THỨ SÁU, NGÀY 22 THÁNG 11 NĂM 2024 02:31

Nghệ An : Đào tạo nghề cho lao động nông thôn gắn giải quyết việc làm

Nghệ An : Đào tạo nghề cho lao động nông thôn gắn giải quyết việc làm - Ảnh 1.

Ảnh minh họa

Giai đoạn 2011 - 2020, toàn tỉnh Nghệ An tuyển sinh đào tạo nghề nghiệp cho 772.863 lượt người, trong đó lao động nông thôn được đào tạo nghề theo Đề án là 578.709 lượt người, đạt 110%, vượt mục tiêu đề ra. Công tác giải quyết việc làm cho người học sau tốt nghiệp được các cơ sở GDNN đẩy mạnh và chủ động hơn, việc gắn kết với doanh nghiệp được thực hiện có hiệu quả. Một số trường đào tạo nghề đã làm tốt việc cam kết giải quyết việc làm cho người học sau tốt nghiệp, gắn với tìm kiếm thị trường lao động. 10 năm qua, trong tổng số 521.115 người học tốt nghiệp thì 390.279 người có việc làm ổn định, gồm: 62.755 người làm việc tại các doanh nghiệp trong tỉnh, 130.318 làm việc trong các doanh nghiệp ngoài tỉnh, 55.529 người làm việc có thời hạn ở nước ngoài và 141.277 người tự tạo việc làm mới hoặc tiếp tục làm nghề cũ nhưng có năng suất, thu nhập cao hơn.

Một số địa phương đã triển khai các mô hình dạy nghề có hiệu quả như: Yên Thành với nghề trồng nấm, may công nghiệp; Quỳnh Lưu với nghề mây tre đan, may công nghiệp; Diễn Châu với mô hình may công nghiệp, chế biến nước mắm sạch; Nghĩa Đàn với nghề nuôi ong, nuôi gà, trồng cây ăn quả; Con Cuông với nghề trồng cam, trồng chè, dệt thổ cẩm... Điển hình, một số lao động sau khi học nghề đã thành lập trang trại, HTX, cơ sở sản xuất kinh doanh dịch vụ với thu nhập lên đến hàng trăm triệu đồng/năm, như: ông Ngô Văn Tứ (xã Nghĩa Long, huyện Nghĩa Đàn) với mô hình chăn nuôi gà, thu nhập 400 triệu đồng/năm; bà Nguyễn Thị Vân (xã Châu Quang, huyện Quỳ Hợp) với mô hình chăn nuôi lợn, thu nhập 400 triệu đồng/năm; ông Nguyễn Phùng Khởi (xã Trung Sơn, huyện Đô Lương) với mô hình trồng dưa lưới, thu nhập 250 triệu đồng/năm…" - Phó Giám đốc Hồ Thị Châu Loan, thông tin.

Toàn tỉnh Nghệ An hiện có 65 cơ sở GDNN và có đăng ký hoạt động GDNN, gồm: 9 trường cao đẳng, 14 trường trung cấp, 20 trung tâm giáo dục nghề nghiệp, 22 cơ sở hoạt động giáo dục nghề nghiệp. Có 41 cơ sở công lập (chiếm 63,08%) và 24 cơ sở ngoài công lập (chiếm 36,92%). 100 % cơ sở GDNN tham gia đào tạo nghề cho LĐNT; quy mô tuyển sinh đạt 90.000 học sinh, sinh viên/năm, tăng 23% so với mục tiêu của Đề án; cơ cấu ngành, nghề và trình độ đào tạo cơ bản đã đáp ứng nhu cầu của người học, thị trường sử dụng lao động và chuyển dịch cơ cấu lao động, cơ cấu kinh tế trên địa bàn tỉnh.

Trong quá trình hoạt động, hình thức đào tạo nghề tại các địa phương được tổ chức linh hoạt và đa dạng như: đào tạo tại các cơ sở GDNN, đào tạo lưu động tại các xã, thôn, bản với 10 nhóm nghề chủ yếu như mây tre đan, dệt thổ cẩm, thêu ren, mộc mỹ nghệ, chế biến hải sản, trồng nấm... Nhờ xác định được những hình thức đào tạo phù hợp với người lao động nên đa số học viên sau khi học nghề đã tự tạo việc làm, áp dụng kiến thức được học vào trong công việc lao động sản xuất, tiết kiệm được thời gian lao động, tăng thu nhập, cải thiện đời sống, góp phần lớn trong xây dựng nông thôn mới. Đặc biệt, công tác giải quyết việc làm cho người học sau tốt nghiệp được các cơ sở GDNN thực hiện có hiệu quả, giai đoạn 2011 - 2015, tỷ lệ có việc làm đạt 72,89%, giai đoạn 2016 - 2020 đạt 78,2% với mức thu nhập bình quân từ 4,5 - 5 triệu đồng/tháng. Qua đó, góp phần nâng tỷ lệ lao động qua đào tạo từ 33% năm 2010 lên 63% năm 2019 (tăng 30%), trong đó, qua đào tạo nghề từ 30% lên 58,1% (tăng 28,1%).

Chính sách hỗ trợ đào tạo nghề cho LĐNT cũng được Nghệ An triển khai hiệu quả nhằm góp phần giải quyết việc làm, nâng cao tay nghề, thu nhập cho một bộ phận người lao động. Cụ thể, trong giai đoạn 2011 - 2020, có 82.644 l LĐNT hỗ trợ học nghề trình độ sơ cấp và đào tạo dưới 3 tháng theo chính sách Quyết định 1956 của Thủ tướng Chính phủ với tổng kinh phí 142,784 tỷ động, gồm: học nghề nông nghiệp 40.158 người (chiếm 48,59%), học nghề phi nông nghiệp 42.486 người (chiếm 51,41%); lao động nữ 48.956 người (chiếm 59,23%); LĐNT thuộc đối tượng hưởng chính sách ưu đãi người có công, hộ nghèo, dân tộc thiểu số, lao động bị thu hồi đất nông nghiệp, người khuyết tật có 29.350 người (chiếm 38,88%); LĐNT thuộc hộ cận nghèo 5.457 người (chiếm 6,6%).

Bên cạnh đó, tỉnh còn hỗ trợ đầu tư hỗ trợ cơ sơ vật chất, trang thiết bị cho 25 cơ sở GDNN công lập nhằm đáp ứng nhu học nghề và năng lực đào tạo nghề cho LĐNT theo chính sách Quyết định số 1956/QĐ-TTg là 148,534 tỷ đồng, đạt 58% mục tiêu Đề án (ngân sách Trung ương là 118,041 tỷ đồng, kinh phí địa phương 28,75 tỷ đồng, nguồn huy động xã hội hóa là 1,743 tỷ đồng. Trong đó, tỉnh tập trung ưu tiên đầu tư xây dựng mới Trung tâm GDNN – Giáo dục thường xuyên huyện Nghĩa Đàn; 02 cơ sở GDNN kiểu mẫu là: Trường Trung cấp Kỹ thuật Yên Thành và Trung tâm GDNN - Giáo dục thường xuyên huyện Diễn Châu; Trường Trung cấp Kinh tế - Công nghiệp - Thủ công nghiệp để thực hiện đào tạo các nghề thủ công mỹ nghệ…

Để tiếp tục đổi mới và nâng cao chất lượng đào tạo nghề cho LĐNT, tỉnh Nghệ An sẽ tập trung chỉ đạo thực hiện một số nhiệm vụ, giải pháp trọng tâm như: Tăng cường sự lãnh đạo, chỉ đạo của cấp ủy đảng, chính quyền, sự phối hợp đồng bộ giữa các ngành, cơ quan, đơn vị đối với công tác GDNN nói chung và đào tạo nghề cho LĐNT nói riêng. Tiếp tục đổi mới, nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý đối với các cơ sở giáo dục nghề nghiệp... Bên cạnh đó, cần chú trọng tạo việc làm cho những lao động sau đào tạo ngắn hạn, điều đó đồng nghĩa với việc khảo sát các nghề, tăng cường truyền thông để lao động trên địa bàn chọn đúng nghề phù hợp với tay nghề và nguyện vọng của mình, phù hợp với đầu ra. Đồng thời, yêu cầu Sở Lao động - TBXH Nghệ An cần đánh giá lại nhu cầu hiệu quả của công tác đào tạo nghề; chú trọng tạo cơ hội việc làm cho người học ngay trên địa bàn, chỉ đạo các cơ sở GDNN cần có cơ chế chính sách đào tạo nghề cho đối tượng mất việc do dịch bệnh, các lao động về từ vùng dịch nay đang thất nghiệp, góp phần giảm tình trạng thất nghiệp dài cho các đối tượng này.


PHƯƠNG MINH

CÙNG CHUYÊN MỤC
Xem theo ngày
Tin nên đọc
Báo dân sinh
Báo dân sinh
Báo dân sinh