An Giang:Nông dân đổi đời từ thi đua sản xuất, kinh doanh giỏi
- Tra cứu sét nghiệm y khoa
- 16:16 - 13/06/2016
Theo báo cáo của HĐND tỉnh An Giang, trong những năm qua toàn tỉnh có hàng ngàn lượt nông dân sản xuất, kinh doanh giỏi được công nhận ở 4 cấp. Từ phong trào thi đua này đã xuất hiện nhiều mô hình sản xuất kinh doanh hiệu quả và đa dạng. Đó là mô hình chuyên canh sản xuất lúa giống mà điển hình là tổ hợp tác sản xuất lúa giống Phú An, xã Hòa Bình, huyện Châu Thành; tổ hợp tác sản xuất giống Bình Tây, xã Thoại Giang, huyện Thoại Sơn; tổ hợp tác sản xuất giống An Đông, xã An Hảo, huyện Tịnh Biên…Mô hình trồng màu tập trung ở các vùng cù lao thuộc các huyện: An Phú, Châu Phú, Chợ Mới, Tân Thành, với lợi thế đất phù sa bồi đắp nông dân đã chuyển dịch từ trồng lúa sang trồng màu đem lại hiệu quả kinh tế cao. Điển hình như gia đình ông Trịnh Bửu Kiếm ở xã Tân Hòa, huyện Phú Tân với diện tích 1,2 ha trồng màu, doanh thu đạt trên 320 tr đ/năm; ông Lê Văn Đến ở xã Khánh An, huyện An Phú, với diện tích 1,6 ha trồng khổ qua, đạt doanh thu trên 300 tr/năm…
Phong trào nông dân thi đua sản xuất, kinh doanh giỏi đã xuất hiện nhiều hợp tác xã chuyên sản xuất lúa giống đem lại lợi nhuận cao hơn so với trồng lúa bình thường.
Mô hình nuôi cá nước ngọt của ông Ngô Chơn Khoa cũng đem lại hiệu quả kinh tế cao, với 0,5 ha mặt nước nuôi cá lóc, đạt doanh thu trên 1,2 tỷ đ/năm; ông Huỳnh Hữu Lộc, xã Vĩnh Phú, huyện An Phú với 0,8 ha mặt nước nuôi cá tra, doanh thu trên 2,3 tỷ đ/năm. Mô hình phát triển các loại cây ăn trái có giá trị kinh tế cao được nhiều người dân áp dụng đang đem lại hiệu quả. Gia đình ông Đặng Ngọc Yên ở thị trấn Chi Lăng, huyện Tịnh Biên trồng xoài có doanh thu trên 350 tr đ/năm; ông Nguyễn Hoàng Dư, xã Bình Phước Xuân, huyện Chợ Mới trồng giống xoài Đài Loan và bưởi da xanh đạt doanh thu trên 300 tr đ/năm; ông Lê Bửu Hiền, xã Bình Thạnh Đông, huyện Phú Tân, trồng dừa, ổi, mãn cầu đạt doanh thu trên 340 tr đ/năm.
Mô hình nuôi cá sấu với quy mô trang tại đã đem lại doanh thu hàng tỷ đồng/ năm cho nhiều nông dân ở địa phương
Đặc biệt chăn nuôi theo mô hình quy mô lớn đã góp phần hạ giá thành, cung cấp lượng hàng hóa đáng kể cho thị trường. Điển hình như gia đình ông Đỗ Văn Ngon, ấp Hưng Trung, xã Đào Hữu Cảnh, huyện Châu Phú, với đàn heo nái sinh sản lên tới 48 con, trung bình mỗi tháng xuất chuồng khoảng 100 con heo giống, doanh thu bình quân mỗi tháng hơn 100 tr đ. Phong trào thi đua cũng đã xuất hiện mô hình nông nghiệp với đa dạng ngành nghề và phát triển bền vững. Điển hình như gia đình bà Nguyễn Thị The, xã Vĩnh Khánh, huyện Thoại Sơn kết hợp trồng lúa + nuôi heo + gà, vịt + nuôi cá các loại, cho doanh thu đạt 1,5 tỷ đ/năm. Điểm nổi bật của phong trào là đã phát triển được mô hình kinh tế trang trại, tạo ra lượng hàng hóa lớn có chất lượng cao. Điển hình như trang trại trồng lúa giống của ông Nguyễn Quốc Hùng ở thị trấn Óc Eo, huyện Thoại Sơn, đạt doanh thu trên 4 tỷ đ/năm. Bà Lê Thị Bích Lệ, xã Vĩnh Mỹ, thị xã Châu Đốc, với trang trại nuôi cá sấu có doanh thu đạt gần 10 tỷ đ/năm.
Thông qua phong trào, nhiều làng nghề truyền thống ngày càng phát triển, trong đó có nghề chuyên sản xuất bong bóng cá đem lại doanh thu cho nhiều cơ sở hàng tỷ đồng/năm
Phong trào thi đua cũng đã góp phần phát triển được những ngành nghề thủ công ở vùng nông thôn hiện nay. Điển hình như cơ sở thủ công Hai Học do ông Trần Hữu Nghĩa ở thị trấn Tri Tôn, huyện Tri Tôn làm chủ có doanh thu đạt trên 1,1 tỷ đ/năm; cơ sở mộc chuyên đóng ghe, xuồng của ông Phạm Phú Thọ ở xã Mỹ Hiệp, huyện Chợ Mới, đạt doanh thu khoảng 480 tr đ/năm; cơ sở chuyên chế biến bong bóng cá và khô mực của ông Trần Văn Ngây, xã Thoại Giang, huyện Thoại Sơn đạt doanh thu 34 tỷ đ/năm, lợi nhuận đạt trên 1,7 tỷ đ/năm. Nông dân sản xuất kinh doanh giỏi là những người không chỉ biết làm giàu cho gia đình mình, mà trong những năm qua còn là những tấm gương đi đầu trong việc đóng góp tài chính xây dựng hạ tầng và các công trình phúc lợi xã hội làm thay đổi diện ở nông thôn ngày nay.