THỨ SÁU, NGÀY 20 THÁNG 09 NĂM 2024 09:32

Mai Nhung- Nhà báo của nông dân

 

 

Trong đó có thể kể đến Mai Nhung, nguyên Tổng biên tập (TBT) báo Nông Thôn Ngày Nay (NTNN). Ngày Mai Nhung nhận chức TBT, tôi cứ đùa: “Báo của các bạn thì biếu còn khó chứ bán sao được. Người nông dân suốt ngày cặm cụi với nắng mưa, nhọc nhằn, nghèo khó lấy đâu ra thời gian, tiền bạc để mua báo rồi chú tâm những vấn đề mà báo đưa ra. Người thành phố thì đã có ối tờ báo để đọc rồi”. Mai Nhung nhìn tôi, đôi mắt to tròn, lấp lánh một ánh cười hờn dỗi, trách cứ, thậm chí diễu cợt. Tôi đọc được ở ánh nhìn ấy một câu hỏi: “Vậy cậu xác định trách nhiệm nhà báo là thế nào, và cậu nghĩ về tớ là thế nào?”

Mai Nhung là như vậy. Người đất Quảng, với phong cách, trả lời câu người ta hỏi bằng cách hỏi lại người ta, nhưng Mai Nhung khác hơn, chị không nói ra lời mà nói bằng mắt. Kể từ đó, từng bước phát triển của tờ Nông thôn Ngày nay đã khẳng định tài năng của Mai Nhung. Từ một tờ báo xuất bản tuần một kỳ/ 12 trang (lượng phát hành chỉ là con số vài ngàn) đến 5 kỳ/ tuần/ 16 trang (lượng phát hành luôn ở mức 7 vạn bản/kỳ) cùng với các ấn phẩm khác như : Làng Cười (3 vạn tờ/ kỳ), Chuyên đề “Thế giới & Hội nhập” 2 vạn bản/ kỳ, Nguyệt san 1 vạn bản/ kỳ… Về hiện tượng này, giúp tôi khẳng định ý nghĩ: “dân” miền Trung nhiều người giỏi làm báo. Họ biến cái góc bể hữu hạn thành một đại dương 7 vạn bản/kỳ, cho thấy, họ không chỉ khiến người nông dân cần đến tờ báo mà người thành thị cũng thích tờ báo.

 Việc khó như dời núi vậy

Chúng tôi, những người làm báo thời đó vẫn hay đùa nhau rằng: Với Mai Nhung, thì đàn ông của “làng báo” thích nhắc đến nhan sắc của nàng. Nào là vừa trẻ vừa xinh vừa hào phóng. ( Có lẽ, họ khen nàng đẹp là để tránh nói nàng tài). Còn cánh phụ nữ thì khen nàng tài (để tránh nói nàng đẹp). Nhưng khen rồi thì lại kèm theo một câu: “Đàn bà vừa tài vừa đẹp thì tai họa cho xung quanh lắm, dao sắc động vào chết như bỡn…”. Tuy nhiên, dù có tránh khen nàng đến thế nào thì những người đàn ông đàn bà ấy của chúng tôi đều thích được nàng gọi điện: “Viết bài nhé”. Nhuận bút trả cao, tên người viết được nổi trong một tờ báo trình bày đẹp, lượng người đọc lớn là điều người cầm bút nào cũng muốn. Nếu bài viết “ngon” thì ngoài nhuận bút còn được một “sợi giây tình”, nghĩa là nàng không quên một ai đã cộng tác với báo của nàng (vì thế cũng có người, khi gặp khó khăn đã được tờ báo của nàng, hay bản thân nàng giúp đỡ), nếu bài viết ẩu, sẽ bị nàng cho một trận, mà không nói tránh né, nàng chỉ luôn ra cho mà biết cái hớ hênh, cái nhạt nhẽo, cái thiếu căn cứ của câu chữ, của sự kiện… Cái sắc sảo ấy của nàng, khiến cho không ít người sống cùng tòa soạn với nàng, chỉ một thời gian ngắn, từ chỗ bình thường đến chỗ thành danh.

Khi NTNN là “hiện tượng” của làng báo Việt Nam, nhiều người đã về “tụ nghĩa” dưới ngọn cờ của nàng. Có thể kể đến những tên tuổi như: Huy Đức,( lúc đó đang là nhà báo chính trị - xã hội hàng đầu của Tuổi Trẻ, chỉ gặp Mai Nhung hôm trước thì hôm sau nộp đơn xin nghỉ Tuổi Trẻ để về NTNN). Lương Thị Bích Ngọc (nay là Tổng Biên tập Báo điện tử Khám phá) cũng rời báo Đại đoàn kết để về, Phạm Tường Vân,( lúc đó đang là Biên tập viên Tạp chí Thế giới phụ nữ, tờ báo trả thu nhập cho phóng viên thuộc loại cao nhất làng báo thời bấy giờ) cũng chuyển từ TP.HCM ra Hà Nội nhập cuộc. Nhà báo Huỳnh Kim Sánh, Nhiếp ảnh gia Trần Việt Đức, nhà báo Quang Hải, Minh Đức- ( lúc đó cũng đang là Tổng Thư ký tòa soạn Báo Tuổi trẻ TP.HCM). Nhà báo Lê Anh Hoài… đều đến với Mai Nhung. Cùng các nhà báo trẻ tiềm năng như: Nguyễn Bá Kiên (hiện là Tổng Biên tập Báo Giao thông), Lê Thị Hạnh (hiện đang làm ở VietNamNet), Văn Hoài, Ngọc Anh, Lê Huyền Minh Tâm, Minh Quang, Lê Minh, Lại Bá Hà...

 Họ gọi Mai Nhung là NỮ TƯỚNG

Còn nhớ hồi đầu, Mai Nhung bảo: “Ban Biên tập báo quyết tâm cải tiến, nâng cao chất lượng nội dung, hình thức tờ báo, sẽ từng bước chuyển từ bao cấp sang tự chủ, hạch toán… Báo sẽ cần những người làm báo tâm huyết với nông dân… Ai đó, ở đâu, có tài, muốn về báo thì báo đều nhận… Thậm chí, nếu bị kỷ luật về dăm ba cái chuyện linh tinh, cũng bỏ qua luôn, cốt ở tài và tâm mà thôi… ”. Chúng tôi đùa nhau mãi về chuyện này, chuyện linh tinh là thế nào, cái gì được coi chỉ là chuyện linh tinh v.v. Té ra linh tinh có nghĩa là chuyện yêu đương. (Hồi đó, còn cổ hủ lắm, có nơi kỷ luật chỉ vì cán bộ có tình cảm lãng mạn…)

Tờ báo có trụ sở ở 13 Thụy Khuê Hà Nội, nhưng báo đến với người nông dân khắp cả nước, địa phương nào cũng có phóng viên thường trú, vấn đề thời sự hằng ngày xảy ra của nông thôn, nông dân tại địa phương đều được phản ánh và giải gỡ một cách chia sẻ thấu đáo, hay những giải pháp khoa học kỹ thuật cho nhà nông cũng được báo mời các chuyên gia nông nghiệp phổ biến trên báo,  nên bà con đón chờ tờ báo như chờ bữa ăn hằng ngày. Chuyện làm thế nào để nuôi con gà, con lợn, con bò, con ngan… có năng suất cao.; trồng thế nào để cây nhãn, cây bưởi, cây cam có thu hoạch tốt, bội thu mà không rớt giá cho đến chuyện lũ chồng lũ thì báo làm từ thiện ra sao đều được TBT và Ban BT có phương án thực hiện, đáp ứng. Báo quy tụ được nhiều nhà khoa học nông nghiệp viết về các vấn đề nông thôn, nhiều nhà văn hóa viết về câu chuyện con người và cuộc đời, nhiều phóng viên làm phóng sự giỏi. Vấn đề đặt ra trên mặt báo không chỉ là chuyện làm nông, mà cả chuyện cơ chế nào cho nông thôn phát triển, và như thế thì từ phóng sự nghị trường, đến phóng sự điều tra, đến ý kiến phản biện… Mai Nhung quan niệm, làm báo là người phải có gan chịu đựng được áp lực. Cái dễ nói, dễ lọt tai cơ chế thì khó được thực tiễn chấp nhận, nói được cái khó, cái dễ động chạm… mà ai cũng phải công nhận tiếng nói của tờ báo đã đóng góp vào tiến trình phát triển của xã hội, mới là làm báo giỏi…  Từng tuyến đề tài nóng bảo vệ quyền lợi cho người nông dân "thấp cổ bé họng" có cơ hội được hưởng công bằng, đều có bàn tay của Mai Nhung. Những bài phóng sự rất hay, có nhiều vụ việc đã được làm tới cùng, làm rất rành mạch: như vụ việc của một thứ trưởng Bộ Y tế bằng giả, vụ giải cứu em bé người Nhật khỏi tay bọn cướp- bắt cóc con tin, vụ một hạt thóc gánh 40 khoản phí…

*

Từ sắp xếp, trình bày các trang báo cho hợp lý, hấp dẫn, những ý kiến của Nhung cũng khiến cho họa sĩ phải nể phục. Không ít các cây bút chuyên nghiệp còn nể Nhung cả cách “giật” tít bài vừa đúng, trúng, và hay. Nhung bảo, cứ ba tháng mà chưa nghĩ được ra một thay đổi nào mới, và lớn để tờ báo tiếp tục chiếm lĩnh thị trường thì coi như mình không làm việc. Nhung luôn nghĩ bản thân mắc nợ người nông dân.

Dù đã nghỉ hưu (năm 2008), nhưng nhiều đồng nghiệp ở Báo NTNN vẫn quý mến Mai Nhung, họ gọi Nhung là người truyền lửa, mặc dù không ít lần sự quyết liệt của Nhung trong xử lý tình huống, nhân sự, chuyên môn… cũng thuộc diện… “kinh dị” không kém gì các đấng mày râu, khiến họ... nhiều lúc hoảng hồn. Họ nói rằng, nếu không như thế, Nhung không thể là vị tổng chỉ huy của những cây bút "có sừng có mỏ" trong làng báo. Họ bảo Nhung điều hành công việc của tòa soạn theo lối “lạt mềm buộc chặt”, tình chan chứa đấy nhưng lý cũng… “không phải dạng vừa đâu”.

*

    Tuổi thiếu niên, Nhung lên rừng theo kháng chiến chống Mỹ. Cô gái có đôi mắt biết nói ấy khiến cho khu rừng ấy sinh động hơn, giảm bớt hơn cái lo âu thắc thỏm của một đời sống dã chiến. Mai Nhung, vô tư, hồn nhiên, xinh đẹp và chăm chỉ, ẩn sau nụ cười rất tươi là một tinh thần, ý chí tự học để chiếm lĩnh kiến thức của người con xứ Quảng. Các nhà văn như Nguyễn Trí Huân, Chu Lai, Trung Trung Đỉnh, Nguyễn Khắc Phục, Nguyễn Quang Thân… nhiều khi vẫn nhắc đến Mai Nhung với những lời thân mến, và trong họ Mai Nhung vẫn là một cô bé ngày xưa, khi còn là một nhân viên đánh máy ở Hội Văn nghệ Liên Khu 5, tóc tết bím hai bên, sống nhiệt tình và làm việc có trách nhiệm. Các nhà văn coi Mai Nhung là một gương mặt đáng nể chính bởi sự tự học, tự rèn ấy để sau này trở thành người làm báo có tâm và có tầm…

Sau khi nghỉ hưu, Mai Nhung về Đà Nẵng ở và làm ngôi nhà riêng của mình.Vốn là người có con mắt thẩm mỹ, ở bất cứ ngôi nhà nào Nhung cũng biến nó thành một không gian mà ngay cả các chi tiết tiện ích cũng trở thành một “mảng” của hội họa, kiến trúc nội thất. Tuy mời Kiến trúc sư (KTS) vẽ thiết kế ngôi nhà, nhưng rồi chính KTS lại bảo: ý tưởng cũng của chị Nhung, chi tiết và tổng thể cũng là cuả chị ấy cả, em chỉ như người thể hiện và làm chủ yếu là kết cấu thôi. Ngôi nhà thật đẹp, một tác phẩm kiến trúc về nhà ở có thể được xếp hạng ở Đà Nẵng.

   Từ ngày nghỉ hưu Mai Nhung dành nhiều thời gian cho việc đọc sách hơn trước. Cuốn nào mới ra, Nhung đều có. Căn bệnh đốt sống cổ có thể do nghề nghiệp để lại khiến Nhung đau yếu hơn, nhưng ngọn lửa trong tâm vẫn như hồi còn làm báo, Mai nhung vẫn sôi nổi trò chuyện về thời cuộc, về nhân tình thế thái, nhưng cuộc chuyện chỉ dừng ở mức tâm tư, đối thoại, phản biện giữa những bè bạn thân thiết. Chị bảo, chị không ưa những phát biểu ồn ào… 

TRẦN THỊ TRƯỜNG / Lao động và Xã hội

CÙNG CHUYÊN MỤC
Xem theo ngày
Mất ngủ và thuốc Đông y: Vì sao niềm tin bị lung lay?

Mất ngủ và thuốc Đông y: Vì sao niềm tin bị lung lay?

Trong nhiều thế kỷ, Đông y đã là một phần quan trọng trong y học và văn hóa của nhiều nước châu Á, đặc biệt là Trung Quốc và Việt Nam. Tuy nhiên, trong xã hội hiện đại ngày nay, niềm tin...
3 tháng trước
Tin nên đọc
Báo dân sinh
Báo dân sinh
Báo dân sinh