THỨ SÁU, NGÀY 22 THÁNG 11 NĂM 2024 02:06

Nơi lưu giữ chứng tích chiến tranh

Người  trẻ cần biết thế nào là chiến tranh, là nỗi đau hậu chiến

Gặp nhà văn Sương Nguyệt Minh những ngày này rất khó. Nhà số 4 phố Lý Nam Đế, tòa soạn Báo Văn nghệ quân đội hầu như vắng bóng anh. Chỉ thấy anh tất bật đi lại giữa Hà Nội và Bắc Giang, thậm chí “nằm” ở Bắc Giang cả tuần không về. Hỏi thì anh bảo “công việc vẫn ngổn ngang lắm, chuẩn bị cho ra mắt Bảo tàng vào cuối tháng 8 này nên phải gấp rút hoàn thành”...

Tò mò về cái bảo tàng đã kéo Sương Nguyệt Minh ra khỏi những trang viết,  cộng thêm lời mời của anh “lên đây xem thử đi, nhiều thứ hay lắm” nên tôi đã theo xe cùng một người bạn anh lên Bắc Giang vào một ngày nắng như đổ lửa. Gần 3 tiếng mới lên đến nơi vì tắc đường, từ xa, nhà văn Sương Nguyệt Minh quần sooc, áo phông, đầu đội mũ nan chạy ra đón chúng tôi giữa một công trình xây dựng ngổn ngang gạch đá. Anh với nước da đen cháy vì nắng gió sau những ngày lăn lộn ở công trình xây dựng, tôi đùa: “Sao nhà văn không kiếm cái ô để che nắng, giữ da, chứ thế này thì mất hết vẻ phong lưu?”. “Các cô mới cần giữ da chứ tôi là đàn ông, cần gì. Vả lại, các bà, các chị toàn mong tôi xấu đi cho yên tâm”- anh cười nói.

Bảo tàng di tích chiến tranh sẽ cho giới trẻ thấy được phần nào sự khốc liệt của cuộc chiến


Bảo tàng di tích chiến tranh của anh nằm trong khu Song Thuong Garden (Vườn nghệ thuật Sông Thương) của thành phố Bắc Giang và Sương Nguyệt Minh được chọn làm người “chỉ đạo nghệ thuật” cho toàn bộ khu du lịch văn hóa này. “Bảo tàng chỉ là một hạng mục thôi - một hạng mục đặc biệt trong một khu du lịch văn hóa với rất nhiều hạng mục như Bảo tàng văn hóa Kinh bắc, đại lộ ngôi sao, khu vườn hiện thực… Nhưng tôi rất kỳ vọng đây sẽ trở thành điểm tham quan đặc biệt đối với du khách, nhất là thế hệ trẻ để họ biết thế nào là chiến tranh, là nỗi đau hậu chiến và biết trân trọng những giá trị của hòa bình”- nhà văn Sương Nguyệt Minh cho biết và đích thân  đưa chúng tôi đi thăm khu bảo tàng đầy tâm huyết của anh.

Máu và hoa - phần trưng bày ngoài trời được sắp đặt khá ấn tượng với rất nhiều vỏ bom, đủ các chủng loại. Từng mang lại bao chết chóc khi chúng được ném xuống mảnh đất hình chữ S, giờ đây, trên những vỏ bom vỡ, những máng bom bi là những cây hoa hồng, hoa mười giờ đầy tính biểu tượng được sắp xếp như một kiểu nghệ thuật sắp đặt- những bông hoa đỏ như máu của bao chiến sĩ đã ngã xuống vì sự bình yên cho mảnh đất này. Và từ sự đổ nát, đau thương,  mất mát, hy sinh trong chiến tranh, những mầm sống đã sinh sôi nảy nở và bừng lên rực rỡ...

Phần trưng bày trong nhà của bảo tàng được sắp xếp theo nhiều mảng chủ đề. Đó là không gian phủ Lạng thương với hình ảnh một ga tàu cũ kỹ; là sơ đồ trận đánh Xương Giang thời Lê, phòng tuyến sông Như Nguyệt thời Lý Thường Kiệt đánh quân Tống; là hình ảnh đồn Phồn Phương của cụ Đề Thám; là khu nhà tù với chiếc máy chém, cái cùm chân được phục dựng lại.

 Khu trưng bày chủ đề chất độc hóa học với hình ảnh những khu rừng trụi lá cháy thành than, những bức ảnh về những em bé bị dị dạng do chất độc da cam, trọng tâm là bức tranh mô phỏng tác phẩm nhiếp ảnh Em bé Napalm nổi tiếng của Nick Út đặt ngay dưới dòng chữ Bảo tàng di tích chiến tranh. Cạnh đó là các chủ đề: Trường Sơn, Chiến thắng B52, Hành trang người lính, Vũ khí chiến tranh... Những mảng chủ đề này gây ấn tượng với rất nhiều hiện vật như cây nhiệt đới, mũ cối, mũ sắt, nòng súng, hầm chữ A. những chiếc lập là, romine đựng nước, thùng đại liên, các loại vũ khí...

 

Những kỷ vật của một thời máu lửa


 Những kỷ vật máu thịt được trao tặng

Những công đoạn cuối đang được gấp rút hoàn thành để kịp ra mắt Bảo tàng đúng dịp kỷ niệm Ngày Quốc khánh 2/9. Nhà văn Sương Nguyệt Minh tâm sự, anh không kỳ vọng Bảo tàng này có được quy mô tầm cỡ như Bảo tàng chứng tích Quốc gia ở Sài Gòn, bởi đó là bảo tàng cấp quốc gia và được Nhà nước đầu tư. “Chúng tôi chỉ chọn một góc nhỏ, đó là những di chứng để lại sau chiến tranh để trưng bày theo chủ đề và cố gắng sưu tầm những hiện vật có địa chỉ, sau đó sẽ lập hồ sơ cho những hiện vật này. Đây là những hiện vật rất quý.

Để có được những hiện vật trưng bày tại bảo tàng, Sương Nguyệt Minh kể, anh và những cộng sự đã rất nhiều lần vượt hơn 700 cây số vào tận Quảng Trị, nơi chiến trường xưa, đến từng nhà dân, gặp những cựu chiến binh để thu thập, thậm chí rất nhiều hiện vật có được từ vựa sắt vụn...

“Trước đây những hiện vật này nhiều lắm, nhưng chiến tranh qua đi hơn 40 năm nên giờ rất khó kiếm, thậm chí có tiền cũng không tìm được. Trong bảo tàng còn có sự hiện diện của cả người lính phía bên kia, bởi chúng tôi quan niệm đây không phải bảo tàng ca ngợi chiến thắng mà là bảo tàng di tích chiến tranh. Chiến tranh xảy ra thì phía bên mình hay phía bên kia đều chịu sự đau đớn, mất mát. Do vậy, việc sưu tầm càng khó khăn hơn. Tôi cũng đã cố gắng sưu tầm khá nhiều hiện vật và hình ảnh về những người lính bên kia chiến tuyến. Để nói với nhân loại rằng cuộc chiến này mất mát thuộc về cả hai phía, cả bên thua cuộc và bên thắng cuộc, cả những người dân bình thường...”- anh cho biết.

Sương Nguyệt Minh kể, trong quá trình đi tìm hiện vật, anh đã rất bất ngờ và thật sự cảm động khi nhận được sự ủng hộ nhiệt tình của những người lính, những người bạn, những đồng đội cũ. “Có những hiện vật tôi nghĩ họ sẽ không cho bởi đó là phần ký ức máu thịt, nhất là khi những người lính ấy lại là nhà văn, có chữ có nghĩa, có ký ức chiến tranh trong đầu thì bao giờ người ta cũng muốn giữ lại những kỷ vật ấy cho mình và cho con cháu sau này. Nhưng tất cả hoàn toàn trái với suy nghĩ của tôi. Như nhà văn Nguyễn Văn Thọ, khi tôi đặt vấn đề, ông rất vui vẻ hưởng ứng, thậm chí mời tôi đi ăn sáng sau đó mời về nhà tặng chiếc mũ sắt và một bi đông đựng nước đã gắn bó với ông trong suốt cuộc chiến. Hay nhà văn Nguyễn Trọng Luân, từng là tiểu đội trưởng trinh sát đã tặng chúng tôi một cái ống nhòm của lính Mỹ mà ông đã sử dụng ở mặt trận B3 Tây Nguyên.  Một  hiện vật rất quý nữa là quyển sổ nhật ký của một anh lái xe thiết giáp của quân đội Việt Nam cộng hòa mà ông nhặt được, sau đó được ông ghi tiếp nhật ký ở phía sau. Quyển nhật ký đó được cả hai người lính ở hai phía ghi chép có thể nói là rất quý và  ông ấy cũng đã tặng lại cho chúng tôi. Tôi còn nhớ, buổi sáng được  tặng thì đến  trưa ông nhắn cho tôi bảo là đã thẫn thờ suốt buổi sáng như chia tay người yêu vậy, mặc dù biết rằng, việc tặng lại cho bảo tàng là rất nên và có ý nghĩa. Tôi đã phải nhắn lại cho ông rằng, cho đi không phải là mất, nó vẫn là của bác, chỉ có điều bác không còn giữ nó nữa thôi, chúng tôi sẽ giữ hộ những hiện vật ấy, lập hồ sơ cho chúng và chúng sẽ được giữ lại bảo tàng như một chứng tích của chiến tranh...

 

Sự sống đã hồi sinh từ những đau thương, chết chóc


Trong số rất nhiều hiện vật của hành trang của người lính năm xưa, có một vật khá đặc biệt, đó là một một vali được làm từ ống pháo sáng mà một anh lính trẻ đã kỳ công gò tặng cho người yêu của mình, một cô gái thanh niên xung phong. Người lính ấy đã hy sinh và chiếc vali có móc khóa hình trái tim rất đẹp ấy đã được cô gái giữ đến tận bây giờ và tặng lại cho bảo tàng...

“Chỉ những người đã đi qua những năm tháng khốc liệt của chiến tranh mới thực sự hiểu cái giá phải trả cho cuộc chiến khủng khiếp đến mức độ nào. “Còn nhớ khi tàu Hải Dương 981 của Trung Quốc vào Việt Nam, cả nước như bị “lên đồng”. Nhưng những người lính như chúng tôi thì không, chúng tôi sợ chiến tranh. Chúng ta có nhiều cách để bảo vệ  hòa bình và độc lập dân tộc, có nhiều cách để chiến tranh không bao giờ xảy ra một lần nữa trên mảnh đất này”- nhà văn Sương Nguyệt Minh tâm sự trước khi chúng tôi lên xe về Hà Nội. Còn anh ở lại Bắc Giang hoàn thành nốt những hạng mục dang dở để ít ngày nữa thôi, bảo tàng sẽ được mở cửa đón du khách...

NGUYỆT HÀ

CÙNG CHUYÊN MỤC
Xem theo ngày
Mất ngủ và thuốc Đông y: Vì sao niềm tin bị lung lay?

Mất ngủ và thuốc Đông y: Vì sao niềm tin bị lung lay?

Trong nhiều thế kỷ, Đông y đã là một phần quan trọng trong y học và văn hóa của nhiều nước châu Á, đặc biệt là Trung Quốc và Việt Nam. Tuy nhiên, trong xã hội hiện đại ngày nay, niềm tin...
5 tháng trước
Tin nên đọc
Báo dân sinh
Báo dân sinh
Báo dân sinh