CHỦ NHẬT, NGÀY 19 THÁNG 01 NĂM 2025 07:08

Nông thôn Yên Bái khởi sắc từ công tác đào tạo nghề

Nông thôn Yên Bái khởi sắc từ công tác đào tạo nghề   - Ảnh 1.

Giáo viên Trung tâm Dạy nghề và GDTX huyện Văn Yên hướng dẫn người dân vùng quế chế tác đồ thủ công mỹ nghề từ vỏ quế

Theo Sở LĐ-TB&XH Yên Bái, trong 10 năm qua (2010-2019), từ các chương trình, dự án phát triển kinh tế - xã hội, hoạt động dạy nghề của các cơ sở đào tạo, các doanh nghiệp, hoạt động truyền nghề, tự học nghề... trong tỉnh đã đào tạo cho khoảng 150.000 người, trong đó có 119.000 lao động nông thôn (chiếm 79%). Riêng thực hiện chính sách hỗ trợ đào tạo nghề cho lao động nông thôn theo Đề án 1956, toàn tỉnh đã mở 1.680 lớp, với số lao động nông thôn được học nghề là 49.346 người (bình quân gần 5.000 người/năm). Số lao động nông thôn được hỗ trợ đào tạo nghề ở lĩnh vực nông nghiệp là 33.178 người (chiếm 67,2%), lĩnh vực phi nông nghiệp là 16.168 người (chiếm 32,8%).

Sau 10 năm triển khai thực hiện Đề án 1956, đã có 44.526 lao động nông thôn (được hỗ trợ đào tạo) có việc làm sau khi học nghề, đạt 90%. Đã có 2.629 lượt người được doanh nghiệp, đơn vị tuyển dụng; 3.193 lượt người được doanh nghiệp, đơn vị bao tiêu sản phẩm, 38.056 lượt người tự tạo việc làm; 648 lượt người tự thành lập tổ hợp tác, hợp tác xã, doanh nghiệp; 1.505 lượt người thuộc hộ thoát nghèo sau 1 năm học nghề; 4.334 lượt người thuộc hộ có thu nhập khá sau 1 năm học nghề.

Kết quả dạy nghề cho lao động nông thôn theo Đề án 1956 đã tạo sự chuyển biến mạnh mẽ về chất lượng lao động nông thôn cũng như nguồn nhân lực của tỉnh, góp phần nâng tỷ lệ lao động qua đào tạo toàn tỉnh đến cuối năm 2019 đạt 60%, trong đó tỷ lệ lao động qua đào tạo từ 3 tháng trở lên có văn bằng, chứng chỉ công nhận kết quả đào tạo đạt 29,4%. Đào tạo nghề đã có đóng góp quan trọng trong việc tạo việc làm cho trên 18.000 lao động mỗi năm của tỉnh, góp phần chung vào công tác giảm nghèo tại tỉnh Yên Bái. Chất lượng nguồn nhân lực được cải thiện đã đóng góp quan trọng trong việc nâng cao năng suất, tạo việc làm, giảm nghèo, góp phần phát triển kinh tế - xã hội và chuyển dịch cơ cấu kinh tế, cơ cấu lao động ở từng địa phương và của tỉnh theo hướng hiệu quả, bền vững.

Trong đào tạo nghề cho lao động nông thôn, đã xuất hiện các điển hình có tỷ lệ tạo việc làm cao đã và đang được duy trì có hiệu quả như: Mô hình sản xuất rau an toàn tại xã Tuy Lộc, xã Âu Lâu (thành phố Yên Bái); trồng và sơ chế măng tre Bát Độ ở xã Kiên Thành; nuôi tằm và sơ chế kén tằm tại các xã Việt Thành, Tân Đồng, Báo Đáp, may công nghiệp (huyện Trấn Yên); chế biến gỗ rừng trồng, sản xuất gạch theo công nghệ lò nung Tuynel (huyện Văn Yên); xây dựng, chăn nuôi lợn (huyện Lục Yên); chạm khắc đá (huyện Văn Chấn), kỹ thuật nuôi ong mật tại tại xã Nậm Khắt (huyện Mù Cang Chải), du lịch cộng đồng homestay (tại thị xã Nghĩa Lộ)...

Một số lớp dạy nghề có nhiều lao động nông thôn sau khi học nghề áp dụng có hiệu quả vào sản xuất và tạo việc làm. Điển hình như tại thành phố Yên Bái, đã có nhiều hộ sản xuất nông nghiệp sau khi tham gia lớp đào tạo nghề "Sản xuất rau an toàn" tại các xã Tuy Lộc và Âu Lâu đã mạnh dạn mở rộng sản xuất, thành lập tổ hợp tác sản xuất rau an toàn, tăng diện tích trồng rau củ quả, làm nhà lưới, vòm che thấp, sản phẩm sau khi thu hoạch có chất lượng tốt, sản lượng thu hoạch cao có thương hiệu, lao động tham gia sản xuất có thu nhập ổn định (trung bình từ 5,5 triệu/ người/tháng trở lên). Tại huyện Trấn Yên, đã có nhiều mô hình sản xuất nông nghiệp với quy mô lớn sau đào tạo nghề như: mô hình trồng và sơ chế măng tre Bát Độ tại xã Kiên Thành (tổ hợp tác xã với 25 hội viên) với tổng diện tích 1.268 ha cho sản lượng 23.000 tấn, thu nhập 16 tỷ đồng/năm. Ngoài ra, còn nhiều mô hình khác như mô hình trồng dâu nuôi tằm, trồng cây ăn quả có múi và chăn nuôi thú y.

Tại huyện Văn Yên, các mô hình có hiệu quả cao như mô hình xưởng chế biến gỗ rừng trồng tại xã Lâm Giang, mô hình sản xuất gạch theo công nghệ lò nung Tuynel tại xã Đông Cuông. Lao động tại các xưởng này trước khi học nghề chủ yếu là lao động phổ thông, không có tay nghề, ý thức kỷ luật và kỹ năng tay nghề kém, năng suất sản xuất thấp. Sau khi học nghề, công nhân được đào tạo kỹ năng, tuân thủ quy trình lao động, an toàn lao động giúp xưởng hoạt động ổn định, số công nhân được duy trì trên 30 người và có mức thu nhập tốt (trung bình trên 5 triệu đồng/ người/ tháng). Hay tại thị xã Nghĩa Lộ, những năm gần đây, nhiều hộ gia đình tại xã Nghĩa An và xã Nghĩa Lợi đã phát triển mô hình du lịch cộng đồng. Sau khi được đào tạo, đã giúp các hộ gia đình nâng cao chất lượng phục vụ khách du lịch (bao gồm cả khách trong nước và khách nước ngoài), góp phần tạo việc làm, cải thiện thu nhập cho lao động địa phương và quảng bá tốt hình ảnh về du lịch của tỉnh Yên Bái.

Theo đánh giá, công tác dạy nghề cho lao động nông thôn luôn nhận được sự quan tâm, chỉ đạo thường xuyên của Tỉnh ủy, HĐND, UBND tỉnh và sự quan tâm chỉ đạo của cấp ủy, chính quyền các cấp; qua đó, bước đầu tạo được sự chuyển biến tích cực trong nhận thức và điều hành của các cấp, ngành, tổ chức chính trị - xã hội và người lao động về vai trò của dạy nghề đối với nâng cao chất lượng lao động nông thôn, đáp ứng yêu cầu phát triển kinh tế. Hệ thống văn bản chỉ đạo, hướng dẫn thực hiện đề án được ban hành tương đối đầy đủ và kịp thời. Từ đó làm cơ sở để định hướng hoạt động dạy nghề và tổ chức các hoạt động dạy nghề cho lao động nông thôn theo nhu cầu của nền kinh tế.

Yên Bái đã thực hiện phân cấp cho các địa phương trong việc đặt hàng đào tạo nghề cho lao động nông thôn. Theo đó, UBND cấp huyện được giao là chủ đầu tư, được chủ động trong triển khai nhiệm vụ đặt hàng dạy nghề cho lao động nông thôn gắn với nhu cầu, địa chỉ sử dụng, theo định hướng phát triển, tạo điều kiện thuận lợi cho các địa phương, cơ sở dạy nghề trong quá trình tổ chức đào tạo.

Giai đoạn năm 2019 - 2020, Yên Bái đề ra kế hoạch tuyển mới đào tạo cho 47.500 người, trong đó có 37.590 lao động nông thôn tham gia học nghề. Có 12.000 lao động được hỗ trợ đào tạo nghề theo chính sách của Đề án 1956, bình quân mỗi năm hỗ trợ đào tạo nghề cho 6.000 người trình độ sơ cấp và đào tạo dưới 3 tháng, trong đó đào tạo nghề nông nghiệp chiếm từ 55-60%, đào tạo nghề phi nông nghiệp chiếm từ 40 - 45%. Phấn đấu có trên 85% lao động nông thôn sau khi học nghề có việc làm mới, hoặc tiếp tục làm nghề cũ nhưng với năng suất, thu nhập cao hơn trước. Đến hết năm 2020, có 125 xã/157 xã đạt tiêu chí 14.3 "Tỷ lệ lao động có việc làm qua đào tạo", chiếm 79,6%.

Giai đoạn này, tỉnh Yên Bái Tập trung đào tạo đối với lao động làm nông nghiệp ở các vùng sản xuất hàng hóa thực hiện tái cơ cấu ngành nông nghiệp, xây dựng nông thôn mới; lao động làm việc trong các trang trại, hợp tác xã, tổ hợp tác, doanh nghiệp có liên kết sản xuất và tiêu thụ sản phẩm với nông dân; lao động là người khuyết tật, hộ nghèo, hộ cận nghèo, hộ bị thu hồi đất sản xuất nông nghiệp, phụ nữ. Các ngành nghề để phát triển công nghiệp phụ trợ, đào tạo theo vị trí việc làm tại doanh nghiệp, làng nghề; đào tạo nghề cho lao động nông thôn vào làm việc trong các khu công nghiệp tập trung và các dự án đầu tư; đào tạo nghề gắn với chiến lược phát triển kinh tế xã hội. Đảm bảo người khuyết tật chiếm ít nhất 10%, lao động nữ chiếm ít nhất 40% trong tổng số chỉ tiêu hỗ trợ đào tạo hàng năm. Sở LĐTB&XH tỉnh Yên Bái cũng đề nghị Chính phủ tiếp tục có các chính sách hỗ trợ đào tạo nghề cho lao động nông thôn sau khi Đề án 1956 kết thúc giai đoạn 2010 - 2020.


PHƯƠNG MINH

CÙNG CHUYÊN MỤC
Xem theo ngày
Tin nên đọc
Báo dân sinh
Báo dân sinh
Báo dân sinh