Nông dân và chuyện thích ứng hội nhập
- Huyệt vị
- 20:03 - 20/08/2016
Hội nhập đã, đang và sẽ là chủ đề bàn thảo “nóng” ở các hội nghị, hội thảo cũng như trên các phương tiện truyền thông đại chúng và trong nhân dân. Nhận thức về hội nhập trong người dân nói chung và nông dân nói riêng từ đó đã cho thấy sự chuyển biến nhất định. Thế nhưng, sự chuyển hóa nhận thức ấy đến đâu thì vẫn còn nhiều vấn đề phải bàn.
Ông Võ Ngọc Diệp, nông dân kỳ cựu ở xã Lương Hòa Lạc, (huyện Chợ Gạo, Tiền Giang) cho biết, qua báo, đài, ông biết được Việt Nam là thành viên của WTO, đã và đang tham gia vào nhiều hiệp định thương mại tự do với các nước và khu vực, trong đó có những nước có yêu cầu chất lượng nông sản rất khắt khe. Qua đó, nông sản Việt Nam có cơ hội mở rộng thị trường xuất khẩu; đồng thời phải cạnh tranh quyết liệt với nông sản nước ngoài tràn vào nước ta.
Với nhận thức đó, ông rất tâm huyết với mô hình sản xuất nông sản GAP nhằm tạo ra sản phẩm an toàn, chất lượng để có thể tạo lòng tin nơi người tiêu dùng trong nước trước sự xâm nhập của nông sản ngoại. Nhận thức là vậy, thế nhưng sau những viễn cảnh xán lạn được vẽ lên sau khi vườn thanh long của ông được chứng nhận đạt tiêu chuẩn VietGAP là chuỗi ngày thất vọng vì trái thanh long GAP của ông phải chấp nhận bán cho thương lái cùng với những mặt hàng thanh long trôi nổi khác.
“Ai cũng biết trong hội nhập, nông sản muốn tồn tại thì phải an toàn, chất lượng để cạnh tranh với nông sản ngoại ngay trên thị trường nội địa và đẩy mạnh xuất khẩu sang các nước. Muốn vậy, nông dân không thể làm riêng lẻ, manh mún mà cần tổ chức lại. Nhưng qua bao năm rồi, chúng ta chưa đi đến đâu cả. Nhiều mặt hàng nông sản của ta khó bán hơn hàng ngoại ngay trên đất nước mình thì nói gì đến đẩy mạnh xuất khẩu. Tình hình này riết rồi ai có tâm huyết sản xuất nông sản theo các tiêu chuẩn trong nước và quốc tế với mong muốn khẳng định giá trị nông sản của quê hương, đất nước đến mấy cũng nao lòng” - ông Diệp chia sẻ.
Nông dân còn gặp nhiều khó khăn trong hội nhập
Nông dân là những người trực tiếp tạo ra nông sản nhưng theo các chuyên gia cũng là những người dễ bị tổn thương nhất trong quá trình hội nhập. Bởi họ không chủ động được đầu vào, đầu ra, dễ gặp rủi ro trong quá trình sản xuất. Bên cạnh đó, họ còn hạn chế về khả năng tiếp cận thông tin thị trường, tiếp cận doanh nghiệp và nhiều hạn chế khác nữa.
Nhiều giải pháp, mô hình giúp nông dân thích ứng với hội nhập qua tập huấn, xây dựng mô hình sản xuất nông sản đáp ứng các tiêu chuẩn của các nước tiên tiến nhưng hiệu quả mang lại rất khiêm tốn đã vô hình trung trở thành lực cản trong chuyển hóa nhận thức, dẫn đến xói mòn niềm tin về các cơ hội từ hội nhập mang lại, dần đẩy họ trở lại với lối sản xuất cũ. Tuy nhiên, dù thế nào thì các nhà chuyên môn vẫn khẳng định: Hội nhập là xu thế không thể đảo ngược và nông dân phải chuyển sản xuất theo hướng an toàn, chất lượng.
Ông Võ Văn Men, Chi cục phó Chi cục Trồng trọt và Bảo vệ thực vật Tiền Giang cho rằng: “Hội nhập có nhiều vấn đề nhưng điều quan trọng nhất đối với nông dân là sản xuất an toàn, chất lượng để vừa có thể cạnh tranh với nông sản của các nước ngay trên “sân nhà”; đồng thời có thể xâm nhập thị trường ngoài nước”.
Để làm được điều này, ngoài nỗ lực của nông dân, theo ông Men, Nhà nước cần tiếp tục hướng dẫn, hỗ trợ nông dân về kỹ thuật để tạo ra sản phẩm an toàn, chất lượng; đồng thời tuyên truyền cho họ biết về các chính sách sản xuất nông nghiệp an toàn gắn bảo vệ môi trường, ứng dụng công nghệ cao… để nông dân ứng dụng nhằm trước mắt là mang lại hiệu quả kinh tế cho nông hộ, sau đó mới tính đến những vấn đề khác.
“Bên cạnh an toàn, chất lượng, giá thành thấp là yếu tố sống còn đối với nông sản và nông dân. Nông dân muốn tạo ra sản phẩm cạnh tranh được với sản phẩm ngoại ngay trên thị trường nội địa, tiến tới xuất khẩu thì phải đạt được 3 yếu tố này” - ông Lê Minh Khánh, Phó Giám đốc Sở NN&PTNT Tiền Giang cho nhấn mạnh.
An toàn, chất lượng là vấn đề nan giải của nông sản hiện nay.
Cũng theo ông Khánh, sau nhiều năm hội nhập, nông dân đã có chuyển biến đáng kể về nhận thức, tư duy nhưng sự chuyển biến này còn chậm và làm thế nào để thích ứng thì họ chưa biết. Hiện nay, nhiều nông dân vẫn còn mang tư duy sản xuất cũ là cố gắng tăng năng suất, không quan tâm đến chất lượng, an toàn; làm ăn nhỏ lẻ. Thực tế cho thấy, nếu sản xuất nhỏ lẻ, manh múm, nông dân không thể nâng được năng suất nông sản, trong khi đó giá thành sản xuất cao, sản phẩm thiếu an toàn.
Chỉ khắc phục tình trạng này, nông dân mới hạn chế được những tổn thương tiến đến tồn tại được trong hội nhập. Muốn làm được điều này, theo ông, một mặt, Nhà nước tiếp tục định hướng, hướng dẫn, tuyên truyền, vận động nông dân chuyển sản xuất phù hợp với yêu cầu hiện tại và tương lai. Mặt khác, Nhà nước cần hỗ trợ nông dân khâu tiếp thị, giới thiệu, quảng bá sản phẩm an toàn, chất lượng đến thị trường trong và ngoài nước.
Để thực hiện các hướng đi nhằm giúp nông dân thích ứng, hạn chế tổn thương trong hội nhập, Sở NN&PTNT Tiền Giang đang đẩy mạnh tái cơ cấu ngành theo hướng xác định lợi thế so sánh, ưu thế cạnh tranh từng cây trồng, vật nuôi ở từng vùng; tổ chức sản xuất theo hướng liên kết; áp dụng các tiến bộ khoa học - kỹ thuật vào sản xuất để nâng cao năng suất, giảm giá thành;
Đồng thời đảm bảo tiêu chuẩn an toàn vệ sinh thực phẩm, chất lượng sản phẩm gắn với thân thiện môi trường. Bên cạnh vận động, tuyên truyền, ngành cũng xây dựng các mô hình điểm, điểm trình diễn để từ đó nông dân có thể làm theo.