ/206 người. Bộ đội biên phòng cũng đã chủ động xây dựng, triển khai các biện pháp nghiệp vụ và xác lập 7 chuyên án đấu tranh thành công với hoạt động tổ chức đưa đón người xuất nhập cảnh trái phép tại Lạng Sơn, Lào Cai, Cao Bằng.

Đồng thời, Bộ đội biên phòng các tỉnh đã tiến hành khởi tố 41 vụ/81 đối tượng người Việt Nam có hành vi tổ chức, môi giới cho người khác xuất nhập cảnh trái phép (trong đó có 2 vụ/4 đối tượng tổ chức, dẫn dắt người nước ngoài nhập cảnh trái phép), hoàn chỉnh hồ sơ giao cho cơ quan chức năng xử lý theo thẩm quyền; xử phạt vi phạm hành chính 1.721 người, xử lý và bàn giao cho chính quyền địa phương, cơ quan chức năng đưa vào cơ sở cách ly phòng chống dịch Covid-19 30.483 người. Hiện tại, thực hiện chỉ đạo của Bộ Tư lệnh, Cục Trinh sát Bộ đội biên phòng đang tiếp tục phối hợp với Bộ đội biên phòng các tỉnh, kịp thời khắc phục những tồn tại, đề ra các biện pháp đấu tranh phòng chống có hiệu quả hoạt động xuất nhập cảnh trái phép trên các tuyến biên giới.

LÊ NHUẬN (tổng hợp)

CÙNG CHUYÊN MỤC
Xem theo ngày
Tin nên đọc
Báo dân sinh
Báo dân sinh
Báo dân sinh